Nội Dung Chính
Được cựu Tổng thống Obama “quảng cáo” miễn phí nhưng bia Hà Nội không tận dụng được sức nóng mà khiến nhiều người bất ngờ khi thua đau trên sân nhà.
Hà Nội là thị trường tiềm năng của tất cả các loại hàng hóa, trong đó có bia. Ở Hà Nội, người dân quen dùng bia Hà Nội, bia Sài Gòn, bia Heineken,…. Dù chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng qua quan sát vẫn có thể thấy 3 thương hiệu kể trên chiếm thị phần lớn nhất Hà Nội.
Vì Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) có thương hiệu bia Hà Nội và có trụ sở ở Hà Nội nên Hà Nội được coi là sân nhà của Habeco. Đó có thể xem là lợi thế của Bia Hà Nội ở thủ đô. Bên cạnh đó, gần đây, bia Hà Nội có thêm một lợi thế rất lớn “từ trên trời rơi xuống”. Đó là được cựu Tổng thống Mỹ Obama “quảng cáo” miễn phí.
Cách đây 1 năm, hình ảnh ông Obama (khi đó còn là Tổng thống Mỹ) ăn bún chả và uống bia Hà Nội xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông trong nước và thế giới được đánh giá là phương tiện marketing rất hữu hiệu cho Bia Hà Nội.
Những tưởng đây sẽ là cú hích lớn cho Bia Hà Nội, để Bia Hà Nội đuổi kịp đối thủ lớn là Bia Sài Gòn. Thế nhưng, sau 1 năm nhìn lại, có thể thấy, Bia Hà Nội đang thua đau ngay trên sân nhà.
Bia Hà Nội giờ chỉ dành cho ông già?
Các số liệu trong báo cáo tài chính cho thấy Bia Hà Nội ngày càng yếu so với Sabeco. Những hình ảnh thực tế ghi nhận được của phóng viên cũng cho thấy điều đó.
Theo khảo sát của chúng tôi, thị trường bia hơi đang chứng kiến đợt “soán ngôi” từ các thương hiệu lớn. Nhiều đại lý, tạp hóa tại Hà Nội thừa nhận, đa phần giới trẻ thường chọn mặt hàng bia Sài Gon Sepcial của Sabeco. Trong khi đó, mặt hàng bia Hà Nội lại có nhóm khách hàng trung thành từ 50 tuổi trở lên.
Chị Đỗ Hoàng Yến – chủ tạp hóa tại đường Khương Trung thẳng thắn nhận xét: “Giờ bia Hà Nội chỉ dành cho những ông già”.
Tại nhà hàng H.B trên đường Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội), chủ nhà hàng cho biết, cách đây khoảng 5 – 6 năm, mặt hàng bia Hà Nội dường như áp đảo và không có đối thủ trên mặt trận bia đóng chai. Tuy nhiên, tình hình thay đổi khi càng ngày càng có nhiều khách hàng “đòi hỏi” bia Sài Gòn, đặc biệt là sản phẩm bia Sài Gòn Special (hay còn gọi là Sài Gòn lùn).
“Chỉ tính riêng trong 2 năm trở lại đây, nhà hàng chúng tôi nhập về bia Sài Gòn nhiều hơn bia Hà Nội. Thậm chí, ngay cả thời điểm hiện tại, doanh số bán bia Sài Gòn vượt trội hơn hẳn bia Hà Nội của Habeco, tỷ lệ có thể là 2:1”, chủ nhà hàng cho biết.
Tại một số hệ thống siêu thị lớn như BigC, Lotte,… thị trường bia đóng chai đang bắt đầu tăng nhiệt do thời tiết đang chuyển dần sang nắng nóng. Tuy nhiên, theo quan sát, số lượng khách hàng tìm đến bia Sài Gòn có phần nhỉnh hơn so với các thương hiệu khác như Tiger, Heineken,….
Vì sao nên nỗi?
Có nhiều người cho rằng, hương vị bia Sài Gòn có vẻ nhỉnh hơn bia Hà Nội. Anh Xuân Trường (Bắc Từ Liêm) cho biết: “Tôi cảm thấy bia Sài Gòn thơm hơn và ngon hơn bia Hà Nội. Uống thử một vài lần thì thấy hợp nên chuyển hẳn sang bia Sài Gòn”.
Anh Trường cho biết thêm bia Sài Gòn uống đậm vị, dễ uống trong khi đó bia Hà Nội có phần đắng và thanh hơn.
Còn chị Nguyễn Minh Hằng thẳng thắn “chê” bia Hà Nội nhạt nhẽo so với bia Sài Gòn: “Tôi uống cả hai loại bia này rồi. Theo ý kiến cá nhân, bia Hà Nội uống nhạt, uống nhiều hay bị đau đầu. Trong khi đó, bia Sài Gòn khá dễ uống và có cảm giác thơm mùi lúa mạch”.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là ý kiến cá nhân phụ thuộc vào sự cảm nhận chủ quan của mỗi người. Lý giải nguyên nhân vì sao người Hà Nội lại đang chuộng bia Sài Gòn hơn so với sản phẩm “nội” của Thủ đô phải còn xét theo nhiều yếu tố.
Đơn cử, về phương diện marketing, Habeco đang có phần dè dặt cho ngân sách, trong khi Sabeco đang đầu tư rất mạnh trên mặt trận này.
Thứ hai, Sabeco biết cách tiếp cận thị trường thông qua phân luồng khách hàng với ba sản phẩm Sài Gòn Đỏ, Sài Gòn Xanh, Sài Gòn Special.
Trong các sản phẩm bia của Sabeco, nhãn hiệu Sài Gòn Special (Sài Gòn lùn) được hướng tới phân khúc giới trẻ, chính vì vậy, giá bán của nhãn hiệu này rẻ hơn so với các thương hiệu bia khác.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc Sài Gòn Special giảm dung tích 330ml của bia để giảm giá bán là một bước đi khôn ngoan trên thị trường nước giải khát.
Theo khảo sát, cơ cấu dân số của Việt Nam chủ yếu là dân số trẻ với 85% độ tuổi dưới 40 và đây chính là lượng khách hàng tiềm năng chính thị trường bia đóng chai.
Sabeco đã đưa ra một loạt những sản phẩm khác nhau về giá cả, hương vị, nồng độ cồn nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu của thị trường, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và giá cả phù hợp. Với tham vọng thâu tóm thị trường bia đóng chai trong nước.
Ngược lại với cách làm của Sabebo, nhãn hiệu bia Hà Nội của Habeco bao nhiêu năm nay vẫn không chịu thay đổi. Vẫn kiểu dáng cũ, vẫn thương hiệu cũ với cùng một phân khúc khách hàng đã khiến giới trẻ kém mặn mà với sản phẩm của hãng.
Lý do cuối cùng, dẫn đến việc bia Hà Nội thua đau ngay trên sân nhà là do trên thị trường có nhiều hàng nhái thương hiệu bia Hà Nội.
Thông tin về bia Hà Nội giả tràn lan trên mạng và không khó có thể tìm được một vài thông tin chia sẻ phân biệt giữa bia Hà Nội “xịn” và “giả”.
Ngoài ra, nhà máy sản xuất bia Hà Nội còn được sản xuất ở rất nhiều các chi nhánh khác của công ty nữa như: Hưng Yên, Bắc Giang, Quảng Bình. Mục đích là bớt chi phí vận chuyển và tăng năng suất cho nhà máy bia ở Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) do không thể mở rộng thêm ở đây.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng đánh giá bia Hà Nội được sản xuất tại Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) ngon hơn rất nhiều so với các nhà máy khác của công ty.
Theo lý giải của nhiều khách hàng, bia ngon là bắt nguồn từ nguồn nước. Nhà máy bia Hà Nội nằm trên đường Hoàng Hoa Thám tiền thân là nhà máy bia Hommel, do một người Pháp tên là Hommel thành lập năm 1890.
Nguồn nước tại đây đã được người Pháp kiểm định trong nhiều năm và đã góp phần khẳng định thương hiệu bia Hà Nội.
Vì vậy, theo ý kiến của nhiều khách hàng, bia Hà Nội mà được sản xuất tại các chi nhánh khác của công ty thường không ngon bằng bia Hà Nội được sản xuất tại cơ sở chính.