Ngày 10.3, một trong những siêu phẩm Hollywood của năm 2017 Kong: Skull Island ra mắt trên hệ thống rạp toàn cầu trong đó có Việt Nam.
Bộ phim bom tấn này được quay tại Quảng Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình với những thước phim đẹp về khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ cũng như hang động tại nơi đây. Nhất là sau sự kiện phát hiện ra hang động kỳ vĩ Sơn Đoòng (Phong Nha – Kẻ Bàng), truyền thông quốc tế càng khao khát thông tin về hành trình khám phá hấp dẫn, đáng để trải nghiệm nhất ở Đông Nam Á này.
Sau khi bộ phim với nhãn C13 (không dành cho trẻ dưới 13 tuổi) được trình chiếu, một câu hỏi hiện được rất nhiều người quan tâm là liệu những địa phương có bối cảnh quay có biến các phim trường thành điểm thu hút du lịch tới những miền đất hoang sơ tuyệt đẹp của Việt Nam hay không?
Thực tế cho thấy, bộ phim Bí Mật Ngôi Mộ Cổ với nữ minh tinh Angelina Jolie đã đưa ngành du lịch Campuchia lên một tầm cao mới, thu hút hàng triệu du khách thế giới ghé thăm Campuchia. Cũng như vậy, quảng bá du lịch bằng các cảnh phim, phim trường là xu hướng đang được phát triển trên thế giới, đặc biệt tại châu Á, trong đó Hàn Quốc đang thực hiện rất tốt chiến lược này. Theo Yonhap, du khách nước ngoài đến Hàn Quốc vượt mức kỷ lục 17 triệu người trong năm 2016, tăng 36%. Trong đó, ước tính có khoảng 200.000 du khách Việt Nam đến Hàn Quốc. Đa phần trong số này đều tham gia tour Seoul – Gyeonggi.
Cần phải biết Gyeonggi là địa chỉ du lịch khá nổi tiếng của Hàn Quốc, vì địa phương này có tới 50 điểm là phim trường của các bộ phim điện ảnh, truyền hình nổi tiếng đã được chiếu ở Việt Nam như Nàng Dae Jang Geum, Hậu Duệ Mặt Trời… Theo Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, “Làn sóng Hàn Quốc” với các thần tượng phim ảnh, âm nhạc khiến cho việc du lịch tới Hàn Quốc có ý nghĩa khác biệt, không chỉ là đi mua sắm hay ngắm cảnh. Thậm chí, cảnh quay của bộ phim Bản Tình Ca Mùa Đông vẫn còn tạo cơn sốt sau 10 năm ra mắt.
Liệu các tài tử chính của phim Kong: Skull Island như Tom Hiddleston và Brie Larson có mang lại sức bật cho du lịch Việt Nam? Trên trang Instagram, nam tài tử người Anh Tom Hiddleston chia sẻ những bức ảnh về Việt Nam và nhận được hàng trăm ngàn like và bình luận,. trầm trồ về bối cảnh quay quá đẹp tại Việt Nam. Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts vừa chia sẻ trên NewsAsia rằng Kong: Skull Island sẽ tạo hiệu ứng như Lord Of The Rings, khiến khán giả xem xong phải ấn tượng và tìm hiểu địa điểm quay phim hoàn hảo về mặt thẩm mỹ với phong cảnh tuyệt đẹp như Việt Nam.
Trước đây, Việt Nam cũng có nhiều bộ phim với cảnh quay đẹp như Người Tình, Đông Dương với những cảnh quay Vịnh Hạ Long tuyệt đẹp. Sau đó, khung cảnh thiên nhiên đầy lãng mạn trong những bộ phim Đất Rừng Phương Nam, Mùa Len Trâu, hay Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh… cũng ít nhiều được khán giả thế giới biết đến. Nhưng những bộ phim này không có hiệu ứng mạnh đối với du khách quốc tế vì gần như không có những hoạt động quảng bá du lịch đi kèm. Cũng không thể quên là vào năm 1997, Việt Nam từng từ chối đoàn phim James Bond – Tomorrow Never Dies. Sự kiện này từng gây chấn động làng phim châu Á bởi Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới đã từ chối một dự án phim ảnh lớn như vậy. Từ đó, Việt Nam lỡ duyên với Hollywood trong rất nhiều dự án phim.
Rút kinh nghiệm, có lẽ Quảng Bình đã biết nắm “cơ hội vàng” nên nhanh chóng lên kế hoạch biến phim trường của phim thành sản phẩm du lịch, trong một chiến lược tổng thể phát triển ngành du lịch tại địa phương này. Quảng Bình có khởi đầu rất bài bản khi thực hiện một clip quảng bá ra nước ngoài, trong đó có đạo diễn Jordan Vogt-Roberts dẫn lời giới thiệu. Tiếp đến, Quảng Bình đã đàm phán với đoàn làm phim về việc dựng tượng 3 cánh tay của khỉ Kong trong phim tại 3 điểm quay gồm: Hồ Yên Phú, thung lũng Chà Nòi và hang Chuột ở huyện Minh Hóa. Kế hoạch năm 2017 của du lịch Quảng Bình là ký hợp đồng với trang web TripAdvisor để quảng bá cho du lịch tỉnh nhằm tăng lượt khách quốc tế. Tin vui khác là Tổng Cục Du lịch cũng đề xuất đạo diễn Jordan Vogt-Roberts làm Đại sứ Du lịch Việt Nam.
Có thể thấy, kế hoạch ban đầu của Quảng Bình khá hoàn hảo. Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi về sản phẩm và dịch vụ, hạ tầng du lịch đi kèm, đặc biệt là sự hợp tác đồng bộ giữa du lịch và điện ảnh. Kinh nghiệm của các trường quay tại Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy, du khách đến các trường quay nhiều khi chỉ cần chụp hình với trang phục của các diễn viên trong phim. Tuy nhiên, họ cũng cần những dịch vụ, tiện ích khác như đi lại, khách sạn, giải trí…
Mặt khác, để một điểm du lịch trở nên nổi tiếng, cần phải có một chiến dịch quảng bá ở tầm quốc gia. Chẳng hạn, Thủ tướng Thái Lan từng tiếp đạo diễn và những người tham gia bộ phim Đi Lạc Ở Thái Lan để cảm ơn. Gần đây, Hàn Quốc đầu tư xây dựng nhiều công viên chủ đề, lấy cảm hứng từ các bộ phim truyền hình để thu hút khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, cả Thái Lan và Hàn Quốc đều có chính sách thu hút và hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài. Chẳng hạn, Hàn Quốc tài trợ khoảng 20% chi phí làm phim cho các bộ phim nước ngoài quay tại nước này. Hàn Quốc cũng chủ động cử các đoàn khảo sát tới các nước để giới thiệu và tìm kiếm cơ hội thu hút đoàn làm phim…
Kinh nghiệm của Hàn Quốc và Thái Lan cho thấy, các trường quay lớn đã thu hút một khoản thu khổng lồ từ các đoàn làm phim phương Tây. Theo Văn phòng Phim ảnh (Bộ Du lịch Thái Lan), Thái Lan đã thu hút hơn 4.470 dự án phim ảnh nước ngoài từ năm 2010 và mang lại cho Thái Lan hơn 380 triệu USD. Kinh phí của phim Kong: Skull Island lên tới 190 triệu USD, trong đó chi phí cho các cảnh quay tại Việt Nam khoảng 30 triệu USD; những cảnh quay tại Quảng Bình tiêu tốn đến một nửa ngân sách này. Vì thế, nếu thu hút “FDI” từ các dự án phim ảnh nước ngoài cũng là một khoản thu không nhỏ cho kinh tế Việt Nam. Liệu ngành du lịch Việt Nam tận dụng những lợi thế của Kong: Skull Island để hoàn thành mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế.