Đối thủ cạnh tranh gặp khủng hoảng: Nên mừng hay nên lo?

0
917

Bạn sẽ phản ứng như thế nào khi đọc thông tin tiêu cực về đối thủ trên các phương tiện truyền thông? Bạn có vui mừng khi đối thủ cạnh tranh gặp khủng hoảng?

Hãy dành một phút thành thật với chính mình! Phản ứng tự nhiên của nhiều người có thể sẽ là vui mừng hoặc ít nhất xem đó là cơ hội để giành thêm thị phần. Tuy nhiên, điều bạn cần làm thực ra lại là điều ngược lại.

Đối thủ của bạn chính là một công ty đại diện cho ngành của bạn. Nếu một trong các đối thủ cạnh tranh của bạn lâm vào khủng hoảng, sự nghi ngờ, cẩn trọng và mất lòng tin sẽ không chỉ dừng lại ở một thương hiệu mà có khả năng lan rộng ra cả ngành trong đó có doanh nghiệp của bạn.

Điều này càng dễ dàng xảy ra khi các sản phẩm và dịch vụ của bạn không có sự khác biệt nhiều so với đối thủ.

Một cuộc khủng hoảng đối với một thương hiệu sẽ dẫn tới việc các tranh cãi tiêu cực gia tăng và có khả năng lan rộng ra ngoài những vấn đề thương hiệu đối thủ đang gặp phải.

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington, đây chính là “perverse halo” (Tạm dịch: “ Sự lan tỏa tiêu cực”). Nghiên cứu này được thực hiện trong ngành công nghiệp ô tô nhưng nó có ý nghĩa đối với các ngành công nghiệp khác, đặc biệt những ngành liên quan đến sức khỏe, thực phẩm hoặc hàng tiêu dùng nhanh.

Một cuộc khủng hoảng đối với một thương hiệu sẽ dẫn tới việc các tranh cãi tiêu cực gia tăng và có khả năng lan rộng ra ngoài những vấn đề thương hiệu đối thủ đang gặp phải. Khi đó, không phải là một công ty mà toàn bộ ngành sẽ được các cơ quan chức năng cũng như truyền thông quan sát, theo dõi chặt chẽ hơn. Hậu quả là doanh nghiệp của bạn có thể bị cuốn vào “perverse halo” này mà không nhận ra cho đến khi có những thiệt hại về danh tiếng hoặc tài chính.

Một ví dụ khá rõ đó là cuộc khủng hoảng xảy ra năm 2015 của một tập đoàn nước giải khát trong nước. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này sau đó đã lan sang một số công ty lớn khác trong ngành. Theo một thông kê năm 2016, số lượng tin bài và trao đổi tiêu cực về ngành này trên mạng xã hội đã tăng hơn 5 lần so với năm 2015. Năm 2016 cũng là năm các công ty trong ngành nước giải khát gặp nhiều sự cố dẫn đến việc doanh thu bị ảnh hưởng nặng nề.

Vấn đề tương tự cũng đã xảy ra đối với ngành công nghiệp xe hơi CHLB Đức khi hãng xe Volkswagen lâm vào cuộc khủng hoảng gian lận khí thải. Trước đó là vụ bê bối “Thịt ngựa” đối với các công ty thực phẩm Châu Âu hay khủng hoảng “Sữa melamine” tại Trung Quốc sau đó lan ra toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng của đối thủ cạnh tranh là một cơ hội, một sự cảnh báo, hay là cả hai?

Bạn đừng nên coi đó là một cơ hội để khai thác nhằm tạo ra ưu thế cạnh tranh với đối thủ mà nên xem đây là một cơ hội để phòng ngừa và chuẩn bị cho khủng hoảng. Đó cũng là sự cảnh báo rằng khủng hoảng có thể xảy ra với chính doanh nghiệp của bạn.

Hai câu hỏi bạn cần cân nhắc khi đối thủ cạnh tranh của bạn rơi vào tình huống khủng hoảng:

  1. Cơ hội và rủi ro (nếu có) đối với bạn là gì nếu bạn tận dụng khủng hoảng của đối thủ để tạo lợi thế cạnh tranh?
  2. Những yếu tố nào sẽ cảnh báo mức độ lan rộng của khủng hoảng và ảnh hưởng có thể có đối với toàn ngành?

Điều bạn nên làm là tiếp tục tăng cường hình ảnh và danh tiếng thương hiệu công ty, giám sát chặt chẽ các thảo luận trên mạng xã hội và thông tin trên các phương tiện truyền thông. Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn một kế hoạch hành động để có thể chủ động ứng phó với các tình huống xấu khi khủng hoảng của đối thủ có xu hướng lan rộng ra toàn ngành.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here