Doanh Nhân Việt – Vận hội và thách thức trong Bối cảnh Xoay Trục

0
852

Chủ đề hình ảnh: Thương hiệu Không gian nghệ thuật tranh thêu XQ

Với một góc nhìn tương đối lạc quan trước những chuyển biến tích cực trong một năm nhiều biến động… bài viết nhân ngày Doanh nhân Việt Nam gợi mở những cơ hội và thách thức trước vận hội mới cho doanh nhân Việt Nam từ góc nhìn quốc tế.

Một tác phẩm tranh thêu nghệ thuật tiêu biểu của XQ – sản phẩm độc đáo của Việt Nam có khả năng chinh phục thị trường cao cấp của thế giới trong bối cảnh quy hoạch chiến lược kinh tế Việt Nam vẫn còn bế tắc với lao động gia công và khai thác tài nguyên, và những dự án đầu tư công nghiệp nặng loại thải từ các nước phát triển…

Phần I: Cơ hội lớn trong bối cảnh ‘xoay trục’

Quan hệ Thị trường Nhật Bản

Chính sách Abenomic và tiềm năng cũng như tính đương đồng của văn hoá Nhật mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác kinh tế vi mô, mở rộng thị trường hai chiều, nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ cao song song với nông nghiệp chất lượng cao, lĩnh vực ẩm thực và sức khoẻ… co quá nhiều cơ hội cho sự hợp ở cả 2 chiều, ở cả 3 nấc kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân lẫn các tổ chức xã hội.

Các vùng nguyên liệu nông nghiệp của Việt Nam, chỉ cần nâng cấp quy trình chất lượng và an toàn theo hướng Organic hay giá trị thiên nhiên, với sự hỗ trợ canh tác và chế biến theo chuẩn Nhật Bản, có thể không khó để tìm đầu ra xuất khẩu sang Nhật, một thị trường khó tính nhưng cực kỳ bền vững và uy tín (!) điều mà khó tìm thấy với các đối tác thương mại TQ.

Từ thuỷ hải sản như Tôm và Cá Ngừ, nông sản như Khoai Lang, Ngó Sen, Gừng, Tỏi hay rau Củ Quả sạch, cho đến Trà Xanh, Cà phê hay Thảo Mộc chế biến theo văn hoá ẩm thực đồ uống Nhật… Tuy nhiên thách thức tham gia thị trường đồ uống và ẩm thực Nhật đó là các tiêu chuẩn rất mới mẻ, ví dụ như ‘chỉ số Tokuho về tiêu chuẩn lợi ích sức khoẻ’.

Hàng loạt món ăn theo phong cách ẩm thực Nhật mà các nhà chế biến thực phẩm, chuỗi nhà hàng Việt có thể tham khảo để có thể đồng hành vừa cạnh tranh với ẩm thực Nhật không chỉ tại Việt Nam, tại Nhật mà còn trên nhiều thị trường khác như Châu Á, Bắc Mỹ… Chẳng hạn như bên cạnh việc hộ trợ hợp tác trong chuỗi cá Ngừ đại dương, Việt Nam có thể học hỏi văn hoá ẩm thực Cá Ngừ của Nhật Bản một phân khúc cao cấp đang lan toả khắp thể giới. Phong cách Trà Nhật đang chiếm lĩnh thị trường đồ uống khắp Nhật Bản và Châu Á có thể là cơ hội cho các thương hiệu đồ uống Việt Nam mở rộng thị trường trên lợi thế nguyên liệu, song song đó là đồ uống từ Cà phê cũng dựa trên lợi thế nguyên liệu nhưng đang yếu về năng lực chế biến sản phẩm phù hợp với thị trường đa-địa-phương theo các hướng mà các tập đoàn Nhật đã thành công như Suntory, Kirin…

Hàn Quốc

Điểm sáng trong đầu tư SamSung thời gian qua mở ra hướng phát triển hàng chục tỷ USD trong công nghiệp phụ trợ. Trong đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ từng bước chếm lĩnh miếng bánh lớn đầy thách thức này. Bên cạnh Samsung còn có LG, Huyndai, Keangnan, Lotte, CJ…có cùng một xu hướng đầu tư vào Việt Nam, và cùng với xu hướng này là hàng vạn người Hàn Quốc sang Việt Nam lập nghiệp, tạo ra cơ hội lớn cho dịch vụ thiết yếu: nhà cửa, giúp việc, ẩm thực, dịch vụ…

Sự thay đổi chiến lược văn hoá mang tầm quốc gia của Hàn Quốc trong 1 thập kỷ qua là niềm cảm hướng để ngành công nghiệp giải trí Việt Nam tham khảo và hợp tác. Trong định hướng giữa lãnh đạo 2 nước trong chiến lược hợp tác với mục tiêu thương mại 2020 đạt 70Tỷ USD giữa Việt Nam và Hàn Quốc, có thể hình dung vô số cơ hội kinh doanh cả 2 chiều và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Triết lý kinh doanh của XQ là tôn vinh ‘người lao động’ từ người thợ thêu trở thành người nghệ nhân, đầu tư vào không gian sáng tạo và nâng cao chất lượng môi trường làm việc cho nghệ nhân, cùng với quy trình sáng tạo chuyên nghiệp và bám rễ vào côi nguồn di sản Văn Hoá Việt

Đối tác Mỹ

Hoa Kỳ là nơi lưu giữ tiềm năng của hàng triệu người Việt với một bộ lớn đang trong ngóng những cơ hội đóng góp về quê hương. Song song với những chính sách cải thiện từ phiá chính phủ, thì những động thái năng động cá nhân cũng đang diễn biến tích cực. Person-to-person, business-to-business (cá nhân với cá nhân, doanh nghiệp với doanh nghiệp). Câu chuyện David Dương trong ngành xử lý chất thải thành công cả ở Mỹ và ở Việt Nam là một điển hình rất nhiều người biết. Rất nhiều ngành nghề từ sản xuất công nghiệp, tư vấn quản lý, đầu tư mạo hiểm, chuỗi bán lẻ và nhượng quyền, công nghệ giải trí, âm nhạc, điện ảnh, showbiz, dịch vụ thẩm mỹ… là thế mạnh của Mỹ và người Việt tại Mỹ…

Trong chiến lược cân bằng của Mỹ về phân bổ sản xuất cân bằng với sự lệ thuộc vào TQ, thì cơ hội được phiá Mỹ trong phân bồ sản xuất chia bớt cho Ấn Độ, Việt Nam… và đó là cơ hội rất lớn cho Việt Nam đang hiện hữu trong quá trình đàm phán TPP… Tuy nhiên thách thức luôn đi kèm với cơ hội do TPP cũng như xảy ra với WTO năm 2006. Và một lần nữa doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng nắm bắt cơ hội vàng, trong đó quan trọng nhất là khắc phục điểm yếu về quy mô sản xuất cho từng đơn hàng, những tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, môi trường và an toàn sức khoẻ đối với từng sảm phẩm và chuỗi giá trị.

Một trong những lĩnh vực có tiềm năng rất lớn và phù hợp với năng lực (cơ bản) của doanh nghiệp Việt Nam có thể nêu là các chuỗi ngành: may mặc, thời trang, giày dép, phụ kiện… nâng tầm từ sản xuất gia công cho đến thiết kế sản phẩm và thậm chí làm chủ thương hiệu và hợp tác phân phối ngay tại thị trường Mỹ. Đối với một số ngành mà người Việt đang từng bước làm chủ tại Mỹ như ngành nails, chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp, ngành ăn uống… thì đó cũng là cơ hội hợp tác từ Việt Nam, cụ thể là nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu thẩm mỹ, cung cấp nhân lực các ngành dịch vụ… điều đáng buồn là các cơ quan chính phủ chưa nắm bắt và có chiến lược đúng hướng.

Rào cản tâm lý kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với Mỹ đó là tâm lý xin xỏ, tâm lý nước nghèo, chờ đợi sự ‘thông cảm’… vì đối với thị trường và doanh nhân Mỹ điều đó không bao giờ xảy ra. Và có lẽ đây là văn hoá kinh doanh khác biệt giữa Châu Á và Mỹ.

Châu Âu

Nhiều diễn biến với thị trường Mỹ có thể áp dụng cho Châu Âu. Tuy nhiên thị trường Châu Âu có tính đồng nhất thấp hơn thị trường Bắc Mỹ và yêu cầu chất lượng, tính thẩm mỹ, sự tinh tế và tính đa dạng ở mức cao nhất.

Diễn biến ở thị trường Châu Âu ngoài ra còn mộ khuynh hướng hình thành từ các phong trào thương mại bình đẳng, bảo vệ môi trường, sản phẩm bền vững… điển hình như phong trào FairTrade của Oxfam đã phát triển thành một phân khúc sản phẩm & thương hiệu trực tiếp hỗ trợ nông dân, đơm giản hoá các bước trung gian và thực hiện mục tiêu cân bằng lợi ích giữa nhà kinh doanh chế biến nông sản với người nông dân làm ra nguyên liệu nông sản. Phong trào này tạo ra cơ hội thị trường nhất định và đang tăng trưởng, đối với sản phẩm thủ công, làng nghề, nông sản chế biến và nhất là những sản phẩm độc đáo, sản phẩm sáng tạo & thiết kế và dịch vụ du lịch nghĩ dưỡng…

Một sản phẩm du lịch thể nghiệm rất cao cấp của Động Phong Nha, Hang Sơn Đoòng hiện đã kín du khách đến 2016 với giá bán hàng khủng 2000-3000USD/tour với khách hàng chủ yếu từ phân khúc cao cấp Châu Âu.

Công nghệ siêu cấp trong các lĩnh vực high-tech, hoá học, vật liệu mới, y học và sức khoẻ cũng là những thế mạnh mà Châu Âu đang nắm giữ, Ngành dinh dưỡng, Thực phẩm y học…bên cạnh đó ngành đào tạo những lĩnh vực kỹ nghệ cao, nghệ thuật và sáng tạo thì Châu Âu vẫn giữ lợi thế tuyệt đối.

Ấn Độ

Có thể nói Ấn Độ là một ẩn số quá lớn trong chiến lược phát triển của Châu Á và thế giới. Trong đó điểm tích cực là ý chí của Ấn Độ trong cấn bằng kinh tế toàn cầu với TQ là một cơ hội mà Việt Nam có thể tìm kiếm với thị trường 1 Tỷ dân có tính đa dạng cao, đó là một cơ hội bất ngờ cho 1 sản phẩm cụ thể. Chẳng hạn một trong những ngành tiêu biểu của thị trường 1 tỷ người Ấn Độ đó là nguyên liệu gia vị và thảo dược (flavor, herbs & seasoning) mà quốc gia nông nghiệp nhiệt đới như Việt Nam có thế mạnh, điển hình là Hồ Tiêu, Quế, Hồi, Đinh Hương… và hàng loạt nguyên liệu khác chưa được chú ý đúng mức trong chiến lược nông nghiệp đa dạng hoá của chính phủ, các tỉnh nghèo thuần nông, các khu vực miền núi… cũng như giới doanh nghiệp…

Ngành dược, Hương liệu hoá chất cũng là một thế mạnh của Ấn Độ và cũng là cơ hội hợp tác trong các chuỗi sản xuất… hay nhìn nhận dưới góc nhìn hợp tác vừa khai thác cơ hội và cạnh tranh. Chẳng hạn khi một doanh nghiệp Ấn Độ mở nhà máy tại Việt Nam cũng là cơ hội cung cấp nguyên liệu, học hỏi bí quyết và tiến tới nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh.

Trong những diễn biến gần đây rất chủ động tứ phiá Ấn Độ với chiến lược định vị quốc gia ‘Made in India’ mở ra những ý tưởng và cơ hội giao thương, với đường bay thẳng, với lịch sử bang giao giữa hai nước chưa có tỳ vết từ Ấn Độ kể từ thời Nê-Ru… chính phủ và doanh nghiệp Ấn Độ đang rất chủ động giợi mở các cơ hội kinh doanh với Việt Nam. Tuy mới mẻ nhưng vì vậy cần được nghiên cứu qua thực tiễn, qua các chuyến tham quan thực tế đề tìm ra cơ hội…

Điều quan trọng trong những tâm lý giao thương mà cũng là đặc tính của người Việt đó là vẫn thiên về ‘cảm tính’ (emotional approach) hơn là tính sòng phẳng – cân bằng lợi ích và cơ hội mang tính tiên quyết trong giao thương quốc tế chứ không phải giao lưu tình cảm.

Tính cách ‘khó đoán’ của người Ấn Độ làm bạn phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần đối với một cam kết.

Một không gian làm việc lãng mạn và sáng tạo cũng thu hút tình cảm của những vị khách khó tính nhất, mô hình không gian làm việc vừa là điểm tham quan du lịch cũng là mô hình kinh doanh hiện đại nhất của thế giới hoài hoà với triết lý phát triển bền vững

Đối sách Trung Quốc

Không thể kể hết tiềm năng và thách thức với thị trường 1,3 tỷ dân và nền kinh tế quy mô thứ nhì thế giới nằm ngay sát vách Việt Nam. Bản thân chuyên gia cũng đã dành nhiều năm để đi thực địa thị trường TQ và trực tiếp học hỏi văn hoá, ngôn ngữ và thói quen tiêu dùng với vô số những điều thú vị, từ địa lý kinh tế, lịch sử, văn hoá tiêu dùng… vói những điểm tương đồng cũng như khác biệt.

Thị trường Trung Quốc trước tiên là cơ hội nâng cấp từ nguyên liệu nông sản đến ‘nông sản chế biến’ và bước đầu đã có nhữngsản phẩm, thương hiệu khẳng định vị thế của mình, cho dùng là 1 sản phẩm nhỏ bé nhưng luôn có quy mô tổng cộng vô cùng lớn. Dẫn đầu thâm nhập thị trường TQ không thể không nhắc đến câu chuyện kẹo Dừa Bến Tre nhãn hiệu Bà Già Mắt Kiếng với lợi thế sản phẩm xứ nhiệt đới – kẹo dừa. Tương tự là hàng loạt các sản phẩm đặc trưng nhiệt đới Việt Nam: bánh đậu xanh Hải Dương, đậu phộng nước cốt dừa Tân Tân, cà phê Vinacafé và Trung Nguyên,

Tuy nhiên hàng loạt nguyên liệu thô vẫn đang được xuất qua TQ với giá cả bất ổn: Cao su thô, Nông sản, Thảo dược, Hải sản…

Tác giả bảo lưu một quan điểm là trong giao thương với TQ phải cực kỳ cẩn trọng về điều kiện thanh toán, giá cả… và đặc biệt là những lĩnh vực sản phẩm nhạy cảm cho sức khoẻ con người và môi trường sinh thái, đồng thời các hiệp hội ngành cũng sẵn sàng trong việc đề xuất các giải pháp phòng vệ kinh doanh như chống bán phá giá, chống gian lận kinh doanh đối với Trung Quốc như vụ kiện chống phá giá ngành thép không gỉ cán nguội vừa qua.

Bất kể trong tình huống nào thì mối quan hệ nhân dân về mặt nguồn gốc văn hoá Văn Lang – Bách Việt là sợi dây liên kết giữa con người với con người, một nét đẹp cần được lưu giữ làm mối liên kết kinh doanh kỳ vọng một quan hệ yên ổn, trong mối cân bằng của một thế giới mở, của TTP trong bối cảnh toàn diện Châu Á Thái Bình Dương.

Phần II: Thách thức cho doanh nhân Việt Nam

Tác giả xin lược cử một số điểm nổi bật về điểm yếu nội tại và thách thức ngoại tại đối với doanh nhân trẻ Việt Nam hiện nay.

– Doanh nhân trẻ Việt Nam năng động nhưng tiếu tầm nhìn và sự tự tin, cụ thể là họ thường suy nghĩ xác lập tầm nhìn bó hẹp trong một khu vực nhỏ và tự khoanh mình với thị trường hẹp.

– Sự thiếu tự tin theo quan sát nhiều năm của tôi, nhận thấy rằng có thể họ thiếu kiến thức về lịch sử dân tộc, và thiếu kiến thức về ngoại ngữ cũng như kỹ năng quản trị. Tuy nhiên họ cũng phải biết kìm chế tìm cảm dân tộc trong bối cảnh giao thương quốc tế, không để lộ những động cơ tình cảm trong kinh doanh, có thể dễ dàng làm mất cân bằng cơ hội trong các quốc quan hệ quốc tế rất nhạy cảm.

– Một số anh chị em tốt nghiệp nước ngoài về thì lại thiếu sự dấn thân vào những lĩnh vực và doanh nghiệp có độ rủi ro cao, vì chính tri thức của họ lại giúp thấy rủi ro ngắn hạn và làm lu mờ ý chí với cơ hội trung hạn.

– Các anh chị em đã có cơ hội làm việc ở một công ty đa-quốc-gia thì yên phận và không dám thay đổi nhận lãnh thách thức với sứ mệnh Việt Nam, cho doanh nghiệp và đất nươc Việt Nam.

– Không ít doanh nhân và nhả quản trị chuyên nghiệp chấp nhận dừng cuộc chơi và tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài định cư vì mục đích bảo toàn tài chính và sống vì gia đình cho các con được học tập ở một nước phát triển.

– Vẫn còn tâm lý CEO quốc doanh tiến thân bằng con đường chính trị và họ chưa xem đạo lý doanh-và-nghiệp là con đường của cả cuộc đời của họ.

Quan điểm xã hội của ngân hàng và thách thức với doanh nhân

Giới tài chính ngân hàng chưa thật sự dấn thân vào cuộc sống, đồng hành cùng sự khó khăn của doanh nghiệp, năng lực sáng tạo của doanh nghiệp nhỏ, của những cá nhân trẻ khởi nghiệp… Họ rập khuôn theo những mô hình tài chính của Mỹ, của mô hình kinh tế quy mô và thực trạng khác với Việt Nam. Mãi cho đến gần đây (đầu năm 2014) giới ngân hàng chỉ mới bắt đầu đổi mới quan điểm về tính dụng cho ngư dân; mãi cho đến những tháng gần đây (quý III 2014) chính phủ và ngân hàng mới bắt đầu xoay chuyển tư duy sang hướng cho vay dựa vào đánh giá khả thi của dự án kinh doanh, thay vì tài sản thế chấp, vốn đã bộc lộ những tình huống dở khóc dở cười như kiểu một kho hàng cà phê được doanh nghiệp thế chấp cho 4,5 ngân hàng… và tổng mức nợ xấu trên toàn hệ thống đã không thể xấu hơn với vài trăm ngàn tỷ VNĐ.

Chúng tôi kỳ vọng có một sự thông hiểu giữa giới kinh doanh và giới sản xuất như là một quan hệ xã hội phổ biến, chứ không phải là mối quan hệ tiêu biểu giữa ngân hàng và bất động sản như những năm qua. Ngay trong năm nay vẫn có những ngân hàng đi theo con đường mòn lợi ích nhóm, đi theo những ‘dòng tiền ngân sách’ (Vd: VNCB) làm chiến lược chủ đạo. Các lãnh đạo ngân hàng chí chú trọng những phép tính cơ học về tỷ trọng dòng tiền dự án tạo ra từ mốiu quan hệ hơn là bài toán tập hợp các dòng tiền nhỏ lẻ của doanh nghiệp và sáng tạo khởi nghiệp của cộng đồng. Trong một bối cảnh mà trên thế giới mô hình vi tín dụng đã khẳng định và tôn vinh (Grameen Bank của GS. Muhamat Yunus); mô hình huy động vốn cộng đồng qua các trang web khởi nghiệp sáng tạo (Vd: Kickstater, Mỹ).

Quan điểm về khoa học và công nghệ

Có một sự so sánh cân bằng giữa nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, theo chiến lược khoa học của Nhật Bản thập niên 70 và Hàn Quốc của thập niên 90. Họ không quá chú trọng đến khoa học cơ bản mà tận dụng khaí thác tài nguyên khoa học cơ bản của thế giới để xây dựng nền khoa học ứng dụng, thiết kế sản phẩm hoàn chỉnh, phát triển sản xuất với chất lượng và năng suất cao hướng ra thị trường quốc tế. Việt Nam chưa có chiến lược như vậy mà còn confuse với các hướng đi, chưa nhìn thấy cái bẫy của khoa học cơ bản trong bối cảnh nguồn lực và thời gian không cho phép. Chẳng hạn trong nhiều năm trước, các bạn học sinh Olympic Toán quốc tế được xem là thần tượng của xã hội, và hệ lụy xã hội là một thế hệ làm toán giỏi nhưng không biết kinh doanh. Sai lầm về chủ trương kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo, tàn dư của mô hình Liên Xô, với hệ lụy là một thế hệ trông chờ vao lợi ích nhóm và tiểu xảo kinh doanh hơn là ‘chiến lược thị trường’ và ý chí xã hội về một môi trường cạnh tranh lành mạnh…

Sự chậm trễ trong cơ chế thị trường hoá các chủ thể nghiên cứu khoa học của nhà nước, được bao cấp và nghiên cứu theo thành tích và tính khả thi bó hẹp, chưa nhìn thấy tính khả thi toàn diện và khả thi ở môi trường giao lưu hội nhập quốc tế. Đã có hàng thập kỷ người ta nghiên cứu lặp lại những điều mà thế giới đã nghiên cứu thành công, hay nói theo ngôn ngữ quốc tế là re-invent the wheel (phát minh ra cái bánh xe). Chẳng hạn thập niên 90 ở Bách Khoa các thầy nghiên cứu nhựa Polyester từ dầu hạt Thầu Dầu như một ‘thành tích khoa học’, trong khi nguyên liệu Polyester cho vật liệu composit thì đã có sẵn với giá rẻ, thay vào đó nên tập trung sản xuất thành phẩm như cá loại tàu thuyền, vật dụng đa dạng… Mãi cho đến năm ngoái, lãnh đạo Bộ khoa học mới đề ra cơ chế mua đề tài khoa học, đấu thầu nghiên cứu và xoá bỏ quy trình nghiên cứu bao cấp đã tồn tại hàng nhiều thập kỷ qua. Những người làm công tác quản lý khoa học do thiếu kiến thức thị trường nhưng lại nắm vai trò xét duyệt các đề tài nghiên cứu theo cơ chế xin cho… đó là môi trường bó hẹp cơ hội kinh doanh theo hướng phát triển sản phẩm mới.

Thay lời kết …

Tác giả quyết định chọn sê-ri ảnh về thương hiệu không gian nghệ thuật Dalat XQ để minh họa cho bài viết về ngày Doanh nhân VN với chủ đích lăng xê thương hiệu XQ Dalat. Trong nhiều lần ghé thăm XQ và giao tiếp với anh Võ Văn Quân CEO của thương hiệu này, được biết khá nhiều đối tác quốc tế đã và đang giới thiệu mô hình không gian nghệ thuật thêu XQ ra thế giới: Châu Âu, Mỹ, Mexico… Trong xu hướng hội nhập kinh tế, doanh nhân Việt Nam lại phải đi ngược về đề tài (!) văn hoá – di sản – cuội nguồn để tìm ra những sản phẩm độc đáo có giá trị cao và đậm bản săc Việt Nam (cạnh tranh vô đối) để làm cho khách hàng thế giới bất ngờ và sốc. Trên thế giới thị trường nghệ thuật là một trong những thị trường cao cấp và ở phân khúc luxury với trị giá mỗi tác phẩm được tính bằng triệu Đô La… những tác phẩm tranh thêu từ tâm hồn và bàn tay tỉ mỉ của người phụ nữ Việt Nam đang gây bất ngờ cho thế giới, ngay tại XQ, với những tác phẩm được định giá hàng chục ngàn USD… với sự hợp tác trên thị trường nghệ thuật với những fine-art marketer từ các nước Nhật, Châu Âu, Mỹ đã đến với Thương hiệu XQ, mình sẽ không ngạc nhiên một ngaỳ không xa sẽ có không gian nghệ thuật XQ tại Tokyo, Paris hay New York.

Tác giả cũng đã đi thực tế vài lần ra các làng nghê thêu truyền thống ngoại thành Hà Nội như làng thêu Quất Động. Nhưng điều khác biệt là ở đó người ta đối xử với nghệ nhân thêu như là ‘công nhân lao động’ chân tay, và kết quả chất lượng sản phẩm hiện rõ trên từng đường kim mũi chỉ… Vai trò và sự khác biệt ở đây nằm ở triết lý của doanh nhân.

Có điều rất trăn trở rằng các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Việt Nam chưa hề có khái niệm kinh tế sáng tạo này và hiện đang bế tắc với xi-măng, sắt thép hay công nghiệp ô-tô…

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here