Cơ hội mới cho du lịch Việt nhìn từ hợp đồng của Vietnam Airlines và Luke Nguyễn

0
681

Ẩm thực Việt với những đặc thù riêng, được đa phần khách quốc tế yêu thích đang và sẽ tạo ra những dư địa lớn hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển trong tương lai, PGS. TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho biết.

Mới đây, bếp trưởng người Australia gốc Việt Luke Nguyễn đã chính thức ký hợp trở thành Đại sứ ẩm thực toàn cầu của Vietnam Airlines. Theo hợp đồng, trong 3 năm từ 2018 – 2020, Luke Nguyễn sẽ đảm nhận vai trò phát triển chất lượng suất ăn cho các chuyến bay của hãng.

“Phù thuỷ ẩm thực” sẽ sáng tạo 8 món ăn mới đặc trưng theo từng vùng miền của Việt Nam: Bắc – Trung – Nam và Huế cho hạng Thương gia. Ông cũng tư vấn thêm cho 50 thực đơn hạng Thương gia hiện tại trên các đường bay của Vietnam Airlines trong năm nay.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn cũng đồng hành cùng hãng hàng không Quốc gia Việt Nam đưa ẩm thực Việt đến với thế giới thông qua các sự kiện giao lưu văn hoá, thương mại lớn diễn ra thường kỳ tại nhiều quốc gia trên toàn cầu.

TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng đây là một “nước cờ hay” của Vietnam Airlines. Cụ thể, nó vừa hỗ trợ cho việc kinh doanh của hãng, vừa giúp thực hiện chức năng cầu nối quốc gia trong các hoạt động quảng bá những giá trị Việt với thế giới.

Ẩm thực Việt, theo ông Lương có những đặc thù riêng, nhìn chung phù hợp với đa số khách quốc tế. “Khi nếm thử đồ ăn Việt Nam, họ đều khen thật chứ không phải kiểu cách ngoại giao”, ông nói.

Do vậy, việc giúp khách quốc tế được trải nghiệm ẩm thực Việt, ngay cả khi chưa đặt chân xuống Việt Nam đã tạo điểm chạm văn hoá đầu tiên, phần nào hỗ trợ cho ngành du lịch. Bởi lẽ, du lịch là một ngành tổng hợp, tổng hoà của nhiều yếu tố.

Bên cạnh đó, ông Lương cho rằng đây được xem là nền móng nếu ngành du lịch về sau muốn phát triển ẩm thực thành một sản phẩm du lịch trọn vẹn.

“Hiện Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch ẩm thực, tuy nhiên nó là dư địa còn rất lớn trong ngành, đấy là cũng là phương thức xuất khẩu tại chỗ”, vị chuyên gia này cho biết.

Ngành du lịch bùng nổ trong năm 2018?

Không nên quá đề cao về số lượng khách du lịch đến Việt Nam mà nên tập trung về chất lượng, dù số lượng có thể nói lên một vài khía cạnh.

Theo ghi nhận, năm 2017 được xem là năm thành công của du lịch Việt, tiếp nối những thành công của năm 2016 và phát triển với những kết quả mạnh mẽ hơn. Cụ thể, nếu năm 2016 lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng 26% thì năm 2017 tăng khoảng 28%. Đặc biệt, thu nhập của ngành du lịch tăng trưởng khoảng 25% và đạt được trên 500.000 tỷ năm 2017. Với những kết quả khả quan đó, ngành du lịch đang được dự báo còn bứt phá mạnh mẽ trong năm 2018.

Tuy nhiên, theo TS. Phạm Trung Lương, ngành du lịch vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Ví dụ như liên kết ngành, địa phương còn rất yếu trong khi đó, muốn phát triển du lịch phải có sự phối hợp chung để tạo nên sự bứt phá.

Ông cũng cho biết mặc dù định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã có nhưng các chính sách còn yếu, chưa thực sự vì du lịch mà có thể thấy rõ nhất là chính sách về visa – được xem là yếu nhất trong khu vực.

Mặt khác, vị chuyên gia này cũng khuyến nghị, không nên quá đề cao về số lượng khách du lịch đến Việt Nam mà nên tập trung về chất lượng, dù số lượng có thể nói lên một vài khía cạnh. Đó là ngành phải mang được gì về cho đất nước về kinh tế, việc làm cũng như tạo được sự lan toả đến các ngành khác.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here