Nội Dung Chính
Trong lúc người tiêu dùng đang hoang mang với thông tin được Vinastas công bố, hơn 67% nước mắm có hàm lượng thạch tín (arsen) vượt ngưỡng quy định, một doanh nghiệp đã đưa thông điệp “an toàn thạch tín” với 2 thương hiệu nước chấm của mình.
Nước mắm “chuẩn an toàn thạch tín”
Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) mới đây đã công bố cuộc khảo sát trên 150 mẫu nước mắm tại 19 tỉnh thành; phát hiện có đến 101 mẫu, chiếm 67,33% số nước mắm được khảo sát có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng cho phép.
Mặc dù Vinastas không công bố danh tính của các sản phẩm không đạt và thông tin chỉ mang tính cảnh báo người tiêu dùng. Tuy nhiên, tối cùng ngày kết quả khảo sát được công bố, một số trang mạng xã hội đã đăng tải kết quả khảo sát nước mắm kể trên với bảng biểu được sắp xếp theo mức độ nhiễm arsen đầy đủ tên và nhà sản xuất.
Vinastas cho biết, công bố kết quả cuộc khảo sát nước mắm chỉ chọn tiêu chí arsen thay vì các tiêu chí khác như chì, thuỷ ngân… với lý do không có tiền để khảo sát hết các tiêu chí, chỉ khảo sát trên cơ sở nguồn lực và xác định cái nào cần khảo sát.
Vinastas cho biết thêm, số tiền thực hiện cuộc khảo sát là có nhà tài trợ, nhung không tiết lộ danh tính, đồng thời cũng nhấn mạnh, số tiền này không phải của bất cứ doanh nghiệp nào.
Trước thông tin này, một số doanh nghiệp sản xuất nước mắm được “bêu” tên trong danh sách nhiễm arsen mức cao đã phải giải thích cho các siêu thị, các nhà phân phối thậm chí từng khách hàng nhỏ lẻ của mình về hàm lượng arsen tổng, arsen hữu cơ, arsen vô cơ.
Cũng chỉ sau 3 ngày kết quả khảo sát được công bố một doanh nghiệp có thị phần nước mắm lớn sở hữu 2 thương hiệu nước mắm Chin-su và Nam Ngư đã đưa ra quảng cáo “Chúng tôi tin rằng nước mắm phải ngon nhưng trước hết phải an toàn”.
Dẫn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 8-2:2011/BYT ban hành năm 2011, quảng cáo của doanh nghiệp này cho biết từ năm 2011, theo Quy định tất cả các sản phẩm nước mắm Chin-su, Nam Ngư đã công bố và đạt chuẩn an toàn thạch tín (arsen).
Tẩy chay nước mắm là nước chấm an toàn, thơm mùi cá
Dưới góc nhìn marketing, ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty Tư vấn Tinh Hoa Quản Trị đã gọi tên đây là “cuộc chiến nước mắm – nước chấm” và theo ông trong trường hợp này doanh nghiệp đưa thông điệp quảng cáo nói trên đang sử dụng chiến lược “redefine the Viet Nam’s fish sauce market”.
Để có thể thuyết phục được người tiêu dùng thay đổi cảm nhận, họ cần phải đưa ra một “reason to believe” và thạch tín chính là sự lựa chọn của họ cho lý do “an toàn”.
Theo ông Đỗ Hòa, chiến lược này thì thường chỉ các doanh nghiệp lớn mới có thể làm được, vì đòi hỏi đầu tư lớn về mặt truyền thông nhằm thay đổi cảm nhận của người tiêu dùng về một sản phẩm hay dịch vụ (communicate to change a perception).
Cụ thể, vị chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực marketing, thương hiệu cho biết, doanh nghiệp này đang cố tái định nghĩa lại sản phẩm nước mắm trên thị trường Việt Nam, từ “Nước mắm ngon phải là nước mắm làm từ cá nguyên chất với độ đạm cao” thành “Nước mắm ngon phải là nước chấm an toàn và rất thơm mùi cá”.
Và về mặt nguyên tắc, để có thể thuyết phục được người tiêu dùng thay đổi cảm nhận, họ cần phải đưa ra một “reason to believe” và thạch tín chính là sự lựa chọn của họ cho lý do “an toàn”.
“Như vậy nếu họ thành công với chiến lược này, tức họ thay đổi được nhận thức của người tiêu dùng về “nước mắm ngon”, thì họ sẽ dễ dàng loại được gần hết các đối thủ truyền thống ra khỏi các bếp ăn Việt Nam”, ông Hoà nhận định.
Theo ông, các đối thủ mà họ nhắm đến đây không ai khác chính là các nhà ủ nước mắm theo phương thức truyền thống. “Điều này sẽ dẫn đến cái chết của ngành nước mắm truyền thống, và thay vào đó là một hỗn hợp hóa chất bao gồm nhiều loại bột ngọt và hương liệu mùi cá với giá thành sản phẩm rất thấp”, vị chuyên gia cho biết.
Chia sẻ thêm dưới góc độ cá nhân, theo ông Đỗ Hòa, người Việt ăn nước mắm truyền thống từ ngàn đời nay và chưa có bằng chứng nào đủ thuyết phục để nói rằng nước mắm truyền thống gây hại cho sức khỏe.
Chưa kể, ngành nghề sản xuất nước mắm nuôi sống hàng triệu ngư dân, nhiều làng nghề sản xuất nước mắm Việt Nam, và thương hiệu “nước mắm Việt Nam” nổi tiếng trên thị trường thế giới đến độ người Thái cũng phải nhái “nước mắm Việt Nam”.
Mặt khác, ông Đỗ Hòa cũng cho biết, nước chấm công nghiệp không thể tạo ra sự khác biệt bền vững vì nó không có yếu tố gì đặc trưng Việt Nam. Sản xuất theo công thức này thì đâu người ta cũng làm được chứ không cứ gì phải Việt Nam. Thậm chí họ có thể làm “thơm mùi nước mắm hơn” với hóa chất.
“Theo tôi, sản phẩm này chỉ đơn thuần là một marketing game, và chỉ thuyết phục được người tiêu dùng ở những quốc gia kém phát triển. Còn với một thành phần nhiều bột ngọt và chất điều vị như công thức này, thì ở các nước phát triển người tiêu dùng không ai muốn đụng đến.
Một tỷ lệ nhỏ nước cốt cá, nếu có chăng, thì chỉ có tính cách đối phó chứ không phải là thành phần chính của sản phẩm fish sauce. Cũng giống như trường hợp một sản phẩm bột nêm khác, một tỷ lệ nhỏ nước cốt xương, thịt hầm trong sản phẩm, cũng chỉ nhằm để cho có cái mà quảng cáo, chứ nó chẳng phải là đặc trưng của sản phẩm, mà thành phần đặc trưng của nó vẫ là bột ngọt.
Vì cuộc sống của hàng triệu ngư dân Việt, vì tương lai của thương hiệu nước mắm “made in Vietnam”, tôi phản đối chiến dịch này và tuyên bố tẩy chay các sản phẩm nước chấm thay thế nước mắm truyền thống”, ông Hòa nêu quan điểm.