Nội Dung Chính
Tiếp xúc với Nguyễn My Lan – CEO của GE VN cho ta cảm giác yên tâm về một phụ nữ chỉn chu, mô phạm kiểu… nhà giáo hơn là một CEO của Doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới.
Để tìm hiểu về vị doanh nhân này, tôi đã phải “làm thân” với anh “gu gờ” khá lâu. Và vì vậy, câu chuyện của chúng tôi bắt đầu với những dữ liệu liên quan đến… GE. Bởi cũng qua anh “gu gờ” tôi biết, với cương vị CEO của GE Việt Nam, chị đã thành công khi biến một thị trường nhỏ như VN trở thành điểm đến hấp dẫn trong tầm ngắm của GE – tập đoàn đa quốc gia hàng đầu nước Mỹ…
Đào tạo nhân sự -đầu tư tương lai
* Là một doanh nhân điều hành ở một tập đoàn đa quốc gia đã và đang tìm đối tác trong chuỗi cung ứng tại VN, chị đánh giá thế nào về DN hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt ?
GE đã đến VN từ cách đây khá lâu nhằm tận dụng nguồn nhân công có trình độ và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, những đối tác trong ngành công nghiệp hỗ trợ của VN đến nay chưa nhiều. Các sản phẩm của DN Việt mới chiếm khoảng 15 – 20% trong chuỗi sản xuất của chúng tôi.
Với góc độ nhà đầu tư, tôi phải khẳng định rằng, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng, giảm thiểu chi phí, góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài tại VN. Tuy vậy, các DN VN cần một quãng thời gian nhất định để hiểu thêm về nhu cầu, yêu cầu của một DN đa quốc gia.
* Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của VN đang ở mức phát triển thấp ?
Theo tôi, các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm đều đang tập trung để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ vì đây là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư trong ngành công nghệ cao.
Mỗi một nhà sản xuất đều có những tiêu chí riêng khi lựa chọn nơi đầu tư, trong đó, công nghiệp phụ trợ là một trong những yếu tố mang tính quyết định. Nếu ngành công nghiệp phụ trợ VN phát triển hơn nữa thì sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào VN và giúp các nhà đầu tư đang có mặt tại VN mở rộng sản xuất tốt hơn.
Còn trong trường hợp không phát triển thì rất khó để VN có thể cạnh tranh được với các nước bởi hiện tại, chúng ta vẫn thiên về lắp ráp, việc sản xuất những mặt hàng đòi hỏi công nghệ cao chưa phải là mạnh, hầu như vẫn phải nhập khẩu nhiều.
* Đó là cách nhìn chung nhất của các nhà đầu tư. Còn với cách nhìn của riêng chị, ngành công nghiệp hỗ trợ VN đang thiếu điều gì ?
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có chiến lược, ưu tiên và quyết tâm nhất định.
DN cần có chiến lược cụ thể để có quyết tâm phát triển. Khi có quyết tâm rồi, DN cũng phải tính đến mức độ ưu tiên của từng chiến lược đó. Đặc biệt, chiến lược DN phải mang tính dài hạn. Nếu DN muốn phát triển nhanh, lợi nhuận nhanh thì đi theo ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ khó có thuận lợi trong tầm tay được.
* Được biết, cuối năm nay GE sẽ khánh thành một trung tâm thiết kế kỹ thuật cao tại VN nhằm tập trung thiết kế sản phẩm, ứng dụng và các dịch vụ dành cho ngành dầu khí. Đặc biệt, Trung tâm dự kiến sẽ tuyển dụng và đào tạo khoảng 200 kỹ sư nhằm phục vụ cho nhu cầu của ngành dầu khí VN và khu vực. Vậy chị đánh giá thế nào về lớp kỹ sư hiện nay của VN ?
Chúng tôi chỉ đem đến cơ hội cho lớp kỹ sư này bằng những hình thức đào tạo cụ thể, để họ có thể “bật ra” những khả năng, tố chất còn tiềm ẩn. Không chỉ là các kỹ sư trong ngành dầu khí như bạn biết, GE luôn chú trọng đào tạo – bởi với chúng tôi – đào tạo chính là cách đầu tư cho tương lai – đầu tư bền vững.
* Vậy GE đang có những hình thức đào tạo nào, thưa chị ?
GE luôn chú trọng đào tạo và phát triển tài năng để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự. GE toàn cầu đã đầu tư hơn 1 tỉ USD mỗi năm vào các chương trình đào tạo nhằm phát triển toàn diện các kỹ năng của nhân viên.
Đối với nguồn nhân lực trẻ, GE có các khóa đào tạo năng lực lãnh đạo dành cho các sinh viên ưu tú, mới tốt nghiệp. Khóa học này sẽ thúc đẩy quá trình trưởng thành và phát triển của các cá nhân xuất sắc với giáo trình linh hoạt, tập trung trau dồi kiến thức chuyên môn và nâng cao các kỹ năng cần thiết để trở thành một nhà lãnh đạo GE trong tương lai.
Chúng tôi cũng có chiến lược rất quan trọng để thu hút các tài năng trẻ. GE hợp tác chặt chẽ với các trường đại học hàng đầu VN nhằm tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng và tiềm năng ngay từ giai đoạn đầu tiên. Và như bạn đã biết, Trung tâm thiết kế công nghệ cao cũng đang thể hiện cam kết của chúng tôi.
Ai cũng có thể làm lãnh đạo
* Dù khá “cũ” nhưng tôi vẫn muốn hỏi: sức hút nào đưa chị tới “ghế” CEO của GE tại VN ? Danh tiếng, chế độ đãi ngộ, văn hóa DN… ?
Sức hút từ GE ư ? Bản thân GE có tên tuổi quá hấp dẫn. Ai được GE mời thì khả năng từ chối là… không cao. Với tôi, nhận được lời mời của GE là một “cơ hội vàng”.
GE là một Công ty toàn cầu, có lịch sử lâu đời, có một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đó là sức hút đầu tiên để tôi đến với GE, nhưng để giữ mình ở lại phải là những yếu tố khác. Đó là “Leadership”- khả năng lãnh đạo của những người trong GE. Ở đây, tôi có thể học từ tất cả mọi người, từ nhân viên cho đến lãnh đạo. Vì được học hỏi từ mỗi công việc trải qua nên không bao giờ có cảm giác buồn chán và được thấy mình lớn lên hàng ngày.
Có một điểm hấp dẫn khác nữa là những thách thức đến từ phía tập đoàn. Chúng ta chỉ trưởng thành qua công việc và những thách thức. Thường thì trước thách thức, người ta nghĩ khả năng của mình chỉ đến một giới hạn nào đó, nhưng những thách thức mà tập đoàn đưa đến thường lớn hơn năng lực mà mình nghĩ, vượt qua được thách thức tức là bản thân mình đã vượt qua được năng lực giới hạn và tự nâng mình lên một tầm cao khác.
10 năm làm việc tại GE giúp tôi có cơ hội học hỏi và trau dồi khả năng lãnh đạo. Tại GE, tất cả các nhân viên đều có cơ hội bình đẳng để… trở thành lãnh đạo. Và tôi là một ví dụ điển hình. GE không đặt ra bất cứ rào cản nào trong bước tiến của bạn, quan trọng là cách bạn nỗ lực phát triển bản thân mà thôi.
Chương trình đào tạo lãnh đạo của GE hướng tới mục tiêu : lãnh đạo là phải thành công.
Hơn nữa, GE có hệ thống đào tạo về mọi khả năng, trong đó có đào tạo về lãnh đạo. Chúng tôi hiểu rằng không phải ai sinh ra cũng có tố chất lãnh đạo cũng như không phải ai có tố chất lãnh đạo cũng có thể bộc lộ được tố chất đó. Chính vì thế, chương trình đào tạo lãnh đạo của GE hướng tới mục tiêu: lãnh đạo là phải thành công.
* Vậy khả năng lãnh đạo của chị có bao nhiêu % là tố chất và bao nhiêu % là do đào tạo ?
Chính sách “localization” của GE với nòng cốt là đội ngũ lãnh đạo tài năng người VN đã giúp định vị vị trí của GE VN trên bản đồ đầu tư toàn cầu của tập đoàn khổng lồ này. Một trong những yếu tố chủ chốt trong chính sách dùng người của GE là họ có hệ thống đánh giá năng lực lãnh đạo chặt chẽ, dựa trên hai yếu tố : Hiệu quả làm việc và khả năng đáp ứng được 5 giá trị theo tiêu chuẩn của tập đoàn (sự am hiểu về thị trường, đối thủ cạnh tranh, khách hàng, chính phủ; sự quyết đoán; tính sáng tạo và tư duy dám nghĩ dám làm; tinh thần làm việc theo nhóm; và khả năng chuyên môn, năng lực cá nhân).
Yếu tố đầu tiên – năng lực lãnh đạo – được đánh giá dựa trên hiệu quả kinh doanh, chiến lược phát triển, tăng trưởng của tập đoàn ở địa phương. Yếu tố thứ hai được đánh giá dựa trên khả năng thích ứng, phù hợp của lãnh đạo cũng như nhân viên với 5 giá trị của tập đoàn. Một lãnh đạo tốt phải hội tụ đủ cả hai yếu tố với vị trí cân bằng như nhau.
Như tôi đã nói ở trên, hàng năm GE có hệ thống đánh giá từng vị trí nhằm tìm khóa học phù hợp để mọi nhân sự có thể tìm kiếm một vị trí cao hơn và hoạt động hiệu quả hơn. Vì thế, ngay bản thân mình, tôi cũng khó phân định rạch ròi giữa tố chất và đào tạo.
* Nếu tự nhận xét, chị thấy mình giỏi nhất điều gì trong 5 giá trị trên ?
Có lẽ đánh giá của sếp là khách quan nhất. (cười). Bạn nhìn nhé : đây là hai “chứng nhận”: đó là khả năng lãnh đạo nhóm và khả năng am hiểu thị trường.
* Vậy có lúc nào chị nghĩ sẽ trở thành bà chủ một DN… của riêng mình ?
Tôi có cả hai : Muốn và không muốn.
Muốn : thời trẻ tôi đã từng kinh doanh riêng nhưng muốn vào một môi trường lớn hơn, cạnh tranh cao hơn nên tôi lựa chọn các tổ chức quốc tế và DN đa quốc gia.
Còn chưa muốn ư ? Đó chính là thời điểm hiện tại. Vì tôi đang học hỏi được nhiều ở các đồng nghiệp, các cộng sự của mình và… tôi còn yêu GE lắm.
* Tôi đã “phác họa” chị dưới góc độ mạnh, muốn và chưa muốn. Còn điểm yếu của chị là gì ?
Tôi nghĩ, cái tôi cần làm tốt hơn là sự kiên nhẫn. Khi sức ép công việc dồn tới, mình tự ép bản thân và ép luôn cả đội ngũ. Mình phải bình tâm hơn, ngồi lại một chút, suy nghĩ hơn một chút…
* Lãnh đạo DN toàn cầu, vậy còn tài sản của chị cũng… “toàn cầu” chứ ?
Tài sản của tôi là một gia đình yên ấm, một môi trường tốt để tôi phát triển sự nghiệp và một “nhân hiệu” gắn liền với GE.