Chủ tịch VietnamMarcom: Nhà tiếp thị trẻ cần tôn trọng đồng nghiệp, khách hàng và đối thủ

0
687

Theo đánh giá của Liên đoàn các Hiệp hội quảng cáo châu Á, ông Trần Hoàng, Chủ tịch VietnamMarcom, Phó chủ tịch thường trực Hội Marketing Việt Nam được xem là gương mặt trẻ nhất trong số những người có ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành truyền thông, quảng cáo châu Á và tại Việt Nam.

15 năm kiên định với sự nghiệp giáo dục, đào tạo cho ngành truyền thông, tiếp thị, quảng cáo, bán hàng và xây dựng thương hiệu…, tổ chức giáo dục VietnamMarcom do anh sáng lập đã đào tạo hơn 9.000 học viên, xây dựng được thư viện chuyên khảo công nghệ tiếp thị quảng cáo đầu tiên tại Việt Nam, thư viện chuyên khảo các giải pháp tiếp thị cộng đồng, tiếp thị cho nông sản Việt…

* Ngày 14/9/2016, VietnamMarcom vừa ký kết hợp tác với Kotler Impact – chương trình đào tạo về quản trị – kinh doanh- tiếp thị cao cấp do giáo sư Philip Kotler, “cha đẻ”của tiếp thị hiện đại sáng lập. Anh đã nỗ lực như thế nào để đưa chương trình này về Việt Nam?

Có thể nói là đủ duyên nhưng chính yếu là nhờ cái đạo nghiệp mà chúng tôi đã chọn, lấy nhân – lễ – nghĩa – trí – tín để truyền thông tiếp thị Việt, thông qua tri thức, giáo dục và giải pháp.

Hội nhập, quan sát, học hỏi với thế giới thông qua các hiệp hội, tổ chức nhà nghề, định vị rõ mình là VietnamMarcom cũng là cách mà chúng tôi đã chuẩn bị trong 15 năm qua cho cơ duyên hợp tác hôm nay. Và mất khoảng 10 năm tiếp xúc, trao đổi kết nối với các kênh chuyên gia liên quan để triển khai chương trình tại Việt Nam.

Ông Trần Hoàng, Chủ tịch VietnamMarcom, Phó chủ tịch thường trực Hội Marketing Việt Nam (bên phải).

* Theo anh, trong thời đại truyền thông tiếp thị thay đổi đến chóng mặt này, những nhà tiếp thị trẻ cần phải có những tố chất nào để có thể làm chủ được công việc của mình?

Luôn khiêm tốn, học hỏi, thấu hiểu người tiêu dùng, ngành hàng, sản phẩm. Không ngừng sáng tạo dựa trên một nền tảng kiến thức sâu rộng về lĩnh vực mà mình đam mê, yêu thích.

Tôn trọng đồng nghiệp, khách hàng và đối thủ. Để tồn tại và phát triển được các nhà tiếp thị trẻ nhất định phải học hành sự chuyên nghiệp và có chút tài năng trong ấy.

* Quan sát những động thái gần đây của các doanh nghiệp trong giải quyết khủng hoảng, anh đánh giá như thế nào về những thảm họa từ marketing, truyền thông của doanh nghiệp?

Có hơn 150 định nghĩa về marketing, trong đó có một định nghĩa cho rằng, marketing là quản trị. Nếu làm tốt việc này thì có thể ngăn ngừa từ sớm những nguy cơ dẫn đến khủng hoảng.

Việc tiếp theo là phải học cách xử lý khủng hoảng, có dự phòng kịch bản, tình huống, mỗi ngành, mỗi nhà, mỗi kiểu.

Marketing ngày nay là trọng tâm của hoạt động kinh doanh và đã trở nên vô cùng quan trọng không thể khu trú ở phòng ban tiếp thị mà phải gắn kết với cấp quản trị cao nhất của công ty.

Trong marketing hiện đại, có 4 kênh chủ lực: Marketing truyền thống là tích hợp các kênh tiếp thị; kênh thứ hai là đối thoại với cổ đông, nhà đầu tư, chính phủ; kênh thứ ba là chăm sóc khách hàng; kênh thứ 4 là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Marketing ngày nay là trọng tâm của hoạt động kinh doanh và đã trở nên vô cùng quan trọng không thể khu trú ở phòng ban tiếp thị mà phải gắn kết với cấp quản trị cao nhất của công ty.

Đỉnh cao của tiếp thị hiện đại là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Câu chuyện Formosa làm hủy hoại mọi nỗ lực tiếp thị, quảng bá, lòng tin thương hiệu, làm vô hiệu hóa mọi nỗ lực của bộ máy kinh doanh, tiếp thị của đơn vị đó.

Khi không có những nền tảng cơ bản này thì khủng hoảng là điều tất yếu như đã xảy ra với nhiều thương hiệu lớn gần đây để lại nhiều hậu quả nhãn tiền và lâu dài.

* Gần đây, chiến lược marketing “ đánh vào nỗi sợ hãi” của người tiêu dùng như Masan – đơn vị quản lý của Vinacafe, hay cuộc tranh cãi bất tận giữa sữa tươi nguyên chất và sữa tươi sạch đã làm cho người tiêu dùng rất hoang mang, ý kiến của anh như thế nào?

Marketing là cuộc chiến của ý tưởng và nhận thức, trong một thế giới cạnh tranh khắc nghiệt, nhiều áp lực đa kênh, đa chiều, thời gian, nguồn lực, thông tin hạn hẹp.

Nếu không có chiến lược định vị, truyền thông rõ ràng, nhất quán thì khó có được chiến lược thông minh, hiệu quả, từ đó dễ dẫn đến sự khác biệt không như ý, nhiễu loạn hoang mang, lòng tin nơi người tiêu dùng.

Để có được những ý tưởng xuất sắc, ý tưởng hay, hoặc gặp phải ý tưởng tồi là điều mà tất cả các nhà truyền thông, tiếp thị luôn phải nếm trải vị ngọt hay đắng trong công việc của mình.

* Anh đánh giá thế nào về những nhà “marketing số 1” của Việt Nam hiện nay?

Họ là những người luôn sở đắc những ý tưởng khởi nghiệp của đời mình một cách tinh khôi, liên tục sáng tạo đúng hướng, tạo được dấu ấn mạnh khác biệt trên thương trường bằng một cách bền vững, rồi mất cả thập niên để chuẩn bị, triển khai nuôi dưỡng và phát triển…

Những dấu ấn mà họ để lại luôn có sự góp sức của các nhà quảng cáo tài năng, chuyên nghiệp như câu chuyện “Nâng niu bàn chân Việt” của công ty Bitis.

Sử dụng đúng, đủ dịch vụ chuyên gia cũng là thành tố rất quan trọng để giúp họ thăng hoa và luôn giữ được vị trí số 1.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam hiện nay bị động về chiến lược đầu tư, kinh doanh, tiếp thị, chưa tạo được sự khác biệt bền vững trong xây dựng chuỗi giá trị gia tăng, đối tác vững chắc để tối ưu hóa lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh.

Là số 1 nên họ cũng gặp phải nhiều rủi ro số 1 về chính sách… bảo hộ, cạnh tranh, nhân sự chiến lược và bao vấn đề đau đầu khác phải xử lý trong môi trường kinh doanh ở ta.

Về nghề nghiệp, những nhà tiếp thị số 1 của Việt Nam phần lớn được trui rèn, đào tạo, trải nghiệm trong các môi trường, công ty đa văn hóa, đa quốc gia, tiếp xúc, làm chủ được công nghệ marketing hiện đại từ đó tiếp tục thi triển tập trung nhiều năm trong lĩnh vực chuyên gia của họ.

Trong thế giới kinh doanh bất định như hiện nay, khái niệm số 1 đang trở nên mong manh, nhưng nếu nhà tiếp thị ấy sở đắc nhận thức là thương hiệu số 1 về trách nhiệm cộng đồng thì mới thật là số 1 đúng nghĩa.

* Là người rất tích cực cùng doanh nghiệp tiếp thị cho nông nghiệp Việt Nam, theo anh làm thế nào để có thể biến câu nói của Philip Kotler cách đây 8 năm thành hiện thực: “Việt Nam phải và có thể trở thành bếp ăn của thế giới”?

Câu chuyện hay nhất để biến câu nói của Giáo sư Philip Kotler thành hiện thực chính là chương trình Chiếc thìa vàng của Gốm sứ Minh Long, biến các đầu bếp thành người hùng, nâng tầm các đặc sản Việt Nam thô mộc, ẩn mình lên tầm cao mới về giá trị ẩm thực, nghệ thuật có hàm lượng văn hóa trí tuệ và hồn Việt trong ấy.

Tư tưởng của chúng ta là số phận của chúng ta. Nền giáo dục chủ yếu định hình cho mỗi con người lý tưởng nghề nghiệp để vươn theo, tất cả chỉ cần tầm nhìn vươn xa và tâm huyết cống hiến.

Đây là mô hình liên kết các kênh chiến lược một cách thông minh, hiệu quả, phù hợp của các nhà nói trên và rất cần được nhân rộng để thúc đẩy sự phát triển về văn hoá, du lịch, ẩm thực địa phương.

Hay câu chuyện về nước dừa Bến Tre đóng hộp xuất ngoại tạo giá trị gia tăng đột phá của Tập đoàn Thành Thành Công là một điển cứu hay. Theo tôi công thức và giải pháp là làm chủ công nghệ tiếp thị, công nghệ sản xuất, sáng tạo đúng định hướng, phù hợp dưới sự lãnh đạo của CEO có tâm, có tài.

* Để tạo lập nên tổ chức giáo dục VietnamMarcom, anh đã khó khăn như thế nào để hình thành hệ thống giáo trình giảng dạy và đội ngũ giáo viên, nhất là trong môi trường khi các giá trị chuẩn mực đang bị thách thức dữ dội với các giá trị mới?

Chặng đường khởi nghiệp của chúng tôi là giai đoạn mò đường dẫn lối, ra biển lớn, khai sơn phá thạch về thể chế, lòng người và quan trọng nhất là sự khai sáng, giác ngộ của người doanh chủ theo thời gian…

Đây là cơ sở để quy tụ chuyên gia, lòng người, những người tài giỏi hơn mình rất nhiều về trí tuệ, phương pháp sư phạm và tầm ảnh hưởng trong ngành và xã hội.

Để giữ được các giá trị chuẩn mực đang bị thách thức dữ dội với các giá trị mới là điều không dễ. Nhưng đã làm nghề thì phải có đạo, phải giữ nguyên tắc của mình. Gìn giữ định vị thương hiệu như gìn giữ con ngươi, bổn mạng của nhà trường.

* Cuộc đời anh cũng là cả một quá trình kiên định để theo đuổi nghiệp marketing?

Thời đó, vào trường Y là khó. Xã hội bao cấp, với sinh viên thì nhất Y nhì Dược.

Tôi mất bốn lần thi đại học, ba lần trượt Y khoa, lần thứ tư vào Sư phạm mới đậu được đại học, học liên tục 8 năm ở đại học Sư phạm, đại học Khoa học, xã hội và nhân văn, và Luật dẫu không trọn vẹn, gắn bó nhiều với hoạt động đoàn thể, thanh niên, xã hội, quá trình này đã giúp tôi hình thành nhân sinh quan trong công việc.

Cơ duyên đến với ngành khi được phụ trách nhãn hàng Biore của tập đoàn KAO Vietnam của Nhật trong vai trò công ty quảng cáo. Công nghệ tiếp thị, quảng cáo của các công ty đa quốc gia là trường học tiếp thị lớn cho những người trẻ. Từ đó tôi đã có 20 năm gắn kết với nghiệp của mình.

* Vì sao đang có mức lương cao và công việc ổn định, anh lại chuyển hướng qua đầu tư giáo dục?

Tư tưởng của chúng ta là số phận của chúng ta. Nền giáo dục chủ yếu định hình cho mỗi con người lý tưởng nghề nghiệp để vươn theo, tất cả chỉ cần tầm nhìn vươn xa và tâm huyết cống hiến.

Tư tưởng của những triết gia này giúp định hình xác quyết trong tôi đầu tư vào giáo dục trong 1 ngành rất mới, phù hợp, bản thân cũng đã có sự chuẩn bị, thiên hướng, đam mê.

Một yếu tố may mắn là gia đình, bà cụ tôi hoạt động từ thiện trong nhiều năm, lối sống, cuộc đời của bà cũng ảnh hưởng nhiều đến con cháu trong suy nghĩ, công việc.

* Anh có sống được bằng kinh doanh giáo dục?

Chúng tôi đã đi qua hành trình 15 năm thăng trầm nhưng hạnh nguyện. Vẫn giữ được mình và có đủ duyên, nội lực để đồng hành cùng Giáo sư Philip Kotler.

* 15 năm làm giáo dục, cái được lớn nhất với anh là gì?

Sống trong môi trường tốt, được tạo tác nhân lành, đi con đường chính đạo, hiện thực được một phần những ước mơ hoài bão của tuổi trẻ, cuộc đời.

Cùng các cộng sự, đồng nghiệp, thầy cô giáo VietnamMarcom góp phần đào tạo, tiếp sức được cho một thế hệ tiên phong các nhà tiếp thị, quảng cáo, xây dựng thương hiệu Việt…

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here