Chủ tịch Tôn Hoa Sen: Sức khỏe doanh nghiệp Việt rất tốt

0
648

Không có lợi thế về vốn, kinh nghiệm, công nghệ so với các ông lớn nước ngoài nhưng nhiều doanh nghiệp Việt vẫn trụ vững nhờ óc sáng tạo, linh hoạt, năng động để thích nghi với từng tình huống cụ thể.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đạt giải cao nhất cuộc thi “EY – Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp Việt Nam 2014” tổ chức cuối năm ngoái. Với thành tích này, ông là đại diện duy nhất của Việt Nam dự giải thưởng EY World Entrepreneur Of The Year lần thứ 15, tranh tài cùng 64 doanh nhân tại 52 quốc gia trên toàn cầu vào ngày 3-7/6 tại Monaco. Đây cũng là dịp để ông tìm kiếm thêm cơ hội đầu tư, cho thế giới hiểu hơn về bức tranh kinh tế, lớp doanh nhân của Việt Nam hiện nay.

* Ông sẽ trình bày những gì tại cuộc thi này?

Tôi đi thi với tâm thế nhẹ nhàng, không cần chuẩn bị sẵn bài thuyết trình, không đặt mục tiêu phải đạt giải. Tôi sẽ nói thật những suy nghĩ, trăn trở, tâm huyết và chiến lược, hành động của mình, cách thức tôi gầy dựng doanh nghiệp chỉ từ 2 chỉ vàng để phát triển thành một tập đoàn như ngày nay.

* Ông gửi gắm thông điệp gì với doanh nhân, diễn giả, lãnh đạo các nước?

Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khắc phục khủng hoảng từ năm 2008 đến nay, chủ yếu ở lĩnh vực tài chính. Nhiều doanh nghiệp còn khó khăn nhưng không ít đơn vị đã nỗ lực vượt qua và trụ vững trước những thách thức của thời đại. Tôi biết có doanh nghiệp đầu tư dự án vài trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD và được chính những ông lớn trong ngành này ở các quốc gia phải nể phục. Đó là sự cố gắng rất lớn của doanh nghiệp Việt và ông chủ của họ – những người đi sau nhưng luôn nỗ lực để sánh bằng các nước phát triển.

Tôi muốn nói với mọi người rằng, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, không chỉ thành công trong nước mà cả khu vực. Họ rất có năng lực, có thể cạnh tranh với những tập đoàn lớn các nước, tạo ra sản phẩm hữu ích cho người tiêu dùng và giá trị thật cho xã hội. Sự phát triển này là bền vững và cần được cộng đồng quốc tế công nhận.

* Nếu được hỏi làm cách nào để doanh nghiệp Việt cạnh tranh được với các tập đoàn lớn ở nước ngoài, ông sẽ giải thích thế nào?

Để thắng đối thủ lớn hơn không hẳn chỉ dựa vào quy mô (vốn, công suất, công nghệ…) mà cần xem bản thân mình có lợi thế nào nhất để tận dụng triệt để.

So với các tập đoàn thép nổi tiếng ở Nhật, Hàn, Trung Quốc, công ty Việt Nam rất nhỏ bé. Các ông lớn có lợi thế ở quy mô sản xuất, thị phần cao nhưng họ gần như hết cơ hội để mở rộng, bành trướng hơn nữa. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt tuy quy mô nhỏ nhưng còn nhiều cơ hội, nhất là ở thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng phát triển. Không ai hiểu nhu cầu, thị hiếu người Việt bằng chính doanh nghiệp nội địa.

Hơn thua nhau là ở đường lối, chiến lược, hướng phát triển. Trong thách thức luôn có cơ hội. Không có công thức chung để dẫn đến thành công nhưng nếu có bản lĩnh, chịu khó vươn lên nhất định sẽ đạt được.

Hơn thua nhau là ở đường lối, chiến lược, hướng phát triển. Trong thách thức luôn có cơ hội.

Tôi lấy ví dụ ở ngành thép, khi những tập đoàn lớn đã có trong tay hàng tỷ USD thì tôi chỉ mới có 2 chỉ vàng. Nhưng nay Hoa Sen đã chiếm 40% thị phần thép trong nước, thậm chí có lúc không đủ bán.

* Ông nhìn nhận cơ hội của doanh nghiệp Việt như thế nào khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập vào cuối năm nay?

Tôi tin đây là bàn đạp để Đông Nam Á trở thành một trong những khu vực năng động, phát triển nhất thế giới. Bởi Trung Quốc đã phát triển quá cao, thu nhập bình quân đầu người hơn chục nghìn USD, đồng nhân dân tệ lên giá. Theo quy luật, dòng vốn sẽ vào khu vực tạo ra lợi nhuận cao nhất, trong đó có Đông Nam Á.

Tôi sẽ đón đầu cơ hội này để đưa Hoa Sen lên doanh thu tỷ USD, với mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Biết đâu, trong tương lai, Việt Nam sẽ có những tập đoàn như Huyndai, Samsung. Trước đây, tôi không dám nghĩ mình sẽ có nhà máy cán nguội bởi không đủ tiềm lực tài chính, công nghệ, nhân sự… nhưng giờ tôi cũng đã sở hữu mấy nhà máy.

Tôi cũng chú trọng xây dựng đội ngũ nhân sự giỏi. Công ty ưu tiên tuyển du học sinh, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn nhưng viết vươn lên để thành công. Việc thuê chuyên gia hàng đầu thế giới, bổ sung nhân sự cho khâu nghiên cứu phát triển cũng sẽ được xúc tiến nhanh.

* Hoạt động thương trường hơn 20 năm nay, đâu là những bài học đắt giá nhất mà ông đúc kết được?

Có 3 bài học tôi tâm đắc nhất. Thứ nhất là lấy năng động để thắng quy mô. Chính sách của công ty tôi thay đổi từng ngày, từng vùng, từng mùa để phù hợp với điều kiện thực tế vốn luôn biến động.

Thứ hai là lấy sáng tạo để thắng đối thủ. Ví dụ, một số thiết bị tôi mua ở châu Âu, Đức, Trung Quốc. Miễn làm sao tổng hòa lại mà dây chuyền vẫn vận hành tốt để giảm chi phí. Trong khi đó, những tập đoàn lớn đầu tư hẳn dây chuyền trị giá gấp nhiều lần chúng tôi.

Thứ ba là lấy nỗ lực thắng tốc độ. Tôi đi sau nên nếu không nỗ lực, tăng tốc thì sẽ thua xa đối thủ. Đó là lý do tôi làm việc cật lực đến nửa đêm. Khi đầu tư dự án nào đó thì tôi có mặt ở địa phương đó hàng tháng trời để chỉ đạo mọi việc.

* Là người đứng đầu một doanh nghiệp nhưng sắp tới ông sẽ vào vai trò một “thí sinh” đại diện Việt Nam đi thi. Cảm giác của ông hiện thế nào?

Đây là diễn đàn thú vị, có những diễn giả, lãnh đạo các doanh nghiệp nổi tiếng tham dự. Đó cũng là cơ hội cho tôi lắng nghe những bộ óc thiên tài từ khắp nơi trên thế giờ, được học hỏi tư duy của những doanh nhân hàng đầu, cách thức điều phối một hội nghị mang tầm quốc tế… Do vậy, lần tham gia tranh luận này mang lại cho tôi cảm giác háo hức, mong chờ hơn cả.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here