Nội Dung Chính
Thị trường sữa Việt Nam có quy mô rất lớn và hiện tại các doanh nghiệp sữa Việt đang làm chủ sân nhà. Sau khi gia nhập TPP ngành sữa sẽ là một trong số ít ngành mà doanh nghiệp Việt có đủ khả năng cạnh tranh, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk) nhận định.
“Không thể co cụm”
Việc Việt Nam vào TPP mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với nhiều ngành sản xuất, kinh doanh trong nước trong đó, ngành sữa cũng được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn, áp lực khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hanoimilk cho biết, sau khi gia nhập TPP ngành sữa sẽ là một trong số ít ngành doanh nghiệp Việt có đủ khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
“Không thể chủ quan song với trình độ công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế và với tổng mức đầu tư của ngành sữa lên tới nhiều tỷ USD cho các nhà máy, trang trại, hệ thống phân phối, thương hiệu… như hiện nay, không thể có chuyện các doanh nghiệp sữa trong nước bị co cụm mà thậm chí còn lớn mạnh hơn trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, cuộc cạnh tranh chủ yếu diễn ra đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em với những sản phẩm khác như sữa tươi, sữa nước, sữa chua… doanh nghiệp sữa trong nước đang hoàn toàn làm chủ trên sân nhà. Đây cũng là các dòng sản phẩm chính mà Hanoimilk đang sản xuất.
“Không thể phủ nhận sữa của các hãng sữa ngoại nổi tiếng nhưng chúng tôi cạnh tranh bằng cách hợp tác cùng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia để nghiên cứu và cung cấp những hộp sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế và có thành phần dinh dưỡng, vi chất và khoáng chất phù hợp tối ưu với trẻ em Việt hơn sữa ngoại”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Ông Tuấn cũng lưu ý, do mức thu nhập bình quân ở nước ta chưa cao nên phần lớn các hãng sữa nước ngoài thường coi thị trường Việt Nam là phân khúc giá rẻ.
Vì vậy, sau khi trừ đi các chi phí vận chuyển, bảo quản, đặc biệt là quảng cáo và bán hàng… thì các hãng sữa ngoại cũng không còn nhiều chi phí để đầu tư vào chất lượng thực sự trong từng hộp sữa cho con bạn.
Ngoài ra, vị Chủ tịch HĐQT Hanoimilk cũng cho biết, doanh nghiệp trong nước sẵn sàng và chấp nhận cạnh tranh nhưng cho rằng hợp tác sẽ có lợi hơn cho cả doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp ngoại do cơ hội sẽ lớn hơn rất nhiều khi các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh về vốn, công nghệ kết hợp với doanh nghiệp trong nước có những lợi thế sân nhà như am hiểu thị trường, thương hiệu, hệ thống phân phối, cơ sở vật chất hạ tầng…
“Là cơ hội song không phải vì thế chúng ta ngồi chờ cơ hội sẽ đến, hơn lúc nào hết doanh nghiệp cần phải chủ động vào cuộc chiến đấu thực sự mới tận dụng và đón nhận TPP trong tâm thế được nhiều hơn mất”, ông Tuấn cho hay.
Giá sữa trong nước khó giảm
Trước băn khoăn của dư luận việc giá sữa liệu có được điều chỉnh giảm sau khi Việt Nam gia nhập TPP, ông Tuấn cho biết, thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu giảm từ 5% xuống 0% tuy nhiên do giá sữa nguyên liệu chiếm 20-25% giá thành sản xuất nên việc giảm thuế nhập khẩu chỉ giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 0,5%-1%.
“Trong khi đó, các chi phí sản xuất khác vẫn tăng nên giá sữa trong nước khó có thể giảm”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, việc điều chỉnh giá thu gom sữa tươi từ các hộ chăn nuôi có thể xảy ra nhưng đâu là câu chuyện khác không liên quan đến TPP.
“Hiện tại các công ty sữa đang cạnh tranh đẩy giá thu gom sữa tươi lên khá cao khoảng trên 14.500 đồng/lít. Dự báo trào lưu các doanh nghiệp sữa và các đại gia nhảy vào đầu tư trang trại với quy mô hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn con bò sữa sẽ làm nguồn cung sữa tươi có thể dư thừa trong ngắn hạn và sẽ làm giá thu gom sữa bị điều chỉnh giảm”, ông Tuấn phân tích thêm.