Chợ Tốt đã thực sự “tốt chợ”?

0
2475

Vào Việt Nam từ 2012, đến nay đã trải qua hành trình 5 năm, Chợ Tốt đang có thêm bước đi mới mới để đạt được mục tiêu mà các nhà đầu tư kỳ vọng.

Xác định rõ thương mại điện tử là cuộc chơi dài hạn, nhưng ông Bryan Teo, CEO của Chợ Tốt không mong phải mất tới 9 năm mới bắt đầu có lãi như câu chuyện của Amazon – trang thương mại điện tử thành công nhất thế giới.

Mô hình kinh doanh trọng điểm C2C

Với mô hình kinh doanh đã lựa chọn, việc duy trì và đứng vững trong thời gian qua ít nhất đã giúp Chợ Tốt làm được một điều, tạo ra một cái “Chợ Tốt” đúng nghĩa, nhiều người bán, nhiều người mua thường xuyên, đó mới là tiền đề để cuộc chơi thực sự trở nên sôi động. Giống như dân gian ta vẫn thường nói: “Tốt chợ hơn tốt lợn”.

Thực tế, tính đến cuối năm 2016, những con số mà Chợ Tốt cán qua đã ít nhiều khiến nhà đầu tư khá yên tâm với 1 tỷ lượt page view và theo một khảo sát về người mua trên trang, đã có 2,5 triệu lượt giao dịch thành công. Nửa đầu năm 2017, kết quả tăng trưởng của Chợ Tốt cũng khá khả quan với tốc độ tăng hơn 10%, lượt giao dịch mỗi tháng trung bình tăng hơn 20%.

Ông Bryan Teo nhấn mạnh, điểm khác biệt lớn nhất của Chợ Tốt trên thị trường hiện nay chính là mô hình tập trung vào C2C – Customer to Customer. Thực tế, hầu hết các trang thương mại điện tử, bao gồm cả các trang thương mại đối với đồ đã qua sử dụng, sau một thời gian vận hành thì đối tượng hướng đến thiên về những người bán hàng chuyên nghiệp để kiếm lợi nhuận. Trong khi đó, Chợ Tốt kiên trì với việc hướng đến người bán cá nhân. Theo đó, việc bán hàng của họ không hẳn hướng đến việc kiếm lời mà chủ yếu để thanh lý một món đồ, do vậy, giá cả trên Chợ Tốt thường tốt hơn hẳn. Định hướng này đã giúp Chợ Tốt có được lượng truy cập cao nhất trên thị trường hiện nay và dĩ nhiên, khi chợ đông đúc, người được hưởng lợi chính là cả người mua và người bán. “Người mua có được những sản phẩm họ ưa thích với giá hời, còn người bán, họ có cơ hội tiếp cận được nhiều người mua và việc bán hàng sẽ diễn ra nhanh chóng”, ông Bryan chia sẻ.

Việc tập trung vào mô hình C2C rõ ràng sẽ dễ mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng và nhanh chóng thu hút người tham gia. Tuy nhiên, cùng với đó, việc tìm kiếm doanh số đối với doanh nghiệp cũng mất nhiều thời gian hơn. Bởi, tất cả hoạt động đăng bài, giao dịch diễn ra trên Chợ Tốt hiện tại đều miễn phí. Tương tự như Facebook, số tiền Chợ Tốt thu lại được chủ yếu nằm ở những tính năng chuyên biệt thêm mà khách hàng cần phải trả tiền, ví như việc đẩy tin quảng cáo bán hàng lên vị trí đầu tiên. Với mô hình kinh doanh này, để có được doanh số tốt cần đến hai yếu tố: Thứ nhất, Chợ phải thực sự Tốt và thứ hai: Cần một hành trình dài. Vị CEO của Chợ Tốt khẳng định, cả hai yếu tố này đều là điều nằm trong tính toán của nhà đầu tư, trước đây là SPH, Schibsted và từ đầu tháng 3/2017 là Telenor. Điều đáng chú ý là một trong những nhà đầu tư ban đầu của Chợ Tốt là SPH, thông qua 701Search đã có rất nhiều kinh nghiệm điều hành các trang rao vặt trực tuyến, bao gồm: ImSold (Việt Nam và Malaysia), Mudad (Malaysia) và OneKyat (Myanmar).

Khi Chợ Tốt không chỉ “rao vặt”

Những trải nghiệm tại các những quốc gia Đông Nam Á khác là một lợi thế giúp Chợ Tốt có được kết quả phát triển như hiện tại, bởi với Việt Nam, theo ông Bryan Teo, đặc điểm thị trường và văn hóa tiêu dùng khá tương đồng với các quốc gia trong khu vực.

Điểm khác biệt (nếu có) của thị trường Việt Nam chính là số lượng người sử dụng xe máy rất lớn, với khoảng hơn 40 triệu xe. Điểm khác biệt này đã được Chợ Tốt nhanh chóng khai thác để biến thành cơ hội kinh doanh. Hiện nay, xe máy đang trở thành một sản phẩm thế mạnh của Chợ Tốt với hơn 50.000 tin đăng xe và thời gian để bán một chiếc xe trên Chợ Tốt diễn ra khá nhanh. Với một tin đăng đưa ra giá cả hợp lý, thời gian chốt được giao dịch trung bình chỉ sau khoảng 3 ngày. Theo lời của vị CEO này, đã có những chiếc xe cũ được trao cho người mua chỉ sau vài giờ rao bán. Không chỉ dừng lại ở xe máy, gần đây Chợ Tốt bắt đầu triển khai mạnh các nhóm sản phẩm có giá trị lớn như xe ô tô, bất động sản.

Đầu tháng 7/2017, doanh nghiệp này đã có một chiến dịch khá thu hút cộng đồng với một gian hàng trưng bày 22.000 chiếc xe chỉ với diện tích rộng hơn 40 m2, với việc thể hiện ẩn dụ qua các sản phẩm tiêu dùng quen thuộc hàng ngày. Việc ra đời các chuyên trang dành riêng cho những dòng sản phẩm thế mạnh như: xe, đồ điện tử, nhà cũng là một hướng đi mới của Chợ Tốt nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng. Với mỗi sản phẩm, nhu cầu tìm kiếm và đánh giá sản phẩm của người mua hàng sẽ đòi hỏi chi tiết, tỉ mỉ hơn, ông Bryan chia sẻ. Bên cạnh đó, Chợ Tốt cũng đang đầu tư công nghệ để mang đến một trải nghiệm đa thiết bị, trong đó bao gồm cả các thiết bị di động (chiếm 80% lượng truy cập) và máy tính để bàn. Việc cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng thông qua việc phân tích sâu hành vi người tiêu dùng và đưa ra cho họ những lời giới thiệu phù hợp cũng là hoạt động được Chợ Tốt chú trọng trong thời gian tới.

Là trang bán hàng C2C, nhưng với những sản phẩm có giá trị như ô tô, nhà thì rõ ràng trong thời gian tới cụm từ “rao vặt” sẽ không còn đúng với Chợ Tốt nữa. Tuy nhiên, hướng đi này cũng đặt ra một thách thức lớn cho Chợ Tốt trong việc thẩm định chất lượng sản phẩm và xây dựng niềm tin đối với người dùng.

Đề cập đến vấn đề này, ông Bryan phân tích: Ngay từ thời điểm đầu vào thị trường Việt Nam, Chợ Tốt đã xác định an toàn mua bán là vấn đề quan trọng. Để đảm bảo điều này, giải pháp của Chợ Tốt là xây dựng đội ngũ khoảng 100 người có nhiệm vụ kiểm duyệt tin đăng, cùng với đó là các hoạt động hướng dẫn người dùng về các mẹo, quy tắc mua bán an toàn. Những trường hợp tin đăng được phản ánh về chất lượng nhiều lần có thể bị cấm vĩnh viễn trên Chợ Tốt. Đây chính là những giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng của sản phẩm và nâng cao niềm tin của cộng đồng đối với việc mua bán trên môi trường online.

Tuy nhiên, để thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển và đạt được những kết quả đột phá như các quốc gia phát triển khác, vẫn còn rất nhiều bài toán cần sự chung sức giải quyết của tất cả các doanh nghiệp trên thị trường. Một trong số đó chính là xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử, bao gồm các hoạt động hậu cần, thanh toán trực tuyến…

“Một bạn sinh viên khi đang đi học, được bố mẹ mua cho một chiếc xe Wave, sau khi ra trường đi làm, bạn có nhu cầu đổi sang một chiếc xe đời cao hơn như AirBlade chẳng hạn, rồi sau khi lập gia đình, có con, bạn lại muốn mua một chiếc ô tô cho cả gia đình, có thể bạn không có nhiều tiền để đủ mua xe mới, vì vậy, bạn sẽ có xu hướng mua xe thanh lý. Sau khi đã mua xe, bạn sẽ làm gì với những chiếc xe cũ? Tất nhiên là bạn sẽ cần bán đi. Đó là hành trình tất yếu với đa phần người tiêu dùng, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam – nơi có dân số đông, thu nhập ngày càng tăng và mọi người luôn có nhu cầu nâng cấp các món đồ dùng cũng như thanh lý đồ cũ”. Đó là cách mô tả rất đơn giản và sinh động về tiềm năng thị trường Việt Nam của vị CEO Chợ Tốt. Tiềm năng này chính là lý do mà Chợ Tốt vẫn kiên trì với mô hình kinh doanh của mình trong suốt nhiều năm qua và dự kiến sẽ có nhiều bước đột phá trong thời gian tới, khi “chợ” đã ngày càng “tốt”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here