Nội Dung Chính
Với doanh số toàn cầu đạt 3 tỉ USD trong năm ngoái, Under Armour đã trở thành thương hiệu đồ thể thao lớn thứ 2 tại Mỹ. Điều này đặt ra một câu hỏi: những chiến dịch digital marketing đã đóng vai trò thế nào đối với sự thành công này?
Thành lập năm 1996, Under Armour là một thương hiệu trẻ trên thị trường đồ thể thao. Nhưng nhờ vào chiến lược marketing, Under Armour đã vượt qua Adidas để trở thành thương hiệu lớn thứ 2 về đồ thể thao tại Mỹ, và giờ đang nhăm nhe lật đổ Nike.
Hợp tác với hãng Droga5, Under Armour đã tạo ra một số chiến dịch đột phá, như series quảng cáo “I Will What I Want” (tạm dịch: Tôi sẽ làm điều mình muốn), đã đoạt giải Cyber Grand Prix tại Cannes Lions Festival hồi tháng 6 vừa qua.
Làm thế nào mà 1 thương hiệu trẻ khẳng định được vị trí qua những chiến dịch quảng cáo và marketing trong thị trường đồ thể thao vốn cạnh tranh rất gay gắt này?
Luôn tuân thủ khẩu hiệu “I Will”
Under Armour hiểu rất rõ thương hiệu của mình đại diện cho điều gì. Thương hiệu luôn kiên trì với khẩu hiệu “I Will” từ những ngày công ty khởi đầu trên thùng sau chiếc xe tải của nhà sáng lập Kevin Plank. Nhớ về sự khởi đầu khiêm tốn của mình, Under Armour luôn nỗ lực duy trì khẩu hiệu này: “I Will”, nghĩa là có quyết tâm bền bì và không sợ hãi khi đối mặt với những thách thức. Những gương mặt xuất hiện xuyên suốt những chiến dịch của Under Armour gồm có cầu thủ bóng rổ Stephen Curry, vũ công bale Misty Copeland, và ngôi sao sân golf Jordan Spieth.
“Under Armour chưa bao giờ gặp khó khăn trong việc khác biệt hóa bản thân với Nike. Thương hiệu xuất phát điểm từ 1 chiếc xe tải ở Baltimore như một kẻ yếu thế. Do đó, tinh thần thách thức là điều mà Under Armour luôn muốn duy trì,” Candice Chen, chiến lược gia cấp cao của Droga5 chia sẻ.
Ý tưởng “will” (Sức mạnh ý chí) đóng vai trò quan trọng trong sáng tạo quảng cáo của Under Armour. Ví dụ, những quảng cáo khắc họa đối tượng chủ yếu là phụ nữ “Women of Will”- có sự góp mặt của cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp Kelley O’Hara. Cô định nghĩa “sức mạnh ý chí” dựa trên khả năng đối phó với áp lực và chinh phục các mức độ khác nhau của nghịch cảnh mà các vận động viên nữ thường gặp phải.
Under Armour hiểu rất rõ thương hiệu của mình đại diện cho điều gì, thương hiệu luôn kiên trì với khẩu hiệu “I Will” từ những ngày công ty khởi đầu.
Chiến dịch gần đây của Under Armour Rule Yourself mô tả “sức mạnh ý chí” như một khả năng có thể duy trì sự bền bỉ và tính kỷ luật trong thời gian đào tạo.
Và trong chiến dịch mới “Slay Your Challenge”, “sức mạnh ý chí” là cái cách chúng ta chinh phục những thử thách tiếp theo.
“Under Armour hiểu sứ mệnh thương hiệu của mình và từ đó tạo ra khẩu hiệu ‘I Will’. Là một đối tác kinh doanh, chúng tôi muốn giúp công chúng hình dung ra “sức mạnh ý chí” cụ thể là như thế nào,” Chen giải thích.
Từ kẻ yếu thế tới nhà vô địch
Under Armour và Nike có rất nhiều điểm tương đồng: 2 thương hiệu đều thiết kế và phát triển hàng may mặc cao cấp trong lĩnh vực thể thao, và cả 2 đều có những đột phá trong việc tận dụng những nguồn tài trợ từ những vận động viên chuyên nghiệp để thúc đẩy doanh số.
Tuy nhiên, cách tiếp cận marketing của 2 công ty này hoàn toàn khác nhau:
- Under Armour hành động từ xuất phát điểm là 1 kẻ yếu thế trong khi Nike như một vị vua hùng mạnh.
- Under Armour rất tập trung vào những vận động viên chuyên nghiệp trong khi Nike phổ biến hóa lĩnh vực thể dục thể thao.
- Under Armour muốn bạn chứng minh người khác sai, trong khi Nike muốn bạn chứng minh bản thân mình đúng.
“Thật thú vị khi chứng kiến 2 thương hiệu trong cùng một lĩnh vực lựa chọn 2 cách tiếp cận khác nhau cho cùng một câu hỏi. Nike là một thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường, trong khi Under Armour có một khởi đầu khiêm nhường và bắt đầu quảng bá với những động lực từ bên ngoài,” Stephen Boidock, giám đốc truyền thông xã hội tại Drumroll cho biết.
Khác biệt này có thể thấy rõ qua 2 chiến dịch gần đây với đối tượng nhắm tới là phụ nữ. Chiến dịch “I Will What I Want” của Under Armour tạo hiệu ứng tốt khi khắc họa câu chuyện của Misty Copeland – vũ ông người Mỹ gốc Phi đầu tiên được múa chính trong nhà hát bale tại Mỹ.
Video bắt đầu bằng việc đọc lá thư từ chối từ học viện múa gửi tới một ứng viên 13 tuổi, có lẽ chính là Misty trong quá khứ. Lá thư đưa ra những lý do cho việc từ chối này: “Bạn không có 1 cơ thể thích hợp với múa bale,” Copeland với những cú xoay điêu luyện và thanh lịch đã chứng tỏ rằng sức mạnh bên trong có thể thắng được định kiến của người khác
Thông điệp truyền cảm hứng trong quảng cáo của Copeland và một số những vận động viên khác trong chiến dịch “I Will What I Want” – nữ vô địch thế giới trượt tuyết Lindsey Vonn – cho thấy rằng chỉ cần đủ quyết tâm, kẻ yếu thế có thể trở thành nhà vô địch.
Ai cũng có thể hiểu cảm giác thất bại k có ai đó nói với bạn rằng ước mơ của bạn là vô vọng, nhưng khả năng của những vận đồng viên này trong việc khám phá ra sức mạnh để chiến thắng nghịch cảnh là vô cùng tuyệt vời và truyền cảm hứng tới nhiều người. Ngay cả những người vốn không phải khách hàng mục tiêu của Under Armour vẫn có thể cảm nhận được sự kết nối về mặt cảm xúc với những nội dung trong quảng cáo này.
Thông điệp truyền cảm hứng trong chiến dịch “I Will What I Want” cho thấy rằng chỉ cần đủ quyết tâm, kẻ yếu thế có thể trở thành nhà vô địch.
Bằng cách đưa ra những khiếm khuyết của những nữ vận động viên hàng đầu, Under Armour đi chung con đường với những chiến dịch nổi tiếng như“Choose Beauty” của Dove, “Like a Girl” của Always với mục đích phá vỡ những khuôn mẫu trong xã hội.
So với Under Armour, Nike ít tập trung vào người nổi tiếng hơn và tin rằng, “Chỉ cần bạn có 1 cơ thể, bạn là 1 vận động viên.” Được tung ra vào tháng 4 năm nay, chiến dịch lớn nhất của Nike cho phụ nữ, “Better for It”, khuyến khích phụ nữ đánh bại những bất an bên trong bằng 1 thái độ “tôi có thể”. Như những chiến dịch khác của Nike, quảng cáo này góp phần phổ biến hóa thể dục thể thao qua việc thể hiện mỗi người đều có nỗ lực thể thao bên trong mình, thay vì sử dụng những vận động viên nổi tiếng.
“Nike phát triển mạnh dưới thời Michael Jordan là đại sứ cho thương hiệu. Nhưng hiện nay, Nike đang ở vị trí để trở nên tham vọng và sáng tạo hơn, trong khi Under Armour vẫn đang cố gắng chiếm lĩnh thị trường và khẳng định tên tuổi, do đó thương hiệu cần tiếng nói của người nổi tiếng,” Boidock nói.
Đo lường thành công xã hội bằng mục tiêu
Về kênh chiến lược, cả Under Armour và Nike đang thúc đẩy truyền thông xã hội. So sánh với Nike, Under Armour có lượng fan trên mạng xã hội ít hơn và cũng kém chăm chỉ cập nhật trên Twitter và Instagram hơn.
Theo như Chen, Under Armour không đo lường thành công trên truyền thông xã hội bằng lượng fan trên Instagram, Pinterest, hay Facebook. Thay vào đó, công ty tập trung hơn vào việc vạch ra những mục tiêu của mình và sau đó quyết định kênh truyền thông nào sẽ sử dụng để đạt được điều đó.
Trong khi Nike đa dạng lựa chọn trong sản phẩm hơn, quảng bá cho sản phẩm của hãng chính là mục tiêu xã hội, Under Armour lại hướng đến thay đổi nhận thức về thương hiệu trước khi người tiêu dùng mua sản phẩm. Do đó, hãng thường post những trích dẫn, hình ảnh nhằm truyền cảm hứng từ những tên tuổi có ảnh hưởng trong lĩnh vực thể thao nhằm nâng cao nhận thức thương hiệu.
“Truyền thông xã hội không chỉ là nơi để thương hiệu của bạn nói về mình, mà còn cần chia sẻ của những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực đó. Bạn có thể sử dụng những tuyên ngôn và triết lý này để khiến thương hiệu trở nên quyền lực hơn,” Chen cho biết.
Tại thời điểm này, Under Armour chưa tạo dựng được nhận thức và truyền thống thương hiệu như cái mà Nike đang sở hữu, nhưng công ty đang đi đúng hướng. Những chiến lược quan trọng nhất có thể học được từ Under Armour là:
- Sứ mệnh thương hiệu phải rõ ràng.
- Mặc dù định hướng khách hàng mục tiêu luôn là ưu tiên, việc tạo ra những trải nghiệm và cảm xúc nhân văn thu hút người xem trên toàn cầu sẽ kéo theo nhiều tiềm năng hơn để mở rộng mạng lưới khách hàng.
- Dù chiến lược kênh của bạn có thế nào, đừng e ngại mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thực sự chứ không chỉ đơn thuần là kêu gọi họ hành động.