Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển bậc nhất châu Á. Một nền kinh tế mạnh với nhiều thương hiệu được cả thế giới biết đến như Samsung, Lotte, LG,..
Mặc dù vậy, xã hội Hàn Quốc đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng: Áp lực từ cuộc sống khiến số người người tự tử ngày một tăng cao. Trung bình 43 người Hàn Quốc tự tử mỗi ngày. Đây là tỉ lệ cao nhất trong nhóm các nước thuộc OECD.
Cách tự tử phổ biến nhất được người Hàn Quốc ưa dùng đó là nhảy cầu. Cầu Mapo, con cầu bắc qua sông Hàn nối với thành phố Seoul trở thành địa điểm quen thuộc cho người chán đời. Có 2 lý do chính giải thích điều này. Một phần vì Mapo là cây cầu đi bộ, một phần nữa là nó nằm gần trung tâm tài chính của thành phố, rất tiện lợi cho những doanh nhân vừa tan tành sự nghiệp.
Thống kê cho thấy trong vòng 5 năm, từ 2008 – 2012, đã có tổng cộng 108 người nhảy xuống từ cầu Mapo tự vẫn. Điều này khiến cầu Mapo trở thành một địa điểm đáng sợ với biệt danh “cây cầu của cái chết”.
Bảo hiểm nhân thọ Samsung, công ty con của tập đoàn Samsung đã tung ra một chiến dịch quảng cáo hòng biến cây cầu Mapo từ cây cầu của cái chết trở thành cây cầu của sự sống.
Ý tưởng của bảo hiểm Samsung là làm sao để cho mọi người ngừng việc tự tử trên cầu Mapo, tuy nhiên không phải là lắp thêm rào chắn. Điều họ cần làm là phải biến cây cầu trở thành nơi đem lại hy vọng. Để làm được điều này, hãng bảo hiểm này đã thiết kế những bộ cảm biến gắn với đèn LED được đặt trên thành cầu, có khả năng cảm nhận chuyển động của con người khi đi trên cầu. Khi có người đi qua, những bóng đèn trên thành cầu sẽ bật sáng.
Không chỉ phát sáng, trên bóng đèn sẽ kèm theo những thông điệp ngắn như “Những điều tốt đẹp nhất chưa đến”, hay “Bạn muốn người khác sẽ nhớ về mình như thế nào?”. Hoặc đó có thể là những câu hỏi ân cần, những thông điệp tốt đẹp hay thậm chí cả những lời đùa vui nho nhỏ như “Cuộc sống của bạn thế nào? Bạn ăn gì chưa? Nếu bạn cần nói chuyện, tại sao bạn không nói chuyện với chúng tôi?”
Những thông điệp này được Samsung thu thập từ những lời tư vấn của các chuyên gia tâm lý học và các nhà hoạt động ngăn chặn hành vi tự tử. Mỗi câu hỏi tương ứng với một con số trong đường dây nóng liên quan đến vấn đề tự tử.
Chiến dịch của bảo hiểm nhân thọ Samsung đã phá bỏ quan niệm cố hữu trong đầu mọi người là các tổ chức tài chính và bảo hiểm rặt một lũ tham lam vô cảm.
Cây cầu đã dùng 2200 chiếc đèn LED để trải theo chiều dài thành cầu dài 2,2km. Mất 1 năm 6 tháng để để hoàn thành sản phẩm này, từ việc thiết kế ý tưởng, lời thoại cho tới việc lắp đặt đèn, bộ phận cảm biến,…
Ngoài ra, cây cầu còn có “Khu hình ảnh” với những bức ảnh trẻ em đang cười, những cặp đôi hạnh phúc hay cặp vợ chồng già, cùng với bức tượng 2 người bạn bằng đồng có tên gọi “Chỉ một lần nữa”.
Chiến dịch của Samsung nhanh chóng thu về kết quả khả quan. Thống kê cho thấy, tỉ lệ tự sát trên cầu Mapo đã giảm 77%. Trong vòng 1 năm kể từ chiến dịch chính thức phát đông, có tổng cộng 177 bài viết được đăng tải trên báo chí và truyền hình, chiến dịch được hàng triệu người Hàn Quốc biết đến và nhận được phản hồi tích cực từ phía truyền thông, nhà cầm quyền và đặc biệt là người dân. Có 11.000 đăng tải trên truyền thông xã hội, trong đó 92% là những đánh giá tích cực.
Bảo hiểm nhân thọ Samsung đã phá bỏ quan niệm cố hữu trong đầu mọi người là các tổ chức tài chính và bảo hiểm là một lũ tham lam vô cảm. Thay vì chọn những chiến dịch quảng cáo ngắn hạn, những TVC cuộc sống tươi đẹp nhàm chán vô nghĩa, chiến dịch của bảo hiểm Samsung đã thành công xuất sắc trong việc khơi gợi cảm xúc tốt đẹp của người dân Hàn Quốc.
Thông qua cây cầu Mapo, Bảo hiểm nhân thọ Samsung truyền tải thông điệp: “Samsung Life bảo vệ cuộc sống của bạn”. Là một chiến dịch tiếp thị điển hình trong việc “san sẻ hạnh phúc”, hãng bảo hiểm Hàn Quốc không chỉ coi cây cầu như một “kênh” để quảng bá cho thương hiệc của mình mà còn đóng đinh thương hiệu của mình lên đó. Ở đó, người dân Hàn Quốc trông thấy hãng bảo hiểm nhân thọ Samsung đang cố gắng bảo vệ cuộc sống của mình một cách thiết thực như thế nào.