Nội Dung Chính
Tương lai bắt đầu từ hôm nay và cả hôm qua”, ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, nhấn mạnh như thế trong chuỗi sự kiện “MBA Talk – Chân dung nhà lãnh đạo tương lai” do Viện Đào tạo Quốc tế – Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức mới đây.
Để vẽ được bức tranh “chân dung nhà lãnh đạo tương lai”, theo ông Trí, cần phải rèn luyện, tích lũy và sống với những đam mê ngay từ bây giờ. Và đó là điều ông đã làm từ 20 năm trước.
Bẩm sinh hay tôi luyện?
Rèn giũa để phát huy tối đa thế mạnh bẩm sinh đã giúp Vũ Minh Trí trở nên nổi bật. Trong đó, điều kiện tiên quyết là “đi theo tiếng gọi của trái tim”, tức làm việc gì mình thấy hứng thú và có sở trường.
Sau khi tốt nghiệp kỹ sư hóa dầu Đại học Bách khoa TP.HCM, ông được tuyển thẳng vào làm tại một phòng thí nghiệm của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. “Làm phòng thí nghiệm là công việc ao ước của nhiều người, nhưng sau một thời gian, tôi thấy máy móc thiết bị và các ống nghiệm không đủ hấp dẫn mình. Tôi không thích 1+1 = 2 mà thích 1+1 = 11”, ông nhớ lại.
Trong khoảng thời gian này, ông đã đọc được quyển sách “Career Anchor”, giúp ông nhận ra tố chất của mình phù hợp với công việc nào. Đó là làm việc với con người. Thế là ông mạnh dạn đổi sang nghề khác, dù đang có công việc ổn định tại công ty lớn ở Việt Nam.
Với quan điểm biết càng nhiều theo chiều rộng càng tốt, ông Trí đã kinh qua đủ vị trí như kinh doanh, nhân sự, marketing, truyền thông…. ở nhiều công ty khác nhau. Và như cá gặp nước, khả năng bẩm sinh thiên về quản lý con người của ông đã “có đất dụng võ”. Nhờ vậy, ông đã đạt được những thành tích nổi bật trong nhiều năm qua với vai trò Tổng Giám đốc các công ty nổi tiếng như Sony Ericsson Việt Nam, Yahoo Việt Nam, Qualcomm (phụ trách Đông Dương và Thái Lan) và hiện nay là Microsoft Việt Nam.
Việc luôn trăn trở, suy nghĩ về nghề nghiệp của mình và mạnh dạn thay đổi khi thấy cần thiết được ông Lê Trí Thông, Phó Tổng Giám đốc hãng tư vấn The Boston Consulting Group, đánh giá là một trong những tố chất quan trọng của người lãnh đạo. Bởi lẽ, người đứng đầu doanh nghiệp phải thường xuyên đưa ra các quyết định khó khăn và có ảnh hưởng lớn; nếu họ không dám thay đổi thì có thể sẽ khiến doanh nghiệp đi thụt lùi, thậm chí phá sản.
Dĩ nhiên, không có nhà lãnh đạo nào chỉ dựa vào khả năng thiên phú mà cần có sự tôi luyện, rèn giũa và tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm. Đó là điều mà cả ông Trí lẫn ông Thông đã làm không mệt mỏi suốt 20 năm qua.
Không có nhà lãnh đạo nào chỉ dựa vào khả năng thiên phú mà cần có sự tôi luyện, rèn giũa và tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm.
Động lực chính thúc đẩy ông Thông làm việc hăng say là khát khao đạt đến những cột mốc mới trong cuộc sống. Theo ông, khát khao là tế bào gốc, từ đó sản sinh ra những tế bào khác để phát triển theo thời gian. Khát khao cũng giúp ông bền bĩ đối mặt với thách thức. Nhờ vậy, Lê Trí Thông đã đạt được nhiều thành tích lớn khi còn rất trẻ. Nổi bật nhất phải nhắc đến dấu ấn của ông tại Ngân hàng Đông Á với vai trò Phó Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch Công ty Kiều hối Đông Á.
Sau gần 3 năm tái cấu trúc lại hệ thống quản lý ở Công ty Kiều hối Đông Á và trực tiếp hướng dẫn nhân viên các làm việc mới, doanh thu của Công ty đạt hơn 1,2 tỉ USD, lợi nhuận tăng trưởng hơn 2,5 lần và là tổ chức duy nhất ở châu Á được giải thưởng của Hiệp hội các mạng lưới chuyển tiền quốc tế. Ông Thông và cộng sự cũng đã mất 2 năm để có thể tạo ra được chiếc máy ATM nhả vàng “made in Vietnam” đầu tiên.
Những thành tích của ông có lẽ là lý do ông Trần Phương Bình, Chủ tịch Ngân hàng Đông Á, đưa vào “quy hoạch” đào tạo làm CEO ngân hàng này. “Mỗi tháng, tôi thường ngồi với Thông để chia sẻ kinh nghiệm của mình. Nhưng vài năm nữa thôi, với năng lực được đào tạo bài bản như anh Thông, có lẽ tôi sẽ phải học anh lại”, ông Bình chia sẻ với chúng tôi.
Trong khi đó, Vũ Minh Trí lại dùng “đòn bẩy” để đi đến thành công. Đó là đòn bẩy từ tình yêu gia đình, đòn bẩy từ sự tôn trọng của xã hội… Bên cạnh niềm đam mê, chính sự kỳ vọng của những người xung quanh đã khiến cho ông Trí làm việc gấp đôi, gấp ba người bình thường. Mỗi lần chuyển sang làm CEO ở một công ty mới, ông lại càng phải nỗ lực hơn để đảm bảo sự thành công của các công ty mà ông lãnh đạo.
“Các công ty mà tôi đã kinh qua như những chiếc xe đắt tiền nên sẽ không ai giao cho tài xế đã từng tông xe nhiều lần và bị bấm lỗ trên bằng lái. Vì thế, tôi phải làm tốt để tấm bằng của tôi không có tì vết nào”, ông giải thích bằng một ví dụ sinh động. Kết quả, tại Sony Ericsson Việt Nam, sau năm đầu ông Trí tiếp quản, Công ty bán được hơn 500.000 điện thoại, tăng gấp 100 lần so với trước đó và tiếp tục tăng lên 1 triệu chiếc trong năm thứ hai.
Người đứng mũi chịu sào
Để làm tốt vai trò, cả ông Trí lẫn ông Thông đều cho rằng người lãnh đạo không chỉ là người có năng lực, tầm nhìn, say mê với công việc mà cần phải có tinh thần trách nhiệm cao. Tinh thần trách nhiệm đó thể hiện ngay từ việc họ quyết định nhận một đề xuất về công việc.
Chẳng hạn, khi đứng trước chọn lựa giữa một công ty đang hoạt động ổn định và một công ty trong tình thế nguy hiểm, cả hai đều phân tích rất kỹ trước khi đưa ra quyết định. Hai ông đều cho rằng nhận quản lý một công ty đang khủng hoảng có những cái hay riêng và đó là cơ hội cho họ áp dụng những kinh nghiệm, kiến thức để xử lý tình huống thực tế. Tuy nhiên, hai ông nhấn mạnh rằng cần phải có trách nhiệm với “đám lửa” mình nhận, tức phải đánh giá tình hình và xem mình có đủ khả năng “dập tắt lửa” hay không thì mới nhận.
Ông Trí luôn áp dụng nguyên tắc này trước khi bước chân vào Sony Ericsson Việt Nam hay Yahoo Việt Nam. Ví dụ như ông sẽ đóng vai trò một người bên ngoài để nhìn nhận tại sao công ty này gặp khó khăn, thị trường hiện nay ra sao, sản phẩm, dịch vụ nào của công ty có thế mạnh, marketing và khuyến mãi như thế nào… trước khi ngồi lại cùng công ty đó để giải quyết tình hình.
Lãnh đạo không chỉ là người có năng lực, tầm nhìn, say mê với công việc mà cần phải có tinh thần trách nhiệm cao.
Không chỉ có trách nhiệm khi nhận việc ban đầu, vị trí lãnh đạo chính là người đứng mũi chịu sào trong mọi kết quả của doanh nghiệp. Họ là người chịu trách nhiệm thúc đẩy các bộ phận trong công ty vận hành sao cho trơn tru nhất. Và do đó, “người lãnh đạo phải là người biết lo lắng và quan tâm đến người khác. Bạn sẽ phải dành khoảng 50% thời gian để giải quyết các vấn đề liên quan đến cấp dưới”, ông Trí nói.
Khi quản lý nhân sự, cũng có không ít thách thức mà người lãnh đạo phải vượt qua. Đối với cả ông Trí lẫn ông Thông, khó khăn nhất là phải đưa ra quyết định cho một nhân viên nào đó thôi việc khi không còn phù hợp với công ty. Cả hai vượt qua thách thức này bằng cách thay vì chấm dứt hợp đồng với nhân viên như trước, họ sẽ sắp xếp sang các bộ phận phù hợp hơn nếu người đó có năng lực phù hợp và lòng nhiệt tình.
Ngoài ra, ông Thông cho rằng “chiếc ghế” lãnh đạo cũng có rất nhiều áp lực. “Ngồi trên cao sẽ có nhiều gió, lạnh và cô đơn”, ông bộc bạch. Đó là chưa kể trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, môi trường làm việc đa văn hóa sẽ khiến tình hình càng phức tạp hơn. Do vậy, nhà lãnh đạo sẽ phải vững vàng để cân bằng nhiều lợi ích khác nhau và có thể phát huy tối đa nội lực của đội ngũ do mình quản lý.