Chân dung người kế nhiệm nữ đại tướng tại DHG

0
701

Việc bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang rời vị trí đương nhiệm, chuyển sang làm Tổng Giám đốc làm dấy lên nghi ngờ về một cuộc chuyển giao quyền lực.

Đó là một suy đoán có cơ sở, bởi thông thường, đối với một “đại công thần” như bà Nga, giảm cấp là chuyện hy hữu. Trao đổi với Doanh Nhân, bà Nga cũng thừa nhận, việc bà quay về vai trò Tổng Giám đốc là để chuẩn bị cho quá trình chuyển giao – kế thừa một cách chắc chắn và hiệu quả.

Dấu ấn bông hồng thép

Trong bất cứ cuộc chuyển giao nào, thành công của người tiền nhiệm luôn tạo ra áp lực nhất định đối với người tiếp nhận quyền lực. Trường hợp ở Dược Hậu Giang cũng vậy. Trong suốt thời gian chừng 30 năm gắn bó, bà Nga đã tạo nên những thành công đáng gọi là kì tích. Là một phụ nữ miền Tây hồn hậu và chân chất, bà Nga gia nhập Dược Hậu Giang năm 1986, khi mới là một dược sĩ và gần như chưa biết gì đến khái niệm quản lý. Thời gian đầu ở vị trí lãnh đạo, bà cũng gặp không ít thất bại và từng viết đơn… xin từ chức! Nhưng rồi sau đó, bằng tâm thế không chịu đầu hàng, bà cần mẫn theo học các lớp về quản lý rồi lấy bằng Tiến sĩ kinh tế. Từ đó, bà khéo léo tập hợp và gắn kết nhiều công ty nhỏ đang đứng trước bờ vực phá sản thành một công ty với qui mô và thị phần đứng đầu thị trường như hiện nay.

Năm 2005, DHG lên sàn. Công ty dưới thời bà lãnh đạo đã có những bước tiến ngoạn mục. Tăng trưởng doanh thu bình quân của công ty giai đoạn 2010-2013 đạt gần 22% mỗi năm. Trong số 300 dược phẩm hiện có, Dược Hậu Giang đã bào chế thành công nhiều loại dược phẩm có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu mà giá chỉ bằng một nửa. Từ một công ty dược tận miền Tây Nam bộ ít người biết đến, DHG nay đã có mặt tại tất cả 64 tỉnh thành với 9 công ty phân phối, 28 chi nhánh và 67 nhà thuốc, quầy thuốc tại các bệnh viện. Nhờ mạng lưới phủ rộng này mà công ty có tới hơn 20.000 khách hàng, trong đó hơn nửa là khách hàng thân thiết.

Thành công của DHG trong việc thu hút khách hàng không chỉ bắt nguồn từ chuyện “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” mà còn nhờ cái tâm của người đứng đầu. Hầu như lúc nào nói tới thành công, “bông hồng thép” đều không quên nhắc tới anh em nhân viên. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức cạnh tranh ngành so với nước ngoài còn yếu, bà Nga chú trọng vào yếu tố “nhân hòa”. Bà luôn quan tâm và tạo điều kiện cho anh em phát huy khả năng. “Sự thành công của Dược Hậu Giang là do trí tuệ và công sức của tập thể”, bà luôn khẳng định như vậy.

Thành công của DHG trong việc thu hút khách hàng không chỉ bắt nguồn từ chuyện “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” mà còn nhờ cái tâm của người đứng đầu.

Nói về bà Nga, giám đốc một quỹ đầu tư tại TP.HCM nói: “Bà Nga cũng như vài nữ lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam thường tìm kiếm sự đồng thuận của các cổ đông thay vì tự mình quyết các chiến lược. Họ giỏi tạo ra một môi trường gia đình để mọi người cảm thấy mình là một phần trong đó. Họ thu hút được sự trung thành cao”.

Mấu chốt là có cùng quan điểm

Khi bà Nga về hưu và cuộc chuyển giao quyền lực được tiến hành chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Khi dấu ấn thành công của bà tại DHG là không nhỏ thì tìm đâu ra người có đủ sức thay thế vị nữ tướng từng được Tạp chí Forbes vinh danh này? Theo quan điểm của bà Nga: “Có lẽ Tổng Giám đốc DHG cũng không phải tìm ở đâu xa, hãy tìm những con người như thế ngay trong DHG”.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Đầu tư Công ty Chứng khoán Maritime Bank cho rằng, việc DHG cần làm bây giờ không phải là tìm một người giỏi như bà Nga mà là một người có thể tiếp tục thực hiện quan điểm và chí hướng của người tiền nhiệm. “Nếu không cùng quan điểm kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp có thể bị xáo trộn, ảnh hưởng đến kết quả chung”, ông Khánh nhận xét.

Theo ông Robert Trần, Giám đốc Công ty Tư vấn Chiến lược Robenny, thật ra rất khó để nói người nào sẽ “giỏi” hơn người nào, bởi lẽ mỗi người đều có thế mạnh riêng. “Mỗi giai đoạn phát triển có một ưu tiên khác nhau, như đẩy mạnh bán hàng hay huy động vốn… doanh nghiệp cần một người lãnh đạo có sở trường khác nhau”, ông nói.

Hiện DHG đã thống trị thị trường trong nước. Nhiệm vụ tiếp theo không chỉ là mở rộng ra ra thị trường quốc tế mà còn phải đối phó với áp lực cạnh tranh từ các hãng dược nước ngoài khi thị trường mở cửa hoàn toàn trong thời gian tới. Với Hiệp định AFTA (kể từ năm 2015) và với WTO (kể từ năm 2017), các doanh nghiệp châu Á, châu Âu và Mỹ sẽ tham gia thị trường dược phẩm Việt Nam với mức thuế suất bằng 0. Bà Nga cho rằng, đây là quan ngại lớn nhất của DHG hiện giờ. Gánh nặng này đang chờ vị tổng giám đốc sắp tới!

Trong bối cảnh đó, giữ vững ngôi vương ngành dược cho DHG là chuyện không hề dễ dàng. Nhất là trong quý 1/2014 vừa qua, kết quả kinh doanh của DHG có dấu hiệu chững lại. Doanh thu quý này của DHG đã giảm 6% so với cùng kì, còn lợi nhuận gần như không tăng trưởng. Trong khi đó, nhiều khoản chi phí gia tăng, nhất là chi phí tài chính tăng mạnh: lên tới 15 tỷ đồng trong khi cùng kì năm trước và trung bình các quý liền trước chỉ chưa đến 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo bà Nga, chiến lược kinh doanh và phát triển của DHG được hình thành từ kiến nghị của đội ngũ cấp trung và nhân viên; sau đó được Ban Điều hành và Hội đồng Quản trị điều chỉnh, quyết định.

“Vì vậy, cho dù có thay đổi tổng giám đốc, phương pháp xây dựng và phát triển chiến lược này sẽ giúp DHG tiếp tục giữ vững vị thế”, bà Nga khẳng định.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here