Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 9/10, CEO Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho biết hướng đi của chuỗi bán lẻ Bách hóa Xanh không phải là tạo ra khác biệt bằng cách xây dựng vùng nguyên liệu, mở nhà máy sản xuất hay đầu tư xây dựng trung tâm phân phối lớn mà chỉ là chuỗi bán lẻ thông thường hướng đến mục tiêu cung cấp cho khách hàng dịch vụ “Mua nhanh, Mua rẻ”.
Hiện chuỗi bán lẻ Bách hóa Xanh đang trong quá trình chạy thử nghiệm nên Thế Giới Di Động chỉ mở từ 30 – 50 cửa hàng trong thời gian 12 – 18 tháng tới. Nếu thử nghiệm thành công thì từ năm 2017, chuỗi này sẽ được mở đại trà trong cả nước với số lượng có thể là hàng ngàn shop.
Trong quá trình thử nghiệm nếu có điểm nào chưa phù hợp thì concept này có thể được thay đổi, thậm chí hủy bỏ và chi phí đầu tư ban đầu mà Thế Giới Di Động bỏ ra cho mô hình này vào khoảng 50 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đức Tài cho biết, các shop Bách hóa Xanh sẽ không mở trên đường trục đường thương mại mà chủ yếu ở đường nhỏ, hẻm, gần khu dân cư nhằm thay thế một phần vai trò chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa. Lợi thế của Bách hóa Xanh là sẽ có lượng hàng hóa phong phú và giá bảo đảm rẻ hơn ở chợ hay cửa hàng tạp hóa truyền thống.
Đến nay một số cửa hàng Bách hóa Xanh đã được xây dựng xong nhưng chỉ phục vụ cho khách hàng nội bộ, dự kiến đến tháng 11/2015 mới bắt đầu phục vụ đại chúng.
Diện tích một cửa hàng khoảng 150 – 400 m2, hàng hóa bán giống như trong siêu thị nhưng chủ yếu tập trung vào hàng nhu yếu phẩm như thực phẩm tươi sống, rau củ quả, gia vị, … và dự kiến có khoảng 2.000 mặt hàng. Các cửa hàng này sẽ hoạt động từ 6h sáng đến 9 – 10h tối, được ứng dụng hệ thống quản lý tự động hóa và dự kiến không có lắp đặt máy lạnh.
“Lý do không có máy lạnh vì chúng tôi mong muốn khi mua hàng ở đây, khách hàng chỉ mất từ 5 – 10 phút cho 1 lần mua hàng. Mức giá hàng hóa ở Bách hóa Xanh sẽ gần tương đương như siêu thị, ví dụ giá 1 chai nước khoáng Aquafina vào khoảng 3.500 đồng, lợi nhuận khoảng 11% so với giá mua sỉ.
Chuỗi Bách hóa Xanh sẽ sử dụng nguồn cung ứng hàng hóa tương tự như Coop Food, Satra Food hay Fivi Mart… nên cơ bản đảm bảo yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng”, ông Tài nói.
Theo ông Nguyễn Đức Tài, mô hình mà Bách hóa Xanh được ông xây dựng sau khi đi tham quan học hỏi chuỗi bán lẻ Anfa Mart của Indonesia. Đến thời điểm này, Thế giới Di Động đang tự mình xây dựng nên concept của Bách hóa Xanh, chưa nhờ tư vấn hay hợp tác với đối tác nước ngoài nào.
“Đối thủ của Bách hóa Xanh không phải là các chuỗi bán lẻ hiện đại như Coop Mart, Fivi Mart, Citi Mart hay VinMart và cửa hàng tiện lợi như Cirle K, B’s Mart hay Shop & Go mà chúng tôi hướng đến 80% thị phần bán lẻ Việt Nam vẫn nằm ở các chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa”, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.