Giám đốc điều hành (CEO) Hotdeal Nguyễn Thành Vạn An cho rằng thương vụ Alibaba chi 1 tỷ USD mua Lazada tạo áp lực khiến các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam phải tính toán bổ sung nguồn lực để cạnh tranh và tồn tại.
Trao đổi mới phóng viên về việc Alibaba mua Lazada (doanh nghiệp đang chiếm thị phần về doanh thu thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam), ông Nguyễn Thành Vạn An cho rằng thương vụ này tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước.
“Với môi trường kinh doanh hiện tại, không doanh nghiệp nội địa nào nghĩ mình có đủ tài nguyên, năng lực để cạnh tranh trực diện với Lazada. Giờ Alibaba lại bổ sung thêm tài nguyên cho Lazada hoạt động mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam cũng như thị trường Đông Nam Á. Các doanh nghiệp trong nước cần phải sớm bổ sung tài nguyên để cạnh tranh. Trong khoảng 5 năm nữa, nếu muốn tồn tại, mỗi doanh nghiệp cần có một ngách thị phần nào đó để phục vụ khách hàng”, CEO Hotdeal phân tích.
Cũng theo CEO Hotdeal, mặc dù đã có các lợi thế bản địa như hiểu biết về văn hóa, thói quen người tiêu dùng, chi phí nhân lực thấp, nhưng muốn cạnh tranh sòng phẳng được trong môi trường hội nhập quốc tế thì các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam phải tính toán bổ sung nguồn lực về tài chính, con người, cũng như trang bị thêm các kinh nghiệm quốc tế.
“Việc đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn lớn vào Việt Nam thời gian gần đây báo hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi chính mình, phải nhanh lên, phải hoạt động một cách mạnh mẽ hơn, minh bạch hơn trong môi trường phát triển nhanh chóng về thương mại điện tử cũng như thói quen của người tiêu dùng. Phải chuẩn bị tốt hơn để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, của thị trường”, ông Nguyễn Thành Vạn An nói.
Khẳng định mình không có cảm giác bị mất ngủ khi biết thông tin về thương vụ Alibaba “thâu tóm” Lazada như một số lãnh đạo doanh nghiệp thương mại điện tử khác, ông Nguyễn Thành Vạn An cho biết: “Tôi chỉ nghĩ rằng trước thương vụ này, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam phải sớm tăng cường nguồn lực của mình về tài chính, phải được bổ sung tài nguyên từ các nhà đầu tư quốc tế, trong nước. Bởi một trong những xu hướng sắp tới của các doanh nghiệp thương mại điện tử là xu hướng liên kết, mua bán sáp nhập (M&A) sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn”.
“Cạnh tranh ngày càng lớn thì càng thúc đẩy các doanh nghiệp phải hợp tác với nhau hơn M&A sẽ là một trong những giải pháp để tồn tại và phát triển. Việc M&A ở thế giới gần như diễn ra hàng ngày. Rất nhiều công ty M&A với nhau vì cộng hưởng được với nhau và có thể giảm được chi phí đầu tư tài nguyên. Nhưng đối với Việt Nam thì vẫn còn lạ lẫm trong việc hợp tác liên kết theo phương thức M&A. Một trong những nguyên nhân là do môi trường chưa đủ chín muồi. Sự cạnh tranh chưa đủ lớn để thúc đẩy chuyện M&A. Còn dĩ nhiên, chuyện liên kết hợp tác mang tính cộng hưởng về lợi ích thì vẫn luôn diễn ra, chẳng hạn như các doanh nghiệp thương mại điện tử liên kết với các đơn vị giao nhận, cổng thanh toán”, CEO Hotdeal chia sẻ thêm.