“Trong công việc luôn có thứ tự ưu tiên, trong gia đình cũng thế, mình không thể làm tất cả cùng một lúc được. Quan trọng là làm cho gia đình của mình hiểu được rằng công việc cũng là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của mình” – đó là chia sẻ của chị Nguyễn Minh Hương – CEO Golden Group.
Mặc dù buổi trưa là thời gian nghỉ ngơi sau những giờ làm việc buổi sáng và để lấy sức cho buổi chiều, nhưng đối với chị Hương có lẽ hiếm khi có giờ nghỉ trưa trọn vẹn, như hôm thực hiện cuộc phỏng vấn này vào giờ trưa thì trước đó chị đã có một cuộc họp quan trọng. Tuy bận rộn do thời gian khá sít sao nhưng chị vẫn giữ được phong thái điềm tĩnh và chủ động khi làm việc. Không quá nhiều câu chào hỏi khách sáo, chị đã đi thẳng vào nội dung câu chuyện về công việc của chị, cũng như những chia sẻ cùng với Event Channel.
Có thể nói chị là một trong những người phụ nữ làm event khá thành công, hẳn chị đã có thời gian gắn bó với nghề từ rất lâu rồi?
Thực ra cũng không thể xác định thời gian bao lâu, chắc phải trên 10 năm rồi vì chị bắt đầu làm công việc liên quan tới event là từ khi làm trưởng phòng Văn Hóa Nghệ Thuật Nhà văn hóa thanh niên, lúc đó khái niệm event còn xa là và chưa phải là một ngành công nghiệp như hiện nay, nó chỉ được hiểu đơn thuần là tổ chức những sự kiện ví dụ như chương trình Valentine đầu tiên của thành phố, các chương trình văn nghệ,…
Trải qua những thăng trầm của nghề event lâu như vậy, theo chị điều gì là khó khăn nhất trên con đường này?
Nghề event đòi hỏi rất nhiều yếu tố, khó khăn nhất là phải có khả năng bao quát nhưng lại cực kỳ chi tiết, mà mọi chi tiết đều phải hoàn hảo, bởi vì mọi thứ đều đã lên kế hoạch, và cứ đúng thời gian mà diễn ra, không có cơ hội làm lại lần thứ hai. Mỗi event là một chương trình cụ thể, không có sự lặp lại khi đã sai, ta không thể nào sửa chữa sai lầm được.
Đối với chị, là phụ nữ làm event, đó là lợi thế hay là một bất lợi?
Mọi thứ đều có hai mặt của nó. Là một người phụ nữ có những lợi thế đồng thời cũng có nhiều bất lợi.
Lợi thế là bởi vì nghề này không hề không biệt giới. Người phụ nữ, như em biết, thực sự rất chi tiết, tỉ mỉ, hay lo toan cái này, để ý cái kia, cố gắng làm cho mọi thứ đều hoàn hảo. Không những thế họ còn khá nhạy cảm và có giác quan thứ sáu rất tốt. Và đặc biệt là đối với những phụ nữ xuất thân từ các ngành liên quan đến nghệ thuật thì họ hoàn toàn có thể phát huy được trong ngành này. Nên chị nghĩ là phụ nữ có nhiều điểm phù hợp với nghề event.
Nhưng cũng có một số bất lợi đi kèm theo, như về mặt thời gian. Khi làm event, làm tất cả mọi thứ như trong việc set up chương trình, đôi lúc mình phải ở lại qua đêm, như vậy thì thật là bất tiện; đôi khi còn phải lăn lộn với hệ thống suppliers để giám sát tất cả mọi cái, và lúc đó phải tỏ ra thật cứng rắn để các suppliers về âm thanh, ánh sáng,sản xuất phải tuân theo ý kiến của mình. Và phụ nữ thường khó có thể đạt được điều đó.
Là người phụ nữ trong vai trò lãnh đạo, bí quyết để lên tinh thần cho nhân viên của chị là gì?
Điều quan trọng nhất đối với nhân viên làm event là phải truyền được lửa, truyền được niềm say mê cho họ. Và sự tin tưởng của người lãnh đạo đối với nhân viên là vô cùng quan trọng, bởi mỗi một nhân viên giống như một tổng đạo diễn của một chương trình, các bạn phải chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình và uy tín của công ty.
Theo chị việc đưa ý tưởng vào trong event đóng vai trò như thế nào trong tổ chức sự kiện ạ?
Điều đó là linh hồn, vì sự sáng tạo trong event không phải đơn thuần giải trí cho mọi người, mà phải phục vụ cho một mục đích marketing mục đích PR nào đó của công ty, do vậy ý tưởng phải sáng tạo nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với mục đích. Đó chính là cái khó của ngành event. Có thể nói, làm event cũng giống như một kiến trúc sư, vừa phải làm nghệ thuật vừa phải rất thực tế, chi tiết và kỹ thuật, mới có thể ra được một tác phẩm hoàn hảo – nếu có một ý tưởng hay, bay bổng nhưng lại không hỗ trợ cho chiến dịch Marketing thì không bao giờ được đánh giá cao.
“Sự sáng tạo trong event không phải đơn thuần giải trí cho mọi người, mà phải phục vụ cho một mục đích marketing mục đích PR nào đó của công ty, do vậy ý tưởng phải sáng tạo nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với mục đích.”
Ví dụ, một ngân hàng tổ chức một sự kiện để tăng thêm niềm tin của khách hàng do vậy event phải xây dựng hình ảnh của ngân hàng đó thật chuyên nghiệp đáng tin cậỵ. Nếu như nhà tổ chức làm event theo concept một bữa tiệc hóa trang Halloween chẳng hạn, có thể sẽ rất vui nhưng hoàn toàn không phù hợp để xây dựng một hình ảnh đáng tin cậy cho ngân hàng này.
Mới đây, trong một sự kiện mà một công ty event tổ chức cho hoạt động nội bộ công ty quản lý toàn bộ hệ thống giao thông tại Singapore, họ đã sử dụng theme Tôn vinh Nữ hoàng, họ đưa vị giám đốc nữ trở thành nữ hoàng, và những người còn lại hóa trang thành nô lệ Ấn Độ khiêng Nữ Hoàng trên ngai, sau khi hình ảnh được đưa lên face book , tất cả mọi người đều không có thiện cảm với công ty đó, họ cho rằng nội dung, chủ đề cũng như thiết kế không phù hợp với văn hóa, hình ảnh tôn vinh vị nữ giám đốc đó như nữ hoang và nô lệ Ấn Độ rất phản cảm, không phù hợp. Có thể về phương diện giải trí, công ty đó đã thành công, nhưng về mặt hình ảnh thì đã hoàn toàn thất bại
Câu hỏi cuối cùng dành cho chị, chị có thể chia sẻ về cách quản lý thời gian để cân bằng giữa gia đình và công việc được không ạ?
Thường mọi người hay hỏi câu hỏi này, nhưng việc cân bằng giữa gia đình và công việc thực sự không phải là vấn đề đối với chị. Thử thách ở đây là do cách mình sắp xếp, làm việc có khoa học hay không và mình cho cái gì là quan trọng. Với chị mà nói, trong công việc luôn có thứ tự ưu tiên, trong gia đình cũng thế, mình không thể làm tất cả cùng một lúc được. Quan trọng là làm cho gia đình của mình hiểu được rằng công việc cũng là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của mình.
Cám ơn chị và chúc chị thật nhiều thành công trong công việc cũng như niềm vui trong cuộc sống!