Carlos Camacho, Giám đốc Sáng tạo mới của Lowe Việt Nam, đã nhanh chóng đạt những giải thưởng đầu tiên cho mình, tuy vậy, khơi nguồn cảm hứng cho nền sáng tạo Việt Nam mới là mục tiêu lớn nhất của ông, như lời chia sẻ với Tạp chí Campaign Asia.
Từ văn phòng trong một cao ốc lớn nhìn ra toàn cảnh thành phố Hồ Chí Minh, ông mở lời: “Cứ mỗi lần tôi nhìn ra cửa sổ, tôi lại thấy những tòa nhà mới mọc lên”.
Thật ra những hình ảnh công trình xây dựng bên ngoài cửa số khó có thể là nguồn cảm hứng làm việc, nhưng đâu đó trong giọng nói của ông, chúng tôi có thể cảm nhận được sự hào hứng khó tả. Chứng kiến sự biến động không ngừng của TP. Hồ Chí Minh, ông tưởng tượng đến cái gọi là sự “thay da đổi thịt”. Trong tiếng ồn của máy móc, búa tạ va chạm cùng với bê tông cốt thép, ông nghe được dòng người đang “tiến lên” từng ngày.
Theo ông, người Việt Nam khao khát sự thay đổi tích cực. Ông có thể thấy được tinh thần nhiệt huyết, háo hức tìm kiếm sự đổi mới của người Việt Nam, đặc biệt là trên thương trường quảng cáo. Chính điều đó đã thôi thúc họ luôn có cái nhìn thoáng về những ý tưởng, phương pháp mới.
“Nếu so với Colombia, nơi mà ngành công nghiệp quảng cáo đã phát triển tương đối hoàn chỉnh, thì Việt Nam vẫn đang từng bước chuyển mình để vươn lên cấp độ đó”, Camacho nhận định, sau 6 tháng được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo tại Lowe Việt Nam, và sau gần 5 năm đảm nhiệm chức vụ giám đốc sáng tạo tại Lowe SSP3, Colombia.
“Với con người Nam Mỹ, sự cuồng nhiệt trong tính cách có thể được chuyển thành nguồn năng lượng quý giá và sự kiên định đáng sợ, đặc biệt là khi tranh luận các ý tưởng sáng tạo. Thật tuyệt vời khi mà chúng ta có thể tìm thấy được nguồn năng lượng tương tự từ giới sáng tạo Việt Nam, đó chính là ‘bệ phóng’ để đưa những ý tưởng hay trở thành hiện thực”.
Vị giám đốc sáng tạo này cho rằng tính cách “khát khao thay đổi” của người Việt sẽ là động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp quảng cáo nói chung, bất kể đó là digital, báo giấy, radio hay TV. Chính những khả năng đấy đã thôi thúc ông.
Một trong những thành tựu mới nhất của ông là đem về cho Việt Nam giải Sư tử Vàng và Đồng tại Cannes Lions vào tháng 7 – chỉ 4 tháng sau khi ông được chuyển đến và làm việc tại Việt Nam.
“Đặt chân đến Việt Nam, tôi cảm thấy như mình là một đứa trẻ, được lạc vào thế giới đồ chơi Toys ‘R’ Us. Bạn biết sao không? Nó cám dỗ tôi, nó có quá nhiều thứ hay ho khiến tôi choáng ngợp”. Vừa nói ông vừa cười khoái chí.
Ánh mắt nghị lực, tinh thần ham phiêu lưu mạo hiểm sẵn có ở tuổi 36 phần nào khắc họa được hình ảnh của một trong những giám đốc sáng tạo trẻ nhất tại khu vực Đông Nam Á. Hầu như không có buổi trao giải sáng tạo nào mà lại không xướng tên ông. Vì thế dù là người trẻ tuổi nhất trong khu vực, nhưng ông dày dặn kinh nghiệm. Camacho cũng được xem như là một trong những “sao khủng” ngồi trên hàng ghế nóng tại những cuộc thi, liên hoan quảng cáo. Một trong những thành tựu gần đây nhất của ông là đem về cho Việt Nam giải Sư tử Vàng và Đồng tại Cannes Lions vào tháng 7 – chỉ 4 tháng sau khi ông được chuyển đến và làm việc tại Việt Nam.
Camacho là người ra ý tưởng cho nhãn hàng giặt tẩy OMO (của Unilever) trong chiến dịch nổi tiếng “The Versus”. Thông qua chiến dịch này, ông đã so sánh sự khác biệt giữa những trò chơi điện tử với những trò chơi ngoài trời để từ đó giúp cha mẹ hiểu rằng, chỉ khi tham gia hoạt động ngoài trời, trẻ em mới có thể luyện tập được kỹ năng giao tiếp xã hội, phát triển thể chất và tư duy sáng tạo.
“Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi thường trèo cây, chơi đá bóng và hầu hết là ra ngoài vui chơi với bạn bè… bạn thấy đó, nó hoàn toàn không giống với những gì bạn thấy bây giờ trong những khu nhà hàng, công viên, bọn trẻ con dường như bị các thiết bị điện tử ‘hớp hồn” chúng vậy”.
Thế nhưng, một ý tưởng tuyệt vời sẽ không được đón nhận nếu không có một kế hoạch thực thi tốt, và Camacho cực kỳ đề cao khả năng sáng tạo của team mình, sự hỗ trợ từ cấp trên cũng như sự tự tin đến từ các khách hàng “dám nghĩ dám làm”. Camacho tin rằng những phòng ban khác nhau phải cùng làm việc, hỗ trợ cho nhau trong từng chiến dịch, có vậy, chiến dịch mới có thể thành công mỹ mãn.
“Tương tự như chơi đá bóng vậy, mọi người đá quả bóng, lăn nó đi khắp sân, nhưng muốn ghi điểm, thì chúng ta phải chuyền cho nhau, phối hợp với nhau như là 1 đội.”
Là người được giao nhiệm vụ cao cả là “phát triển và nâng tầm chất lượng sáng tạo của agency xuyên suốt khu vực châu Á”, thế nhưng khi được hỏi đến về chiến lược lâu dài tại Việt Nam, ông đã chia sẻ về một thử thách cam go hơn: phải làm sao cho ngành sáng tạo Việt Nam có một hướng đi đúng đắn.
Một ý tưởng tuyệt vời sẽ không được đón nhận nếu không có một kế hoạch thực thi tốt.
“Điều quan trọng là phải lôi kéo người Việt Nam vào tất cả giai đoạn của quá trình sáng tạo, mang lại cơ hội học hỏi, thử thách lẫn nhau và cùng nhau tạo ra những ý tưởng sáng tạo chất lượng,”ông nói.
Những công ty nước ngoài tại Việt Nam không thể nào phát triển danh tiếng trong khu vực nếu họ chưa thực sự đóng góp vào sự phát triển của tổng thể ngành quảng cáo tại Việt nam, bao gồm cả việc phát triển những nhân tài. Ví dụ điển hình cho một tài năng Việt Nam sáng tạo đó chính là tác giả trò chơi “Flappy Bird” vừa mới gây đình đám trên toàn cầu.
“Thành công của Flappy Bird khiến tôi tin chắc rằng, trên đất nước các bạn, đâu đâu con người cũng có thể sáng tạo, sáng tạo ở khắp nơi chứ không chỉ tồn tại trong ngành quảng cáo không đâu. Bài toán là làm thế nào để tìm ra định hướng sáng tạo đúng đắn.”