Nội Dung Chính
Theo thống kê gần đây của IBM, 95% doanh nghiệp thành công hiện nay là nhờ tạo được mối quan hệ thân thiết với khách hàng bằng cách thông qua trang web, các kênh tương tác và mạng xã hội. Họ coi sự bùng nổ thông tin cũng như các luồng thông tin trên toàn cầu là cơ hội chứ không phải nguy cơ.
Giá trị của thay đổi
Nhìn nhận vai trò của bán hàng và tiếp thị truyền thống đang dần thay đổi, ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Công ty Gốm Xinh (TP.HCM) đã sử dụng quảng cáo trên Google và bán hàng trên mạng xã hội. Theo ông Tú, hiện nay khách hàng ngồi một chỗ có thể thu thập một lượng lớn thông tin về sản phẩm và giá cả chỉ bằng vài click chuột. Khách hàng cũng có khuynh hướng tham khảo những trang web hiện ngay lên trang đầu của Google và giảm dần sự tìm kiếm ở những trang sau. Trên cơ sở đó, ông Tú chấp nhận tăng chi phí quảng cáo theo chữ để hiện tên những sản phẩm của công ty lên hàng đầu. Ông Tú cho biết, nhờ thế lượng khách hàng biết đến thương hiệu Gốm Xinh ngày càng tăng và doanh số bán hàng được cải thiện rất tốt trong giai đoạn ngành xây dựng đang gặp khó khăn trên mọi phương diện như hiện nay.
Một khảo sát gần đây của Nielsen cho thấy, tại Việt Nam, cứ 100 người thì có 34 người truy cập mạng xã hội. Hơn 50% người tiêu dùng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương dùng mạng xã hội để tìm hiểu về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ và tham khảo trên mạng xã hội của những người đã dùng trước làm cơ sở cho các quyết định mua và sử dụng sản phẩm. Những khách hàng thụ động trước đây giờ đã sẵn sàng thể hiện ý kiến cá nhân, vì thế doanh nghiệp phải tìm mọi cách để thấu hiểu họ.
Sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ là nhân tố cơ bản quyết định quyết định thành công và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu IBM, các CEO toàn cầu hiện nay đều cố gắng phát triển mối quan hệ khách hàng và coi đó là mục tiêu chiến lược trong môi trường kinh doanh mới.
Một thỏa thuận hợp tác gần đây giữa Công ty Thông tin Di động (VMS) với IBM Việt Nam để xây dựng các giải pháp di động dựa trên nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm Di động Khu vực 2 đã cho thấy điều đó. Trọng tâm của thỏa thuận hợp tác này trong thời gian 5 năm đầu là xây dựng một hệ sinh thái điện toán đám mây hiệu quả, cung cấp cơ sở hạ tầng như một dịch vụ, nền tảng di động. Đồng thời, VMS cũng định hướng tận dụng sức mạnh kết nối các thiết bị di động như smart phone, tablet… để vừa phát huy tính di động của nhân viên, vừa đảm bảo quản lý tập trung các hoạt động nội bộ.
Một cách tương tự, Công ty Thế giới Di động đã quan tâm hơn tới kỳ vọng của khách hàng trong việc ra mắt các sản phẩm, dịch vụ và các kênh phân phối mới. Vào tháng 3/2004, những thành viên sáng lập của Thế giới Di động đã cho ra đời dự án kinh doanh điện thoại di động dựa trên mô hình thương mại điện tử. Song vào thời điểm ấy, mô hình này còn quá mới nên đã nếm mùi thất bại chỉ sau khi ra đời ba tháng. Ban lãnh đạo Thế giới Di động đã rút ra bài học từ sự thất bại ấy rằng, phải làm cái gì đó phù hợp với khách hàng chứ không phải theo suy nghĩ chủ quan của mình. Thế là song song với thương mại điện tử, một siêu thị bán hàng trực tiếp – siêu thị Thế giới Di động ra đời để khách hàng có thể cầm, nắm, trải nghiệm trực tiếp hàng trăm mẫu sản phẩm. Mô hình này ngay lập tức được chào đón vì khác lạ so với khoảng 10.000 cửa hàng nhỏ lẻ lúc ấy.
Tuy nhiên, sự suy giảm của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây dẫn tới việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khiến Thế giới Di động một lần nữa phải tìm cách làm mới mình. Đó là phát triển mạnh mẽ mảng online mà cụ thể là vào giữa tháng 5/2013, công ty đã cho ra mắt website dành cho desktop và mobile. Mục tiêu cuối năm 2013, doanh số bán hàng qua thương mại điện tử của Thế giới Di động tăng gấp đôi hiện tại, tức 100 tỷ đồng/tháng. “Linh hồn của những chiếc điện thoại mua tại Thế giới Di động hoàn toàn khác với những chiếc điện thoại ở những nơi khác kể từ quý IV năm nay, khi chúng tôi sẵn sàng mua games và ứng dụng về cài miễn phí cho khách”, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động nhấn mạnh.
Sẽ phá sản nếu không sáng tạo
Các CEO toàn cầu hiện nay đều cố gắng phát triển mối quan hệ khách hàng và coi đó là mục tiêu chiến lược trong môi trường kinh doanh mới.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, để có thể thành công trong môi trường kinh doanh nhiều thay đổi, doanh nghiệp cần phải có “tính sáng tạo” cao nhất. Bà Kathleen Ng, Giám đốc phụ trách phát triển dịch vụ kinh doanh toàn cầu của IBM Việt Nam chia sẻ: “Các CEO đã xác định tính sáng tạo là năng lực lãnh đạo hàng đầu giúp doanh nghiệp thành công”. Gần đây hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam đã bám sát và ứng dụng các công nghệ mới nhất của thế giới. Đại Đồng Tiến với sản phẩm ứng dụng công nghệ Nano, Vinamilk mua công nghệ ứng dụng các nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng; Masan, Tân Hiệp Phát, Trung Nguyên… liên tục tung ra những sản phẩm mới dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng. Đó chính là những doanh nghiệp dám đầu tư cho sáng tạo và công nghệ mới.
Mới đây, tập đoàn Sơn Kova là một minh chứng khả năng sáng tạo không ngừng. Thoát ra ngoài những dòng sản phẩm thông dụng trên thị trường sơn, PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova, cùng các đồng sự đã phát triển loại sơn nano làm bằng Colloidal chiết xuất từ vỏ trấu với tác dụng chống bụi, chống khuẩn, chống cháy và có cả khả năng chống đạn, đang được mong chờ mang lại những cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp này. Bà Hòe cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu tốn hơn 1 triệu USD, Kova mới sản xuất được Colloidal thương mại. Cứ 10 kg vỏ trấu sản xuất được 1 kg Colloidal, giá hiện nay là 10 USD/kg. Với hàm lượng Colloidal chiếm 20%, có loại lên đến 50% làm từ vỏ trấu trong nguyên liệu làm sơn, đây không chỉ là đầu ra của một phụ phẩm sau gạo mà còn là giải pháp tiết kiệm nguyên vật liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện Tập đoàn Grace Davision, nhà sản xuất Colloidal hàng đầu thế giới đang quan tâm đến quy trình sản xuất Colloidal do Kova phát triển bởi giá thành rất thấp, chỉ bằng một phần ba của họ. Bộ Quốc phòng Campuchia đang xem xét khả năng sử dụng sản phẩm sơn chống đạn của Kova.
Rõ ràng là, sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ là nhân tố cơ bản quyết định quyết định thành công và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.