Canh bạc marketing cho phim bom tấn

0
836

Tiền quảng bá có thể cao gấp 3-4 lần chi phí sản xuất, song nếu được chi tiêu hiệu quả, đây có thể là khoản đầu tư đáng giá, giúp các hãng phim thu về hàng trăm triệu USD sau này.

Ra mắt ngày 28/5 tại London (Anh), sau đó là các thị trường Mỹ, Nhật… bộ phim Edge of Tomorrow được xem là bom tấn mà đại gia Warner Bros kỳ vọng sẽ làm “nổ tung” các phòng vé toàn cầu mùa hè này. Để đảm bảo thành công, bên cạnh sự góp mặt của siêu sao Tom Cruise, khoản chi phí sản xuất 178 triệu USD, Warner Bros còn mạnh tay chi tới 100 triệu USD cho chiến dịch quảng bá. Sau khoảng một tuần ra rạp với khoản doanh thu 40 triệu USD, hiện vẫn còn quá sớm để nói về thành công hay thất bại của tác phẩm này. Tuy nhiên, Edge of Tomorrow một lần nữa cho thấy làm phim là một công việc đầy rủi ro.

Tương tự bộ phim mới của Warner Bros, một bộ phim Mỹ thường tốn nhiều triệu USD chi phí sản xuất, và kể cả khi đã hoàn thành, các hãng cũng sẽ phải tốn ngần ấy nữa để quảng bá. Là doanh nghiệp, các hãng phim rất quan tâm đến lợi nhuận và để đảm bảo thu lời, phần lớn các hãng đều rất chịu chi cho hoạt động marketing để kéo khán giả đến rạp.

Hãng chịu trách nhiệm phát hành phim sẽ xem bộ phim đó vài tháng trước khi công chiếu, để lên kế hoạch marketing. Những việc này bao gồm xác định phân khúc người xem, thể loại phim, các yếu tố tạo nên sự khác biệt hay đặt tựa đề phù hợp để gây ấn tượng. Sau đó, họ sẽ thiết kế và thực hiện các chiến dịch marketing thống nhất trên nhiều phương tiện truyền thông, như tạo trailer, tổ chức giao lưu với diễn viên, sản xuất đồ dùng phỏng theo nhân vật hay đặt bài viết trên báo chí, quảng cáo trên TV, radio, Internet và đường phố.

Nếu không có các chiến dịch này, mọi người sẽ không thể biết phim nào sẽ được chiếu vào thời điểm nào, và các hãng cũng chẳng có hy vọng kiếm tiền. Dù vậy, rất nhiều phim cũng chẳng thể hòa vốn, và các hãng thường phải dựa vào vài bom tấn mỗi năm để bù lại.

Những năm gần đây, cách thức các bộ phim được quảng cáo đã thay đổi rất mạnh. 4 năm trước, chi phí P&A (in ấn và quảng cáo) trung bình của một bộ phim tương đương 70% chi phí sản xuất. Điều này có nghĩa nếu một bộ phim làm hết 100 triệu USD, chi phí marketing sẽ vào khoảng 70 triệu USD.

Nhưng ngày nay, tiền cho marketing còn vượt xa số đó, Forbes cho biết. Một số thậm chí có tiền sản xuất chỉ bằng một phần quảng cáo, điển hình là các phim kinh dị kinh phí thấp, như “Insidious 1 & 2” (Ma quái), “Dark Skies” (Bầu trời đen) hay “The Purge” (Sự thanh trừng).

Tất cả đều có chi phí sản xuất dưới 5 triệu USD, nhưng tiền chi cho marketing lên tới hơn 20 triệu USD. Dù vậy, hiệu quả cũng rất đáng đồng tiền bát gạo khi “Insidious 2” thu về hơn 41 triệu USD chỉ trong tuần đầu công chiếu tại Mỹ. Trong khi đó, doanh thu toàn cầu của “Insidious 1”, “Dark Skies” và “The Purge” đến nay lần lượt là 97 triệu USD, 26 triệu USD và 89 triệu USD.

Bộ phim hoạt hình đình đám “Despicable me 2” có chi phí sản xuất là 76 triệu USD nhưng P&A toàn cầu gần như gấp đôi với 136 triệu USD. Phim được tính toán ra mắt vào mùa hè để khuyến khích người xem ra rạp và mang theo trẻ nhỏ. Để quảng bá, Universal Pictures lập hẳn một website cho phim với các hình ảnh, video về nhân vật Minion rất được yêu thích trong phim. Các đoạn nhạc phim, video hậu trường hay sự kiện tương tác cũng được đăng tải trên đây.

Ngoài ra, họ còn sử dụng các cột quảng cáo cỡ lớn hình Minion ngoài đường phố và khinh khí cầu khổng lồ Despicablimp bay 6 tháng khắp nước Mỹ. Những chiến dịch này đã giúp “Despicable me 2” thu về hơn 970 triệu USD trên toàn cầu, theo Box Office Mojo. Sau khi trừ tất cả chi phí, Universal Pictures lãi gần 400 triệu USD.

Với những phim có kinh phí cao như “Iron Man 3”, marketing khủng cũng là việc tất yếu. Có chi phí sản xuất 200 triệu USD và P&A toàn cầu 130 triệu USD, bộ phim đạt doanh thu phòng vé toàn cầu là 1,2 tỷ USD. Trừ chi phí, “Iron Man 3” đem lại cho Disney khoản lời 391,8 triệu USD.

Iron Man 3 được coi là ví dụ điển hình cho việc tận dụng mạng xã hội để marketing.

Bộ phim được coi là ví dụ điển hình cho việc tận dụng mạng xã hội để marketing. Trang Facebook của phim đăng tải rất nhiều ảnh, video và bài báo liên quan. Đặc biệt là trò chơi “Fan Power”, trong đó càng nhiều người “Thích” trang Facebook này, bộ quần áo của Iron Man sẽ càng được sạc đầy. Khi số này lên đến 100%, một đoạn trailer ngắn sẽ được tung ra. Hãng sản xuất Marvel cũng tận dụng Twitter cập nhật liên tục tình hình của phim, đồng thời chia sẻ rất nhiều video liên quan lên Youtube.

Chiến dịch marketing của bom tấn “X-Men: Days of Future Past” cũng nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Từ tháng 6 năm ngoái, 20th Century Fox đã liên tục tung ra các đoạn giới thiệu nhân vật lên mạng, một số cảnh phim ngắn cũng được chiếu tại các liên hoan phim, lễ trao giải như Fantasia International Film Festival hay 2014 MTV Movie Awards. Hãng còn lồng nội dung giới thiệu vào hai bộ phim đã được chiếu trước đó là “The Wolverine” và “The Amazing Spider-Man 2”.

Ngoài ra, để kỷ niệm 25 năm thành lập, tạp chí đình đám về phim ảnh – Empire Magazine còn phát hành 25 ảnh bìa khác nhau với các nhân vật trong phim này. Kinh phí quảng bá của bộ phim chưa được thống kê. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng chắc hẳn sẽ làm nhà sản xuất hài lòng, khi chỉ sau 2 tuần công chiếu, bộ phim đã thu về hơn 500 triệu USD trên toàn cầu.

Có một câu nói cổ rằng “Bạn không bao giờ có cơ hội thứ hai để tạo ấn tượng đầu tiên”. Với các bộ phim, ấn tượng này sẽ kéo dài mãi mãi.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here