Vừa trở về từ hội nghị “PR ASEAN Network” tại Indonesia, ông Nguyễn Quốc Bảo, Giám đốc Điều hành Công ty Awareness i.d Public Relations, cũng là người hành nghề PR duy nhất của Việt Nam được trao tặng giải thưởng Certification of Excellence in Public Relations từ Mạng lưới PR Khu vực Đông Nam Á (ASEAN PR Network) vào đầu tháng 06/2014, cho rằng so với các nước trong khu vực, hoạt động của các công ty PR Việt Nam vẫn chưa quy củ, chủ yếu do thiếu các quy chuẩn chung. NCĐT đã có cuộc trao đổi với ông Bảo về ngành PR của Việt Nam.
* Ông có thể phát thảo vài nét về ngành PR Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á?
Vài nhận định của tôi thông qua Hội nghị ASEAN PR Network là những người hành nghề PR tại Việt Nam có ưu điểm là thông minh, nhạy bén hơn, khả năng đáp ứng thay đổi tốt hơn trong việc thiết kế chiến lược PR. Dù vậy, khiếm khuyết của chúng ta là không có chuẩn mực riêng trong ngành PR, dẫn đến chuyện mỗi doanh nghiệp làm mỗi kiểu, manh múm, nhỏ lẻ, không đồng đều và dẫn đến nghề PR bị diễn dịch sai lệch.
Chính điều đó làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của ngành PR Việt Nam, khiến cho dù lịch sử của ngành PR nước ta theo tôi được biết là có trên 20 năm, nhưng thực ra chỉ mới 5 năm trở lại đây là đáng chú ý. Trong khi ở các nước, họ làm bài bản hơn nhiều và đã đi khá xa.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Giám đốc Điều hành Công ty Awareness i.d Public Relations.
* Tốc độ tăng trưởng và quy mô của thị trường ngành PR ở Việt Nam là như thế nào thưa ông?
Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia có tiềm năng để phát triển nhất ở khu vục Đông Nam Á bên cạnh Indonesia, Myanmar. Hiện nay, quy mô thị trường PR của Việt Nam chỉ ở khoảng 30 triệu USD, tính trên đầu người chi phí PR chỉ khoảng 0,3 cent. Trong khi tại Mỹ con số nay là gần 20 USD/người. Đây là lý do vì sao nhiều ông lớn trong ngành PR thế giới đang nhảy vào mua lại các doanh nghiệp Việt Nam.
* Awareness i.d Public Relations đang đứng ở đâu trong các doanh nghiệp PR ở Việt Nam?
Tại Việt Nam, theo tìm hiểu của chúng tôi, có khoảng 200 doanh nghiệp có dịch vụ PR, chuyên về PR thì có khoảng 20 doanh nghiệp. Hiện công ty chúng tôi đứng trong top 5 tại Việt Nam.
* Doanh thu của Awareness i.d Public Relations đạt khoảng bao nhiêu mỗi năm?
Khoảng trên dưới 1 triệu USD.
* Ông có sáng kiến gì để các công ty PR nhanh chóng khẳng định thương hiệu, đi đến thành công, thưa ông?
Tôi cho rằng, đây không phải là sáng kiến mà là yêu cầu bắt buộc cho thị trường PR tại Việt Nam. Bản thân các công ty PR phải tiến tới việc hệ thống hóa một chuẩn chung, dựa vào bộ tiêu chuẩn PR toàn cầu để cho ra đời tiêu chuẩn PR mang đặc thù của Việt Nam. Cụ thể như loại hình dịch vụ sẽ như thế nào, sản phẩm PR ra sao, cách thực hiện… Đồng thời, điều quan trọng nhất là phải có những quy định về cạnh tranh một cách chuyên nghiệp và lành mạnh giữa các công ty PR với nhau trên nền tảng tính chuyên môn công việc.
* Có nghĩa là về mặt chủ quan, chính các công ty PR Việt Nam đang gây khó cho ngành PR nói chung?
Nói ra điều này có thể làm nhiều người bất ngờ, nhưng cơ chế và điều kiện đang ủng hộ các công ty PR. Chúng ta có thuận lợi rất lớn là thị trường PR Việt Nam là thị trường mở, các công ty, tổ chức nước ngoài cũng ủng hộ chúng ta phát triển thị trường. Tiềm năng về dịch vụ PR rất lớn khi so sánh với các quốc gia láng giềng. Về mặt khách quan, chúng ta có nhiều thuận lợi, nhưng về mặt chủ quan, chính các công ty trong lĩnh vực PR đang tự làm khó nhau, vì sự cạnh tranh không lành mạnh.
* Sự thiếu lành mạnh ấy là gì, thưa ông?
Đầu tiên, công tác PR không đơn thuần là làm trung gian giữa công ty và báo chí, mà PR là phần quan trọng trong kế hoạch kinh doanh, giữ vai trò hoạch định chiến lược giúp khách hàng đạt được mục tiêu kinh doanh. Cái cốt lõi của nghề PR là giúp cho công chúng hiểu biết hơn về doanh nghiệp và ủng hộ sản phẩm/dịch vụ của nó, đồng thời diễn dịch cho doanh nghiệp biết công chúng đang nhận thức như thế nào về nó. Do đó, làm PR là tạo ra kế hoạch bài bản, mang tính dài hạn, chứ không đơn thuần là đánh bóng tên tuổi của doanh nghiệp bằng một vài bài báo. Rồi chuyện cạnh tranh về giá nữa, khi một số công ty PR hạ giá xuống quá thấp sẽ làm giảm giá trị của công tác PR, vì giá thấp thường đi kèm với dịch vụ chất lượng thấp. Chất lượng thấp làm lãng phí ngân sách của doanh nghiệp và làm ảnh hưởng uy tín chung của ngành PR.
* Ông nghĩ gì về xu thế của ngành PR trong tương lai? Đã đến lúc nghĩ đến chuyện sở hữu trí tuệ trong ngành này chưa?
Thật lạ là Việt Nam là một trong số ít các quốc gia chưa có luật sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này, do chúng ta chưa có các tổ chức xã hội nghề nghiệp đặc thù. Thế nên, đây là lúc để các công ty PR có trách nhiệm ngồi lại với nhau để bàn về vấn đề sở hữu trí tuệ, thống nhất các quy tắc chuẩn mực của nghề. Chúng ta chứng kiến khá phổ biến hiện tượng các công ty sử dụng phương án giá rẻ bất chấp chất lượng dịch vụ. Việc sử dụng ý tưởng từ các công ty khác là tình trạng rất nhức nhối trong cộng đồng hành nghề PR. Chúng tôi từng lâm vào tình huống được doanh nghiệp mời đến để trình bày ý tưởng làm truyền thông cho doanh nghiệp, nhưng rốt cuộc họ lại thuê một công ty PR khác thực hiện ý tưởng của chúng tôi với giá thấp hơn nhiều và kết quả cuối cùng rất thấp. Đấy là vi phạm sở hữu trí tuệ, là cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đấy là sự thiệt hại về danh tiếng của ngành PR. Nếu các công ty không thể bảo vệ nhau, chúng ta sẽ tự giết chết ngành PR của chúng ta.
* Là người sáng lập cũng như sở hữu một công ty PR thuộc tổ chức PR thế giới (PROI), sau khi dự hội nghị ASEAN PR Network, ông sẽ đặt ra cột mốc mới nào cho doanh nghiệp mình và ý tưởng cho ngành PR Việt Nam?
Hội nghị mà tôi vừa dự cho ra đời một hệ thống tiêu chuẩn của công tác PR khu vực Đông Nam Á, có sự tham gia của các học giả, những người chuyên nghiên cứu lĩnh vực này và các nhà hành nghề PR tại 10 quốc gia Đông Nam Á.
Sau hội nghị, tôi thấy đã đến lúc chúng ta cần có một ngành PR bài bản, đáp ứng các tiêu chuẩn chung để chơi cuộc chơi chung của khu vực. Tại Awareness id trong nhiều năm nay, chúng tôi đã xác định các chuẩn mực phải theo để đảm bảo việc hành nghề cần theo chuẩn mực quốc tế với các đặc thù tại Việt Nam. Tuy nhiên, với những gì nhận được từ sự kiện vừa rồi, chúng tôi nhận thấy các chuẩn mực này không thể có ý nghĩa nếu không có sự hưởng ứng của các công ty PR tại Việt Nam, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Với ngành PR Việt Nam, chúng ta cần xây dựng cho bằng được các chuẩn mực hành nghề PR, đồng thời đưa các chương trình truyền thông nhằm có sự thừa nhận của cộng đồng doanh nghiệp về PR như là một lĩnh vực nghề nghiệp có giá trị chiến lược và tư vấn. Tôi nghĩ rằng với sự giúp sức của nhiều công ty PR khác, chúng ta sẽ thành công, sẽ đưa lĩnh vực PR vào khuôn khổ của sự chuẩn mực, giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh, từ đó đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế quốc gia.