Nội Dung Chính
Sinh sau đẻ muộn trong ngành truyền thông, nhưng quảng cáo trong phim ảnh lại đem đến những món lợi cho cả nhà đầu tư lẫn người sản xuất. Tuy nhiên, không phải ê-kíp phim nào cũng rành cách thức lồng quảng cáo sao cho nó không quá lộ liễu.
Lợi cả… ba đường
Hình thức lồng quảng cáo vào phim ảnh không còn xa lạ trên thế giới. Khán giả có thể thấy rõ những quảng cáo đồng hồ, xe hơi, trang phục… được sắp xếp đầy ẩn ý trong những bộ phim của Hollywood hay Hàn Quốc. Nếu một công ty mỹ phẩm tài trợ cho một bộ phim nào đó, khán giả sẽ thấy toàn bộ diễn viên trong phim đều có một hoặc vài phân cảnh đánh son, thoa phấn, kẻ mắt… bằng sản phẩm của công ty. Thường thấy và dễ làm nhất là quảng cáo điện thoại. Người ta thường đùa vui, trong phim Hàn Quốc, “nhân vật nghèo nhất cũng có thể xài điện thoại cao cấp”, bởi vì nhà tài trợ cho phim là một công ty điện thoại đang cần quảng bá sản phẩm đời mới.
Những khán giả sành điệu khi xem phim dễ dàng nhận ra chiếc điện thoại thuộc đời nào, giá bao nhiêu, có nổi trội trên thị trường không; hay đánh giá chất lượng của mỹ phẩm dựa trên hình ảnh diễn viên… Không ít người thích loại son mà bác sĩ Kang (Song Hye Kyo) đã dùng trong phim Hậu duệ mặt trời, hay những bộ đồ mang phong cách hoài niệm mà Hạ (Nhã Phương) mang trên người trong Ngày ấy mình đã yêu.
Quảng cáo lồng trong phim, nếu được xử lý một cách khéo léo, sẽ giúp cho thương hiệu của nhà tài trợ trở nên nổi bật và “mưa dầm thấm lâu” qua từng cảnh phim. Ngoài ra, đây còn là thương vụ lợi cả… ba đường. Cái lợi đầu tiên dành cho nhà sản xuất phim là không còn phải vừa chăm lo cho đứa con tinh thần vừa vất vả ngược xuôi tìm nguồn tài chính. Người được hưởng lợi tiếp theo tất nhiên là khán giả bởi vì họ có được bộ phim toàn tâm toàn ý, chỉn chu hơn để thưởng thức. Còn nhà đầu tư thì có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình bằng một phương thức hiệu quả hơn so với quảng cáo thông thường.
Phim Việt Nam cần sự tinh tế hơn
Trước kia, khi việc làm phim còn dựa dẫm vào nguồn vốn của nhà nước thì các đạo diễn Việt Nam không quan tâm nhiều tới những khái niệm mang tính thị trường như tỉ suất người xem, quảng cáo ngầm, ngôi sao phòng vé… Nhưng từ khi thương mại xâm lấn ngành công nghiệp điện ảnh, một kịch bản phim hay không chỉ thoả mãn những yếu tố như có cốt truyện tốt, nhân vật ấn tượng, lời thoại hay mà còn cần khéo léo xử lý những “pha” cần chèn thương hiệu của nhà tài trợ. Những pha xử lý này đòi hỏi biên kịch và đạo diễn phải thật sự có kỹ năng, để làm sao hài hoà được ý đồ nghệ thuật với mong muốn của nhà tài trợ. Những năm qua, có thể nói lồng quảng cáo trong phim Việt Nam đã trở nên phổ biến, nhưng vẫn còn một khoảng cách xa để đi từ việc quá lố tới sự tinh tế.
Chẳng hạn với Ngày ấy mình đã yêu, khán giả dễ nhận thấy một thương hiệu bất động sản là tài trợ chính của bộ phim truyền hình này. Trong 10 phút phim, khán giả có thể thấy nhãn hiệu xuất hiện chi chít trên màn ảnh, từ túi ni lông đựng kem Hạ mua cho Nam, sảnh bệnh viện nơi Nam công tác, hệ thống siêu thị từ lớn tới nhỏ… Chỉ một vài phân cảnh được đạo diễn xử lý khá tinh tế khi lồng quảng cáo những bộ đầm đẹp của thương hiệu tài trợ, khi để Dung lựa đồ cho Hạ. Nhưng ngay cả pha xử lý này cũng chưa hoàn hảo khi trước đó, bảng hiệu thời trang lại khiến khán giả chối mắt.
Bộ phim truyền hình Váy hồng tầng 24 khi mới ra mắt cũng nhận về những chỉ trích khi cài cắm quảng cáo quá lố bằng nhiều cận cảnh thương hiệu của một hãng mỹ phẩm. Hay như Tình khúc Bạch Dương từng chiếu trên VTV1, tên ngân hàng và tên một công ty bất động sản đã được nhắc đi nhắc lại trong lời thoại của nhân vật cùng nhiều cảnh quay cận bảng hiệu, trụ sở, dịch vụ của doanh nghiệp.
Khi gặp những kiểu quảng cáo lộ liễu này, người xem có cảm tưởng rằng trước đòi hỏi của nhà tài trợ, biên kịch và đạo diễn đã bí cách trong việc làm sao để thương hiệu xuất hiện một cách tự nhiên trên phim, nên đành làm một cách ào ạt như vậy. Cuối cùng, chỉ có khán giả là phải chịu trận.
Trong khi đó, nhìn sang phim Hàn Quốc đã có thể thấy họ lồng quảng cáo một cách rất chuyên nghiệp. Không cần cận cảnh logo hay những câu thoại “vô tình” nhắc tới tên nhà tài trợ, chỉ cần một cảnh thử váy, trang điểm để nhân vật chính từ Lọ Lem thành thiên nga đã quá đủ ngầm xác nhận về chất lượng của sản phẩm được quảng cáo. Trước đó, những Bản tình ca mùa đông, Trái tim mùa thu… cũng đem về lợi nhuận không thể đong đếm được khi quảng cáo du lịch Hàn Quốc đẹp như thiên đường. Hay mới đây, chương trình truyền hình thực tế Nhà trọ của Lee Hyori đã khiến hàng triệu khán giả châu Á ao ước một lần được đặt chân lên đảo Jeju.
Có lẽ, đã đến lúc bộ đôi nhà tài trợ – nhà làm phim Việt Nam cần học cách lồng ghép quảng cáo vào phim một cách tinh tế hơn, còn khán giả cần chấp nhận có sự can thiệp của yếu tố thương mại để có được những phim hay hơn, chỉn chu hơn.