‘Cách mạng 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc’

0
563

Thủ tướng yêu cầu làm rõ lợi thế của Việt Nam trong phát triển kinh tế số, nhất là nguồn nhân lực, sự năng động của kinh tế tư nhân.

Sáng 5/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Hội thảo-Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh – Smart Industry World 2017”.

Ông nói thế giới ngày nay đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự phát triển bùng nổ của các công nghệ xuyên ngành thế hệ mới, mở ra một thời đại phát triển mới của loài người gắn với trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IoT) cùng sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số.

55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh

Theo Thủ tướng, các quốc gia trên thế giới đều có những đối sách khác nhau nhằm tận dụng được xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như: Chương trình công nghiệp 4.0 của Đức, chương trình hợp tác sản xuất tiên tiến của Mỹ với sáng kiến “Cộng đồng công nghiệp internet”…

Hầu hết các nước phát triển và đang phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều đã đưa ra chiến lược phát triển kinh tế số, thúc đẩy công nghiệp thông minh. Nhiều tập đoàn như Alibaba, Facebook, Amazon… đã trở thành những “người khổng lồ” trong thương mại điện tử, mạng xã hội và có tác động lan tỏa, kết nối mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu.

Trước xu hướng đó, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16 về tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều giải pháp quan trọng.

Các bộ, ngành và địa phương tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin. Đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%), trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4.

Đến nay, Việt Nam cơ bản phủ sóng 4G với trên 4.000 trạm phát sóng và hơn 95% dân số được phủ sóng; khoảng 52 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số (đứng thứ 5 ở châu Á-Thái Bình Dương) và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh (smart phone). Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam nắm bắt nhanh chóng những thành tựu công nghệ mới.

Số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi, từ 1.800 năm 2016 lên trên 3.000 năm 2017. Cùng với khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam, các tập đoàn, ngân hàng lớn và các nhà đầu tư tích cực tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Tập đoàn Viettel đã được xếp hạng TOP 5 thương hiệu viễn thông hiệu quả nhất ASEAN, TOP 100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt ngưỡng một tỷ USD.

Robot hóa sẽ ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động

Bên cạnh cơ hội, Thủ tướng cũng chỉ rõ thách thức. Đó là nhiều ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày sẽ thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa, robot hóa, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động…

Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới.

Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin, đồng thời chịu tác động nhiều mặt về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực lớn về nguồn lực để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá.

Cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh; xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng nêu rõ định hướng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin đóng vai trò là “hạ tầng của hạ tầng” cho nền kinh tế số; tập trung đầu tư hiện đại hóa đồng bộ, kết nối liên thông hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thông tin và hạ tầng tri thức.

“Phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế; phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam có đội ngũ trên 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao”, ông nói.

Theo lãnh đạo Chính phủ, trong quá trình trên, doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là động lực phát triển của công nghệ mới, công nghiệp thông minh và trong thương mại hóa, ứng dụng thành công các thành tựu khoa học-công nghệ vào thực tiễn đời sống.

Các doanh nghiệp phải có tầm nhìn, mơ ước lớn vượt ra biên giới quốc gia, đưa sản phẩm và dịch vụ sản xuất tại Việt Nam chinh phục thị trường trong nước, thế giới; góp phần làm thay đổi, nâng tầm thị hiếu của người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, quốc tế.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc nên chúng ta không thể bỏ lỡ”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng các cấp, các ngành và doanh nghiệp phải hành động quyết liệt, kịp thời; phải có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới…

Ba câu hỏi về nền kinh tế số

Tại hội thảo, Thủ tướng nêu 3 vấn đề để đại biểu trao đổi, thảo luận. “Việt Nam đang ở đâu?”, Thủ tướng nói và mong muốn các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trên phương diện ứng dụng công nghệ mới, phát triển công nghiệp thông minh.

Hai là, các nước đang làm gì? Thủ tướng đề nghị các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh, đặc biệt là những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc và các nước ASEAN; trong đó nêu rõ những bài học kinh nghiệm và điều kiện áp dụng.

Ba là, Việt Nam cần làm gì để phát triển thành công nền kinh tế số, công nghiệp thông minh? Thủ tướng đề nghị tập trung đề xuất, kiến nghị cụ thể về chiến lược, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh ở Việt Nam thời gian tới, trong đó chú trọng tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế.

“Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm và hành động cụ thể”, Thủ tướng nói.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here