“Bộ Công Thương sẽ làm hết sức thận trọng, lắng nghe ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, đánh giá tác động nhiều chiều và sẽ chỉ trình cấp trên khi biện pháp này nhận được sự đồng tình cao của xã hội“, ông Khánh khẳng định.
Việc xây dựng bộ tiêu chí này được Bộ Công Thương đưa ra trước thực tế đã có quy định về ghi xuất xứ trên nhãn hàng hoá nhưng lại thiếu điều kiện thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam, “made in Vietnam” hay hàng Việt… để “áp” doanh nghiệp ghi nhãn hàng hoá.
Theo Nghị định 43/2017, trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện nước xuất xứ. Các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ, dựa trên sự hiểu biết tốt nhất của họ, miễn là trung thực.
Nhưng việc cho phép doanh nghiệp “tự nguyện” ghi nhãn hàng hoá trong khi chưa có tiêu chí xác định cụ thể thế nào là hàng Việt, “made in Vietnam”… đã dẫn đến thực tế có doanh nghiệp ghi nhãn tùy tiện như trường hợp Khaisilk trước đây hay nghi vấn Asanzo mới đây.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết, các quy định hiện hành đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước đã chi tiết về quy tắc xuất xứ, đặt ra yêu cầu xác định tỷ lệ giá trị hàm lượng từ một quốc gia, khu vực của hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan và không yêu cầu bắt buộc về việc ghi nhãn hàng hóa.
Với đặc thù chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay, doanh nghiệp có thể nhập hàng nghìn chi tiết, linh kiện từ khắp nơi trên thế giới nên không dễ xác định xuất xứ. Nên các nước cho phép doanh nghiệp được thông tin phù hợp nhất với đặc thù sản xuất, chẳng hạn nhiều nhà sản xuất sẽ ghi là “made by Samsung” hoặc “made by Nokia”, tức ghi thông tin sản xuất bởi chính tên hãng đó.
Cảnh báo cần sớm có quy định ghi nhãn sản xuất ‘made in Vietnam’ từng được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra trong một văn bản hồi tháng 2. Theo cơ quan này, có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “made in Viet Nam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng. Trong khi đó, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
Việc chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” dẫn tới cách hiểu khác nhau, như hàng có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; hoặc hàng có công đoạn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam.
Trong khi đó, nhìn chung, các nước tiên tiến đều có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất. Với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể.