Nội Dung Chính
Từng ở đỉnh cao danh vọng, rồi nhanh chóng biến mất khỏi các bảng xếp hạng điện thoại được sử dụng nhiều nhất, giờ đây BlackBerry đang nỗ lực tìm lại hào quang.
Kể từ thời điểm John Chen tiếp quản vị trí CEO của BlackBerry tháng 11/2013, thương hiệu điện thoại đến từ Canada này đã có rất nhiều sự thay đổi mạnh mẽ, thậm chí đáng ngạc nhiên. Thay vì hỏi: “Đi đâu về đâu?”, người ta đã bắt đầu đặt vấn đề: “Liệu cuối năm nay Blackberry có lãi”?
Thời hoàng kim
Được mệnh danh là điện thoại dành cho doanh nhân, hình ảnh của BlackBerry gắn liền với những chiếc catáp, những bộ vest chỉn chu, những đôi giày bóng lộn, nụ cười thường trực với biểu đồ chứng khoán, doanh số, lịch gặp đối tác, những chuyến bay và các trung tâm tài chính. Tất cả những gì thuộc về doanh nhân đều có thể gắn với BlackBerry và ngược lại, một doanh nhân thực thụ, một con người của công việc chắc chắn sẽ sở hữu ít nhất một chiếc BlackBerry.
Tháng 2/1985, Mike Lazaridis và Douglas Fregin đã thành lập Research In Motion (RIM) ở Waterloo, Ontario, Canada. Năm 1995, RIM tự sản xuất modem riêng cho mạng không dây có hình dáng khá giống với BlackBerry ngày nay như bàn phím Qwerty đầy đủ, sử dụng track wheel… Năm 1999, BlackBerry chính thức ra đời và đạt mức 1 triệu người dùng sau 5 năm. Năm 2007, BlackBerry vượt ngưỡng 10 triệu và đây được coi là thời kỳ hoàng kim của BlackBerry, khi cổ phiếu của BlackBerry RY đạt đỉnh 230,52 USD. Thương hiệu điện thoại này nhận được sự săn đón nhiệt tình của thế giới công nghệ, nghiễm nhiên chiếm vị trí độc tôn trong túi áo vest các chính khách, doanh nhân thành đạt. Gần như tất cả những gì liên quan tới BlackBerry đều đã từng trở thành “huyền thoại” như tính năng push email, hệ điều hành thông minh, bàn phím Qwerty, nút điều khiển chuột trackball, dịch vụ bảo mật BIS/BES…
Xuống dốc không phanh
Nhưng cũng vào năm 2007, Apple đã chính thức ra mắt chiếc iPhone đầu tiên, Google giới thiệu hệ điều hành mã nguồn mở Android. Và mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Sân chơi di động đã thuộc về màn hình chạm quá tuyệt vời của Apple, hệ điều hành iOS đơn giản đến mức ai cũng có thể dùng được. Một sân chơi có hệ mã nguồn mở Android với hàng trăm ngàn ứng dụng giải trí, văn phòng, thời tiết, du lịch, tài chính, chứng khoán… ai cũng có thể truy cập và sử dụng. Trên sân chơi này, BlackBerry và Microsoft chỉ có một góc rất nhỏ.
Trước xu hướng đó, BlackBerry bắt đầu bộc lộ rõ nhiều sơ hở, mất định hướng chiến lược. Những người điều hành đã lưỡng lự không thể quyết định có giữ lại bàn phím Qwerty huyền thoại hay không và hệ quả là một loạt các sản phẩm “thiếu lửa” ra đời. Năm 2008 hãng này đã cho ra mắt chiếc điện thoại Storm sử dụng màn hình cảm ứng, loại bỏ hoàn toàn bàn phím Qwerty vốn là thế mạnh trước đó. Khi các hãng điện thoại liên tục cho ra mắt máy tính bảng thì BlackBerry cũng vội vàng trình làng PlayBook, một sản phẩm thiếu hẳn các chức năng cơ bản của một sản phẩm BlackBerry: Email và Trình quản lý công việc. Cổ phiếu của BlackBerry RY xuống dốc không phanh từ mốc 69,86 USD về còn khoảng trên 10 USD. Trong khi người bạn Microsoft bắt đầu có những động thái thay đổi như mua lại “cầu thủ” Nokia để tăng vị thế thì BlackBerry vẫn loay hoay với câu hỏi: tham gia sân chơi mới hay không?
Thoát khỏi tâm bão bằng sự chắc chắn kinh điển
Sau Storm, đầu năm 2013, BlackBerry tiếp tục giới thiệu điện thoại Z10 cảm ứng toàn màn hình. Với sự kiện này, những “fan ruột” của BlackBerry cảm thấy phẫn nộ và xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về việc BlackBerry đang đánh mất bản sắc bàn phím vật lý Qwerty của chính mình. Trước đó, nhiều người dùng đã lắc đầu ngao ngán, thất vọng với chiếc Bold 9900 – ván bài cuối cùng trước khi một loạt lùm xùm tài chính, thị phần xảy ra.
Cuối năm 2013, BlackBerry tuyên bố thay CEO, đưa John Chen – một “cầu thủ” quá quen thuộc với thị trường tài chính, người từng lèo lái con tàu Sybase đi từ 362 triệu USD đến đích 5,8 tỉ USD năm 2010 trước khi được SAP mua lại – lên nắm quyền điều hành. Hiện John Chen cũng đang thuộc Ban Giám đốc của 2 tập đoàn lớn: Tập đoàn tài chính Wells Fargo & Company và Tập đoàn truyền thông giải trí nổi tiếng Walt Disney Company. Từng bước từng bước, John Chen đã xử lý các vấn đề của BlackBerry, không chỉ về mặt tài chính, quản trị mà quan trọng hơn là cả về mặt thương hiệu, sản phẩm. Giữa năm 2014, John Chen thông báo “tin vui” cho những người quan tâm (stakeholders) BlackBerry rằng, công ty này sẽ cho ra mắt chiếc Classic vào tháng 11 năm nay. Xét về mặt cấu hình, thiết kế, đặc tính kỹ thuật, sản phẩm mới này đều không có gì quá xuất sắc so với đối thủ, nhưng cùng với hệ điều hành BlackBerry 10, chiếc Classic quay trở lại với bàn phím Qwerty với các nút menu quen thuộc khẳng định mong muốn, sự quyết đoán của John Chen về một sân chơi riêng với luật chơi riêng, nhưng không kém phần hấp dẫn. Quan trọng hơn ở sân chơi này, tất cả những gì là thế mạnh là huyền thoại của BlackBerry sẽ đều được tận dụng để đưa lên hàng công, thay vì ngồi “ghế dự bị” như năm 2013.
Đầu tháng 6, John Chen có thêm một quyết định quan trọng là bắt tay với Amazon để đưa toàn bộ ứng dụng Android trên “chợ” Amazon trở thành tương thích với thế hệ các thiết bị BlackBerry mới. Nâng cấp sân chơi, từ thời điểm này trở đi sẽ không ai phải phàn nàn, lo lắng về chuyện BlackBerry thiếu ứng dụng, ngược lại tất cả những gì là thế mạnh của ứng dụng Android giờ lại nằm trong tay BlackBerry. Cùng với đó, bản sắc BlackBerry vẫn được giữ lại trọn vẹn, có phần mạnh hơn nhiều với BlackBerry Hub, nơi tập hợp những thông báo quan trọng nhất, email quan trọng nhất, tin nhắn quan trọng nhất đối với người dùng theo phong cách riêng rất tiện lợi.
Tại Việt Nam, từ đầu năm cũng đã có 2 cơn sốt BlackBerry lớn. Đúng vào ngày Cá tháng Tư (1/4), chiếc BlackBerry Z10 giảm giá về mức “không tưởng” còn 4,5 triệu đồng (so với mức giá gần 10 triệu đồng trước đó) và sau đó là Q10 tiếp tục giảm giá từ trên 11 triệu về 6,6 triệu đồng (nguồn thông tin từ Công ty Điện máy HC). Ngay lập tức, tất cả các cửa hàng phân phối, bán lẻ sản phẩm này liên tục rơi vào tình trạng cháy hàng, còn các tín đồ BlackBerry được dịp sung sướng trải nghiệm hệ điều hành BlackBerry 10 đã “nghe đồn” từ lâu với giá mềm. Về phía BlackBerry, với chương trình khuyến mại mạnh tay, công ty này không chỉ đẩy được hàng tồn mà còn tăng trưởng về mặt thị phần và số lượng. Báo cáo kết quả kinh doanh của BlackBerry trong quý 2/2014 cho thấy, hãng này bán được 1,6 triệu điện thoại, tăng thêm 300.000 chiếc so với quý trước.
BlackBerry kỳ vọng sẽ bán được khoảng 10 triệu thiết bị trong năm 2014. Với con số này, BlackBerry sẽ báo lãi trong mảng thiết bị di động khi kết thúc năm tài chính. Theo nhận định của giới kinh doanh, John Chen đang có những nước cờ đi rất thoáng, sáng, nhưng cũng rất thận trọng. Trong buổi báo cáo tài chính Quý 2 vừa rồi, người đứng đầu BlackBerry thừa nhận: “Tôi không biết liệu chúng tôi có quay trở lại thời hoàng kim hay không, nhưng chắc chắn chúng tôi phải thử, phải cố gắng. Trong công ty hiện tại vẫn còn rất nhiều cơ hội và tài sản đáng quý”. Chúng ta hãy chờ xem cuộc trở lại của BlackBerry. Hy vọng đó là một hành trình ngoạn mục.