Big C về tay người Thái: “Chúng ta đã thua 70% ngay trên sân nhà, còn 30% le lói”

0
827

“Thái Lan rất am hiểu thị trường Việt Nam. Thị trường bán lẻ Thái Lan đang bão hòa nên các ông lớn muốn xâm nhập, thôn tính thị trường Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Và Việt Nam yếu một cách toàn diện chính là cơ hội để Thái Lan xâm nhập”, chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội – ông Vũ Vinh Phú cho biết.

Mới đây, tỷ phú Central Group đã chính thức mua đứt Big C Việt Nam. Thương vụ đánh dấu thêm 1 chuỗi bán lẻ lớn tại Việt Nam về tay người Thái, sau chuỗi Metro Cash & Carry.

Trước đó, người Thái cũng đã có hàng loạt thương vụ trên thị trường bán lẻ Việt Nam như thương vụ Central Group mua lại 49% cổ phần Nguyễn Kim, hay việc Berli Jucker đánh bật chuỗi Family mart để thành lập B’mart,…

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội -Vũ Vinh Phú cho rằng, việc Big C và hàng loạt các siêu thị lớn tại Việt Nam về tay người Thái cho thấy bức tranh chuyển màu xám của ngành bán lẻ, phân phối trong nước.

* Việc Big C về tay người Thái có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường bán lẻ Việt Nam?

Việc này đáng mừng song cũng đáng lo.

Mừng là khi có bàn tay bán lẻ của nước ngoài vào, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi khi sử dụng được sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh. Thứ hai là tạo sức ép tạo cho DN (doanh nghiệp) Việt buộc phải nâng sức cạnh tranh dưới sức ỳ vô hình như hiện tại.

Tuy nhiên, lo nhiều hơn. Hàng hóa Thái Lan vào thị trường Việt Nam mạnh mẽ, chen lấn hệ thống phân phối Việt cũng như hàng hóa bán lẻ Việt. Nhất là khi hàng hóa Thái Lan rất quen thuộc với thị trường Việt, mức giá chỉ đắt hơn 5-10% nhưng chất lượng tốt hơn hẳn.

Hiện giờ, không có một gia đình Việt nào không có một vài món đồ hàng Thái trong nhà, bếp của mình. Hàng Thái đã xâm nhập vào Việt Nam hàng chục năm nay. Và đến nay, họ đã thâm nhập cả sang sản xuất. Cánh gà, đùi gà, trứng gà Thái được bán tại hầu hết các siêu thị ở Việt.

Việc này tạo sức ép cực kỳ lớn đối với hàng Việt khi còn rất yếu thế, yếu cả về chiến lược kinh doanh, mẫu mã hàng hóa, giá cả cho đến chất lượng.

Nói tóm lại, bức tranh về bán lẻ, phân phối của chúng ta không sáng sủa cho lắm, thậm chí đang xám lại.

* Đâu là nguyên nhân khiến bức tranh bán lẻ đang chuyển sang màu xám, thưa ông?

Chi phí tiếp cận đất đai, sản xuất hàng hóa tại Việt Nam là vô cùng lớn.

Phải làm sao cho mối quan hệ giữa phân phối và sản xuất phải hài hòa, sẽ bớt những khâu trung gian, giảm giá thành.

Một quả trứng 14 loại phí, các thủ tục hành chính hải quan kéo dài mấy trăm giờ, chi phí bôi trơn mấy chục %… thì làm sao DN Việt chịu nổi. Điều này còn tạo đà cho không những của Thái Lan mà Campuchia, Lào vào rất dễ dàng vào, ép hàng Việt, ép hệ thống phân phối phải chết khi bán một phần cho nước ngoài hoặc bị thâu tóm toàn bộ.

Hiện số lượng đơn vị chưa bán còn lại rất ít, song đang co cụm lại.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng ít quan tâm đến thị trường nội địa, thường chỉ tập trung nhiều về FDI, xuất khẩu…

* DN Việt cần phải làm gì trong tình thế này?

Phải có “hội nghị diên hồng” về bán lẻ phân phối để chốt lại vấn đề. Chả có lẽ chúng ta chịu thua hay sao?

Hiện 10 người làm siêu thị ở Việt Nam vẫn cử 10 người đi mua từng chai dầu ăn về bán! Thà chết còn hơn sống ngắc ngoải. Sống mãi thế này không được!

Hiện DN Việt chẳng có vai trò gì nhiều trong thị trường Việt Nam. Liệu mình có học tập đối thủ để vươn lên hay để họ “ngoạm” mất khi tình thế “mỡ để miệng mèo”?

Vì lẽ đó, DN Việt phải liên kết lại, làm ăn tử tế, tổ chức nguồn hàng tốt. Ngoài ra, các DN cần tự cổ phần hóa để xem lại mình một cách nghiêm túc, đổi mới cách hoạt động.

Bên cạnh đó, Việt Nam phải đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị cũng như nhân lực, nguyên liệu, đẩy cao năng suất. Đặc biệt, phải làm sao cho mối quan hệ giữa phân phối và sản xuất phải hài hòa, sẽ bớt những khâu trung gian, giảm giá thành. Trong khi đó, hiện tại, Thái Lan không chỉ sản xuất ở Việt Nam mà còn kết hợp rất tốt khâu phân phối.

Nhiều đơn vị bán lẻ ở Việt Nam chiết khấu rất cao khiến nhiều nhà cung ứng phải bỏ sớm. Do đó, nhiều nhà sản xuất phải lập chuỗi phân phối riêng, không gửi vào siêu thị nữa. Nếu câu chuyện 1 quả trứng Việt phải gánh 14 loại phí cứ tiếp diễn thì chúng ta chết chắc!

* Theo ông, tại sao người Thái luôn chiếm ưu thế trong các thương vụ M&A thời gian qua?

Thái Lan rất am hiểu thị trường Việt Nam. Thị trường bán lẻ Thái Lan đang bão hòa nên các ông lớn muốn xâm nhập, thôn tính thị trường Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Và Việt Nam yếu một cách toàn diện chính là cơ hội để Thái Lan xâm nhập.

Việt Nam đã mất 50% thị phần bán lẻ từ tay người Thái. Có thể nói, chúng ta đã thua 70% ngay trên sân nhà, còn 30% le lói.

* Ông đánh giá như thế nào về các công ty bán lẻ Thái Lan so với công ty Nhật, Hàn, Trung?

Thái Lan không mạnh bằng Nhật, Hàn Quốc nhưng rất am hiểu thị trường Việt Nam do quá trình thâm nhập từ lâu. Hiện nay, hàng hóa Thái Lan chiếm 50% các điểm bán lẻ hiện đại ở Việt Nam với 52 điểm bán.

Doanh số các điểm bán lẻ hàng Thái Lan chiếm 50%, điện máy chiếm 75%, hoa quả chiếm 41%. Nếu bỏ hàng liên doanh thì hàng Việt còn lại rất ít, chỉ có hàng nông sản, gạo lúa, song Thái Lan cũng đang đẩy vào mạnh. Còn lại, những sản phẩm có giá trị cao thì các nước khác đang ồ ạt vào Việt Nam.

Hàng hóa Thái Lan chiếm 50% các điểm bán lẻ hiện đại ở Việt Nam với 52 điểm bán. Doanh số các điểm bán lẻ chiếm 50%, điện máy chiếm 75%, hoa quả chiếm 41%.

Tuy nhiên, cơ hội cho Nhật, Hàn vẫn còn nhiều khi Việt Nam mới có 20% bán lẻ hiện đại. Hàng Trung Quốc hiện đang lánh bạt ở một khu vực trong đó còn 2 lĩnh vực quần áo trẻ em và may mặc. Thời gian vừa qua, hàng Thái đã lấn át hàng đối thủ này, hàng Trung Quốc kém chất lượng bị đẩy ra.

* Liệu sắp tới sẽ còn các thương vụ M&A liên quan đến lĩnh vực này nữa không khi liên tiếp các thương vụ M&A diễn ra và kết quả về tay người Thái như việc TCC của Thái Lan đã mua Metro VN; Central Group mua Big C, thưa ông?

Việc mua bán chắc chắn sẽ còn tiếp tục và sôi động. Các “hàm cá mập” có thể mua nốt phần còn lại hoặc thôn tính cả các điểm mới.

Hiện Lan Chi tại Hà Nội đã bán cho đối tác nước ngoài. Trong khi đó Hapro ngày càng mất dần mạng lưới bán lẻ khi chỉ chiếm 2% doanh số và có biểu hiện suy yếu.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here