Bí ẩn số liệu của cuộc chiến nhắn tin miễn phí

0
618

Trái ngược với những màn quảng cáo điên cuồng trên truyền hình, thông tin về số lượng người dùng của các ứng dụng nhắn tin miễn phí có diễn biến khá lạ lùng 

Đầu tháng 3/2013, cả 3 ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) được quảng bá mạnh nhất tại Việt Nam là Zalo, Line, Kakao Talk gần như đồng thời công bố đạt mức 1 triệu người dùng. 

Cũng kể từ thời điểm này, cuộc chiến về quảng cáo, khuyến mại giữa 3 dịch vụ OTT này diễn ra vô cùng khốc liệt với việc Kakao Talk “oanh tạc” clip quảng cáo với tần suất dày đặc vào giờ vàng cũng như quãng nghỉ ở tất cả các show truyền hình thực tế đình đám như The Voice, The Voice Kids, Master Chef và trước đó là Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo…

Line cũng phủ sóng dày đặc trên các trang báo mạng, Facebook, và chương trình khuyến mại mỗi ngày trúng thưởng một chiếc Vespa cho người mới dùng…

Trong khi đó, Zalo lại được chọn là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng hướng về sự kiện lớn của đất nước là cuộc thi “Biển đảo của chúng ta”. Ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt cũng trở thành ngôi nhà mới của hàng loạt các sao Việt như Nhóm 365, Đông Nhi – Ông Cao Thắng, Chi Pu, Đàm Vĩnh Hưng … và sắp tới là Hồ Ngọc Hà, Vmusic…

Những sự kiện này, cộng với các hoạt động truyền thông trên mạng của người có ảnh hưởng, quảng cáo trên Interent cũng như các thiết bị di động đã giúp Zalo cạnh tranh quyết liệt về mặt hình ảnh với các ứng dụng ngoại.

Tuy nhiên, trái với trận chiến vô cùng khốc liệt về quảng cáo, thông tin công bố về số lượng người dùng của 3 dịch vụ OTT lại có sự chênh lệch rất lớn. Trong khi Zalo đều đặn thông báo số lượng người dùng từ 2 triệu (3/5/2013), rồi 3 triệu (25/6/2013) thì con số người dùng được cập nhật của Line và Kakao Talk vẫn là một ẩn số.

Kể từ khi công bố mức 1 triệu người dùng vào tháng 3/2013, 2 ứng dụng ngoại không công bố thêm các số tiếp theo. Đặc biệt, sau khi Zalo tuyên bố cán mốc 2 triệu người dùng – cột mốc giúp OTT có khả năng bùng nổ và phát tán tự nhiên như Facebook thì thông tin về số liệu người dùng, lượng SMS chuyển đi mỗi ngày, số lượng ảnh, status… được chia sẻ qua 2 ứng dụng ngoại cũng hoàn toàn vắng bóng. 

Trong khi đó, Zalo công bố số lượng SMS miễn phí được gửi đi từ ứng dụng này mỗi ngày đã tăng từ 15 triệu lên 20 triệu, rồi vọt lên 27,5 triệu vào thời điểm đạt 3 triệu người dùng vào ngày 25/6/2013.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, OTT là một cuộc chiến “Người thắng sẽ lấy tất cả”. Hiểu đơn giản hơn, khi một sản phẩm đạt được mức độ bùng nổ và phát tán tự nhiên như Facebook, người dùng sẽ chỉ sử dụng ứng dụng dẫn đầu bởi nếu xung quanh người người dùng Zalo, nhà nhà dùng Zalo thì bạn sẽ dùng OTT khác để nhắn tin với ai? Cũng chính vì thế, các OTT ngoại chỉ công bố số liệu về người dùng, lượng SMS được chuyển đi mỗi ngày nếu như con số không bị lép vế so với sản phẩm dẫn đầu.

Tuy nhiên, cũng có thể các ứng dụng ngoại như Line hay Kakao Talk đang chuẩn bị cho một công bố gây sốc về số liệu người dùng hay số lượng SMS bởi những sản phẩm này đang tập trung đẩy mạnh quảng cáo cho dịch vụ của mình.

Trong khi số liệu của 2 OTT ngoại vẫn còn là bí ẩn thì những thông tin công khai về lượng người dùng mới theo thời gian thực trên 2 bảng xếp hạng quan trọng nhất (App Store và Google Play Việt Nam) vẫn cho thấy xu hướng thống trị của Zalo. Ở cả 2 bảng xếp hạng này, Zalo đều đứng trên 2 ứng dụng ngoại; đặc biệt, với Google Play (nơi chiếm số lượng người dùng lớn nhất – Android).

Liệu một cuộc lật đổ ngoạn mục có thể xảy ra sau khi Zalo tuyên bố đạt 3 triệu người dùng? Thời gian sẽ cho câu trả lời.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here