Apple sẽ ‘tái phát minh’ thế nào sau iPhone

0
719

Khái niệm “tái phát minh” được Steve Jobs thiết lập từ năm 1977, thể hiện ở việc họ không bao giờ có “thiết bị đầu tiên được trang bị…” mà gắn công nghệ đã trưởng thành vào sản phẩm của mình ở một mức tốt hơn.

Thời gian qua, khi chứng kiến hàng loạt thay đổi mới lạ trên các sản phẩm và dịch vụ của Samsung, LG, Google…, không ít người cho rằng Apple không còn như xưa, chỉ là kẻ chạy theo trào lưu, bắt chước đối thủ. Nhưng họ quên một điều, xưa nay Apple chưa bao giờ được coi là hãng đi tiên phong trong các xu hướng công nghệ. Đơn giản, họ biến những thứ đã có trên thị trường trở nên tốt hơn.

Trong dịp kỷ niệm 40 thành lập Apple hồi tháng 4/2016, Tim Bajarin, Chủ tịch Creative Strategies, chia sẻ trên Recode rằng ông vẫn thường tự hỏi: Điều gì giúp Apple thành công và liệu họ có thể duy trì được thành công đó trong tương lai?

Để trả lời câu hỏi, Bajarin cho rằng cần hiểu rõ về quá khứ của Apple mới có thể dự đoán được tương lai của nó. Khi nhắc đến thành công của Apple, mọi người vẫn luôn đề cập đến Steve Jobs. Tầm nhìn thiên tài của ông đã chèo lái Apple tiến xa cho đến khi ông rời công ty vào năm 1985. Lịch sử đã chứng minh, thứ duy nhất Apple thiếu ở giai đoạn đó là tài năng quản lý bậc thầy của Jobs, đẩy công ty này bên bờ vực phá sản.

Tuy nhiên, còn một yếu tố nữa đã luôn tồn tại xuyên suốt 40 năm phát triển của Apple. Từ năm 1977, khi giới thiệu Apple I, Steve Jobs đã thiết lập một nguyên lý cho thành công của Apple: Khái niệm “tái phát minh” (reinvention).

Apple không hề phát minh ra máy tính cá nhân mà là Eddie Roberts cùng Altair Computer năm 1974 với hệ điều hành BASIC do Bill Gates và Paul Allen viết. Steve Wozniak, đồng sáng lập Apple, rất thích Altair nhưng không đủ tiền mua. Vì thế, năm 1975-1976, ông tự tạo một phiên bản Altair riêng còn Jobs giúp bán nó. Kết quả là Apple cho ra đời chiếc máy tính cá nhân thành công về mặt thương mại đầu tiên.

Tuy nhiên, năm 1982, IBM xuất hiện với hệ thống IBM PC, đẩy Apple II ra khỏi vị trí trung tâm. Lúc này, tố chất “tái phát minh” của Jobs một lần nữa được kích hoạt. Ông tin Apple cần phát minh lại PC bằng cách xây dựng một cỗ máy tốt hơn những gì IBM đang bán trên thị trường. Ông và các cộng sự cho ra đời máy Mac với giao diện đồ họa GUI và chuột. Nhưng kể cả GUI và chuột cũng là thứ được “tái phát minh” vì thực ra chúng đã có trên Xerox Parc, tuy nhiên, Jobs làm tốt hơn và bán chúng cùng với máy Mac.

Ý tưởng “tái phát minh” tiếp tục kéo dài cả khi Jobs rời Apple năm 1985. Sau khi Jobs phát triển máy in laser, chính John Sculley, CEO Apple thời đó, đã tích hợp chương trình xuất bản Pagemaker vào Mac. Công nghệ in ấn không mới, nhưng Apple đã khởi động cuộc cách mạng trong lĩnh vực xuất bản trên máy tính để bàn.

Nhưng sau đó, Apple bắt đầu mất phương hướng, họ không còn đi theo triết lý “tái phát minh”, mà đi sao chép tính năng của các PC khác trên thị trường với mục tiêu cạnh tranh lại với chính những PC đó.

Rồi Steve Jobs quay trở lại vào năm 1997. Ông bắt đầu giới thiệu iMac với vỏ nhiều màu. Dù Apple không tiên phong về máy nghe nhạc MP3, họ làm thay đổi thị trường với iPod. Dù Apple không tiên phong về smartphone, họ định nghĩa lại khái niệm điện thoại thông minh với iPhone. Máy tính bảng đã có mặt khoảng 20 năm, nhưng người tiêu dùng đón nhận nó như một dòng sản phẩm hoàn toàn mới với iPad.

Nguyên lý “tái phát minh” là một phần DNA của Apple. Khi một công nghệ mới ra đời, họ không hối hả đưa vào sản phẩm để nhận lấy danh hiệu “thiết bị đầu tiên được trang bị…” như nhiều hãng khác. Họ chờ đợi xem công nghệ đó sẽ trưởng thành ra sao rồi tung ra giải pháp tương tự nhưng tốt hơn, đồng thời gắn nó vào trong một hệ sinh thái, tránh vấp phải thách thức kiểu “con gà quả trứng”. Chẳng hạn, với công nghệ 4K, các nhà sản xuất luôn phải đau đầu với bài toán: cho ra đời sản phẩm 4K trước rồi đợi các bên tung ra nội dung tương thích, hay chờ có đủ nội dung thì mới phát triển thiết bị 4K.

Apple đang đứng trước ngã rẽ với niềm thôi thúc tìm ra con đường tái phát minh lần nữa. Trong báo cáo tài chính quý III/2016, doanh số iPhone giảm mạnh và giới phân tích cho rằng smartphone này đã bão hòa qua 9 thế hệ. Đã đến lúc Apple cần có một sản phẩm mới hơn để tiếp tục dẫn đầu thị trường trong thời kỳ hậu iPhone.

Sản phẩm có đó thể là công nghệ thực tế ảo VR/AR. Hiện Apple chưa gia nhập lĩnh vực này, nhưng không có nghĩa họ chậm chân, thiếu sáng tạo. Họ chỉ đang chờ xem thị trường đón nhận thế nào rồi mới tung ra một sản phẩm hoàn thiện hơn so với đối thủ.

Trong buổi báo cáo tài chính tuần này, Tim Cook, CEO Apple, nhắc đến trò chơi Pokemon Go (dù ông đọc nhầm thành Poke-mans) và nhấn mạnh: “Công nghệ giao thoa thực ảo rất tuyệt vời. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho xu hướng này. Apple đặt kỳ vọng lớn vào AR về lâu dài và nghĩ đây sẽ là cơ hội thương mại tuyệt vời. Quan trọng là phải đảm bảo sản phẩm của chúng tôi sẽ hoạt động tốt với các sản phẩm của những nhà phát triển khác như Pokemon, đó là lý do vì sao bạn thấy rất nhiều iPhone đang săn tìm Pokemon”.

Apple cũng được cho là đang âm thầm phát triển xe hơi. Nhiều khả năng họ sẽ không trực tiếp xây dựng một chiếc xe mang thương hiệu riêng, mà chỉ tìm kiếm giải pháp khiến trải nghiệm lái xe trở nên tuyệt vời hơn, an toàn hơn và gắn chặt với hệ sinh thái do họ tự xây dựng.

Một điểm sáng trong tình hình tài chính quý vừa qua của Apple là mảng dịch vụ tăng trưởng 19%, mang lại doanh thu gần 6 tỷ USD. Không ít nhà phân tích dự đoán, bên cạnh phần cứng, Apple sẽ đầu tư hơn vào mảng phần mềm. Gần đây, một số nguồn tin cho biết Apple đã đầu tư phát triển dịch vụ video streaming, hoạt động như là một phiên bản của Apple Music dành cho TV và phim.

Mỗi công ty đều trải qua những giai đoạn thăng trầm nhất định. Đây có thể chỉ là giai đoạn chững lại trước khi Apple tiếp tục tiến xa. Giới công nghệ hoàn toàn có thể tin vào điều đó nếu Apple vẫn bám theo triết lý mà Steve Jobs định ra.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here