Nội Dung Chính
Đã có không ít phản ứng của giới chuyên môn, công luận, song hình ảnh chiếc áo blouse vẫn xuất hiện khá dày trên các thước phim quảng cáo từ cafe, kem đánh răng, thuốc kích dục tới nước tẩy bồn cầu và nước mắm.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt- Đức bày tỏ sự bức xúc gay gắt: “Tôi kiên quyết phản đối việc lạm dụng hình ảnh này vào các quảng cáo trên truyền hình. Tôi nghĩ rằng, nếu sử dụng hình ảnh áo blouse, các đơn vị phải xin ý kiến của Bộ Y tế”.
Lạm dụng như một sự đảm bảo?
Sau sự xuất hiện hình ảnh chuyên gia mặc áo blouse giới thiệu dầu ăn, sữa, nay cả cafe cũng trưng dụng màu áo này.
Trong một đoạn clip quảng cáo Vinacafe, người diễn viên nam khoác chiếc áo blouse thể hiện sự sảng khoái khi nhâm nhi tách café.
Rồi đến sâm Alipas, với thời lượng chưa đầy 50 giây, thước phim gần như sử dụng tối đa chiếc áo blouse trong sự xuất hiện nhiều lần của nam diễn viên trong vai bác sĩ. Với sự khẳng định loại sâm này có thể phục hồi sinh lực phái mạnh nhờ sự tái tạo nội tiết tố nam Testosterone, sự xuất hiện của bóng dáng màu áo bác sĩ như một sự đảm bảo tuyệt đối.
Tiếp đến là nước rửa bồn cầu Vim. Cô gái mặc áo blouse khuyên chị em nội trợ là không nên dùng xà phòng tẩy rửa bồn cầu mà phải dùng nước tẩy Vim. Cô ‘bác sĩ’ này đưa ra lời khuyên rất buồn cười ở chỗ, chẳng có ai dùng xà phòng để tẩy bồn cầu cả!
Theo các chuyên gia, xà phòng giặt chủ yếu là sút nên sẽ hủy hoại môi trường trong bồn cầu, tiêu diệt các vi sinh vật làm nhiệm vụ phân hủy trong đó. Kết quả là khả năng tự hoại của bồn cầu giảm đi nhanh chóng.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, việc sử dụng áo blouse vào quảng cáo cần phải xin ý kiến của Bộ Y tế, song khi chúng tôi liên hệ đến một Công ty Luật chuyên tư vấn, xin giấy phép cho các loại quảng cáo thì không hề có yêu cầu này.
Theo nhân viên của Công ty luật Bravo, ngay cả quảng cáo về mỹ phẩm, chỉ cần sản phẩm đã công bố tiêu chuẩn chất lượng, nếu trong đoạn phim quảng cáo cần sử dụng áo blouse cũng chỉ là để bảo đảm vệ sinh chứ không cần phải xin ý kiến gì ai.
Điều này trái với quy định của thông tư số 13/2009/TT-BYT, ngày 1/9/2009 về hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc, Bộ Y tế đã cấm hàng loạt các hoạt động liên quan đến quảng cáo như: cấm sử dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y, dược… để quảng cáo, khuyên dùng thuốc.
Mập mờ đánh lận con đen…
Dù thông tư 13/2009/TT-BYT nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh, nhưng trong quảng cáo sâm Alipashình ảnh nam diễn viên mặc áo blouse xuất hiện với một phác đồ như một minh chứng chỉ các bác sĩ mới có thể đưa ra kết luận mang tính chuyên môn như vậy.
Hình ảnh nam diễn viên mặc áo blouse xuất hiện với một phác đồ như một minh chứng chỉ các bác sĩ mới có thể đưa ra kết luận mang tính chuyên môn như vậy.
Dù rằng, đây không phải là quảng cáo thuốc, song bà Ninh Thu Hương, Trưởng phòng Quảng cáo và Tuyên truyền, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận rằng, các quảng cáo về sản phẩm hỗ trợ sinh lý cho nam giới hiện nay hơi mập mờ về mặt thông tin giữa thực phẩm chức năng và thuốc kích dục. Thực ra rất khó cho cơ quan quản lý khi họ cho rằng đây chỉ là sản phẩm chức năng.
“Thế nhưng đây lại không phải là thuốc mà là thực phẩm chức năng. Với mặt hàng này, theo quy định của Bộ Y tế lại không cấm mà chỉ cấm quảng cáo các loại thuốc theo kê đơn của bác sĩ”, bà Hương nói.
Chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế với mong muốn làm rõ vấn đề sử dụng hình ảnh áo blouse vào các quảng cáo trên truyền hình cũng như việc mập mờ thông tin trong các quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc kích dục. Tuy nhiên, bà Tiến cho biết bà chưa thể trả lời vì bận họp.
Không biết việc triển khai các quy định được thực hiện đến đâu, song những người đang khoác trên mình chiếc áo blouse thực sự họ vẫn cảm thấy ‘chướng’ và khó chịu khi thấy xuất hiện hình ảnh này liên tục trong các thước phim quảng cáo.