Amazon đang học hỏi Alibaba như thế nào?

0
877

Ai cũng nghĩ Alibaba chỉ là kẻ theo đuôi Amazon, nhưng trong ngành cửa hàng tạp hóa thì có lẽ Amazon mới là người đi sau Alibaba.

Trong nhiều năm qua, người ta vẫn nghĩ hãng Alibaba của Jack Ma chỉ đơn giản là kẻ theo đuôi tập đoàn Amazon của Jeff Bezos. Cũng giống như Amazon, gần đây Alibaba bắt đầu mở rộng ra mảng kinh doanh điện toán đám mây và nội dung giải trí. Nhưng khi Amazon chi ra 13,7 tỷ USD để mua lại chuỗi siêu thị Whole Foods và làm chấn động ngành bán lẻ Mỹ, thì thực ra đây lại là lĩnh vực mà Jack Ma đã đi trước.

Alibaba đã lặng lẽ ấp ủ dự án chuỗi siêu thị Hema trong 2 năm. Tháng trước, Alibaba đã mở thêm 3 siêu thị Hema và nâng tổng số cửa hàng lên 13, chủ yếu tập trung ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Được thiết kế sáng sủa, các siêu thị khổng lồ này kết hợp trải nghiệm mua sắm online lẫn offline, cho phép khách hàng có thể tải ứng dụng Hema để quét mã QR code của sản phẩm và tự thanh toán bằng ví điện tử Alipay của họ.

Quầy hải sản tươi sống của Hema là một trong những yếu tố chính thu hút người tiêu dùng Trung Quốc. Khách hàng có thể chọn cua hoặc tôm hùm tươi sống và yêu cầu nhân viên nấu ngay tại chỗ để ăn trong cửa hàng, hoặc yêu cầu giao hàng tận nhà. Các cửa hàng Hema cũng đóng vai trò nhà kho để bảo đảm Alibaba có thể giao hàng trong 30 phút trong một phạm vi bán kính nhất định.

Trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2017 vào tuần trước, các nhà lãnh đạo của Alibaba đã dành một khoảng thời gian đáng kể để thảo luận về chiến lược bán lẻ offline. CEO Daniel Zhang cho biết: “Đây không phải là siêu thị. Đây không phải là một trung tâm thực phẩm. Hema chỉ là một ví dụ về việc Alibaba có thể vận hành kinh doanh offline như thế nào”.

Một tấm gương cho Amazon

Các thử nghiệm của Hema về cách chọn hàng hóa, thanh toán, và giao hàng có thể cho phép mọi người hình dung về những gì mà Bezos đã suy nghĩ khi thâu tóm Whole Foods. Việc mua lại Whole Foods sẽ mang lại cho Amazon hàng trăm cửa hàng có thể đóng vai trò như các kho để giao hàng nhanh. Đây cũng là cơ hội cho Amazon cung cấp các trải nghiệm mua sắm trực tuyến trên một quy mô rộng lớn hơn.

Hiện nay, lĩnh vực kinh doanh các cửa hàng tạp hóa truyền thống của Amazon vẫn còn khá khiêm tốn. Công ty chỉ có một cửa hàng tiện lợi “Amazon Go” ở Seattle – vẫn còn ở dạng thử nghiệm – cho phép khách trả tiền bằng điện thoại. Công ty cũng đã giới thiệu các điểm nhận hàng (pickup point) để khách hàng có thể đến và lấy hàng ngay sau khi đặt hàng trực tuyến.

Trong khi đó, Hema đã qua giai đoạn thử nghiệm. Trong kết quả tài chính mới nhất, Alibaba đã chuyển doanh thu của Hema từ nhóm “sáng kiến ​​đổi mới” sang nhóm doanh thu bán lẻ thương mại tại thị trường Trung Quốc. Đối với Alibaba, Hema chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Jack Ma đang cố gắng tăng sức cạnh tranh trong ngành bán lẻ trị giá 4,5 nghìn tỷ USD của Trung Quốc vì ông đã tiên đoán được “những thách thức to lớn” đối với các công ty chỉ có mảng kinh doanh online, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.

Mối đe dọa trực tuyến

Quy mô Alibaba trong ngành thương mại điện tử Trung Quốc đang vượt xa bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào trong ngành bán lẻ offline. Trong khi tổng doanh thu của Amazon chỉ bằng khoảng 1/3 tổng doanh thu của Wal-Mart.

Amazon cũng đang phải đối mặt với ​​mối đe dọa cho mô hình kinh doanh 100% trực tuyến của mình, vì những đối thủ bán lẻ khác như Wal-Mart đã bắt đầu lấn vào sân chơi của họ. Bezos đã buộc phải mở rộng sang việc mở các cửa hàng bán lẻ, và không chỉ trong lĩnh vực tạp hoá: ông cũng đang mở các cửa hàng sách truyền thống, nơi Amazon có thể chào bán các thiết bị điện tử mới của mình.

Vào tháng 1 năm nay, Alibaba đã đạt thỏa thuận mua lại công ty Intime Retail Group (Trung Quốc) có trị giá 2,6 tỷ USD, hiện đang điều hành và quản lý 29 cửa hàng bách hóa và 17 trung tâm mua sắm trên toàn Trung Quốc. Alibaba cũng đang hợp tác với công ty bán lẻ điện tử Suning Commerce Group, nơi mà Alibaba hiện cũng đang là cổ đông.

Alibaba có vẻ như đang đi trước Amazon một bước, một phần là do cơ cấu ngành bán lẻ ở Trung Quốc, nơi có rất nhiều sự cạnh tranh gay gắt trong phân khúc thương mại điện tử. Theo James Cordwell, một nhà phân tích của Atlantic Equities, quy mô Alibaba trong ngành thương mại điện tử Trung Quốc đang vượt xa bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào trong ngành bán lẻ offline. Trong khi tổng doanh thu của Amazon chỉ bằng khoảng 1/3 tổng doanh thu của Wal-Mart.

Tuy nhiên, Cordwell nói: “Tôi đoán Amazon là biết Alibaba đang làm gì. Hai công ty này sẽ có sự bắt chước lẫn nhau”.

Cả Alibaba và Amazon đều tìm cách để tận dụng kho dữ liệu về hàng triệu người tiêu dùng mà họ đang có. Trong ứng dụng Hema, lịch sử mua hàng và sở thích của người dùng sẽ được lưu lại, và người dùng có thể được giới thiệu các sản phẩm được tùy biến cho hợp với cá nhân họ. Trong khi đó, Amazon có thể sẽ sử dụng dịch vụ thành viên Prime để gửi mã giảm giá và những lời khuyên mua hàng được tùy biến cho từng người.

RJ Hottovy, một nhà phân tích tại Morningstar, nói: “Dù người tiêu dùng Mỹ đã quen với việc mua sắm trên di động, người Trung Quốc đã bỏ xa họ về mặt này, nghĩa là Alibaba sẽ có nhiều cơ hội béo bở nếu triển khai chiến lược O2O (online-to-offline)”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here