Adidas, Nike dùng robot sản xuất giày: Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên?

0
793

Chi phí lao động tại châu Á tăng trưởng hai con số trong những năm gần đây, trong khi đầu tư vào robot thì chỉ cần gần 10 năm là hòa vốn.

Một thế kỷ trước, thợ đóng giày người Đức Adi Dassler đã cách mạng ngành sản xuất giày khi ông bắt đầu chế tác những chiếc giày bằng tay. Ngày nay, hầu hết 258 triệu đôi giày của công ty Adidas do ông sáng lập đang được sản xuất chủ yếu ở châu Á nhờ vào chi phí nhân công rẻ.

Điều này sẽ sớm thay đổi khi robot có thể sản xuất rẻ hơn, nhanh hơn và linh hoạt hơn lao động của con người. Ngành sản xuất giày dép sẽ bắt đầu quay trở về với những nước phát triển như Đức, nhờ đó, tiến độ hợp đồng nhanh hơn, chi phí vận chuyển hàng hóa thấp hơn… Nhiều người gọi đây sẽ là cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư.

Đưa robot vào dây chuyền sản xuất

Theo hãng tin Reuters, Adidas đang làm việc với chính quyền Đức, các viện nghiên cứu và các công ty robot với hy vọng sẽ thay đổi đáng kể ngành công nghiệp giày dép.

“Chúng tôi sẽ mang sản xuất quay lại thị trường chính là Đức”, Giám đốc điều hành của Adidas Herbert Hainer nói hồi tháng ba năm nay. “Chúng tôi sẽ vươn lên dẫn đầu và là công ty đầu tiên làm điều này”.

Adidas hy vọng có thể sản xuất giày thể thao theo ý khách hàng ngay tại cửa tiệm ở Berlin vào năm tới, bằng cách sử dụng một máy khâu và chất tạo bọt để làm đế giày. Hiện công ty đang làm việc với nhà cung cấp máy móc Johnson Controls, công ty chuyên về robot Manz và hãng sản xuất máy dệt kim Stoll về quy trình mới nhằm đạt được mục tiêu này.

Adidas cho biết việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại Đức có thể giúp giảm lượng hàng tồn kho, vốn phải giảm giá mới tiêu thụ hết. Nhờ đó, tỷ suất lợi nhuận có thể tăng từ mức 6,6% lên 10% năm 2014, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với kỷ lục 13% của Nike hồi năm ngoái.

Nike đã vươn lên là hãng sản xuất đồ thể thao lớn nhất thế giới trong những năm gần đây. Hãng hiện đang có nhiều sản phẩm sáng tạo, điển hình là dòng giày “Flyknit” được làm từ loại sợi dệt kim bằng máy.

Hãng này vốn đối mặt với nhiều chỉ trích trong việc sử dụng lao động châu Á, đang đầu tư mạnh vào các phương pháp sản xuất mới. Hãng hiện vẫn chưa chắc chắn về việc sẽ chuyển sản xuất về Mỹ giống như Adidas quay lại Đức hay không.

Tuy nhiên, trong một chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến trụ sở Nike hồi tháng 5, hãng này đã hứa sẽ tạo 10.000 việc làm tại Mỹ trong những năm tới thông qua việc gia tăng sản xuất tại đây, nếu một thỏa thuận thương mại với các nước châu Á được phê duyệt.

Nike cũng đang cố gắng cản trở Adidas sản xuất giày dệt kim khi cáo buộc vi phạm bằng sáng chế công nghệ “Flyknit” được hãng ra mắt hồi năm 2012.

Philip Knight, đồng sáng lập của Nike, đã làm nóng ngành công nghiệp sản xuất đồ thể thao mà Adidas đã thống trị cho đến năm 1970 bằng luận văn gây tranh cãi. Lúc đó ông cho rằng đôi giày thể thao sản xuất ở Nhật với chi phí thấp hơn có thể cạnh tranh với các phiên bản đắt hơn làm tại Đức.

“Chúng tôi đã đầu tư nhiều tiền và nguồn lực nhằm tăng tốc độ của chuỗi cung ứng và đưa sản phẩm tới ngưởi tiêu dùng nhanh nhất có thể”, Trevor Edwards, Chủ tịch thương hiệu Nike chia sẻ.

Cắt giảm lao động

Chìa khóa để chuyển ngành sản xuất giày dép của Adidas gần hơn với thị trường châu Âu là những công nghệ giúp cắt giảm lao động. Máy móc giờ đây có thể đan được tất chân, robot làm được nhiều việc hơn là chỉ hoàn tất những công đoạn cuối cùng, trong khi máy in 3D có thể sớm sản xuất được đế giày theo kích cỡ của khách hàng.

Điều này có thể đe dọa hàng triệu lao động giá rẻ trong ngành công nghiệp sản xuất giày dép tại các nước như Trung Quốc, Brazil và Việt Nam.

Theo Hiệp hội ngành công nghiệp giày dép Bồ Đào Nha (APICCAPS), hiện châu Á sản xuất 87% lượng giày dép trên thế giới, với Trung Quốc là “công xưởng” lớn nhất, theo sau là Ấn Độ, Brazil và Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam đang sản xuất khoảng 42% lượng giày của Nike, và 39% lượng giày của Adidas. Chính vì thế, một khi các ông lớn này bắt đầu chuyển sang sử dụng các công nghệ tự động hóa, thì Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên chịu ảnh hưởng. Khi đó, dù ngành dệt may có được nhiều lợi ích từ việc tham gia TPP thì người lao động vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi.

Năm 2013, Nike từng cho thôi việc hơn 100.000 công nhân trên thế giới nhờ tự động hóa một phần các khâu sản xuất. Hiện nay, Nike đang có tổng cộng hơn một triệu công nhân, trong đó công nhân Việt Nam chiếm khoảng một phần ba.

Robot sẽ “lật đổ” công nhân

Theo dự đoán của Tập đoàn Tư vấn Boston (Boston Consulting Group – BCG), robot được kỳ vọng có thể giảm hơn 18% chi phí lao động vào năm 2025.

Nghiên cứu của quỹ đầu tư Macquarie Capital cho thấy, chi phí lao động tại châu Á chiếm trung bình 20 – 30% chi phí sản xuất. Trong khi đó, lương công nhân tại Trung Quốc đã tăng trung bình 10 – 15% mỗi năm.

Quỹ này cho biết, chi phí lao động đang gây áp lực lớn đến các công ty dệt may, da giày và việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước có chi phí lao động rẻ hơn như đã đề cập ở trên không phải là giải pháp tối ưu, bởi chi phí lao động tại các nước này đều tăng trưởng hai con số.

Theo phân tích của Benzinga, nếu chi phí lao động tăng trưởng hai con số, những công ty như Nike cần phải tăng giá bán ít nhất 5% nhằm duy trì lợi nhuận gộp.

Macquarie Capital cho rằng việc sử dụng công nghệ tự động hóa là một giải pháp hiện nay. Nike vốn được biết đến với tham vọng tự động hóa sản xuất. Năm 2013, Nike đã mua lại cổ phần thiểu số trong Grabit, một công ty chuyên về giải pháp xử lý tự động hóa và vật liệu công nghiệp.

Còn theo Ark Investment Management, chi phí để mua một robot là 250.000 USD và phí bảo trì khoảng 10.000 USD/năm. Trong khi đó, nhân công nhà máy trung bình từ 2 – 47 USD/giờ làm việc, tùy từng nước. Mặc dù chi phí ban đầu để mua robot cao hơn tiền lương một nhân viên, khả năng hòa vốn lại là khá nhanh. Tại Đức và Mỹ, thời gian hòa vốn là dưới một năm. Trong khi tại Hàn Quốc, Mexico và Trung Quốc, với mức lương công nhân trung bình lần lượt là 19, 6 và 2 USD mỗi giờ, thời gian hòa vốn tại các nước này tương ứng chưa đến 2 năm, 6 năm và 9 năm.

Yves-Simon Gloy, chuyên gia từ Viện Công nghệ Dệt may tại Đại học Aachen đang hợp tác với Adidas, nhận thấy cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang khởi đầu khi chứng kiến sự nổi lên của hàng loạt công nghệ mới.

Nhưng cả Bennett và Gloy không mong đợi những máy móc thông minh này hoàn toàn chiếm đoạt lao động của con người. “Bước đột phá có thể sẽ xảy ra trong khâu hoàn thiện các sản phẩm tiến gần hơn tới người tiêu dùng, chứ không phải toàn bộ các hoạt động”, Bennett nói.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here