Nội Dung Chính
“Nhiều người nghĩ làm với nhãn hàng quốc tế phải từng du học, nói tiếng Anh như gió, điều kiện của tôi không được vậy, chỉ có nỗ lực”, Giám đốc truyền thông số Mindshare VN kể.
Đó là cách chị Tạ Thu Hương, giám đốc mảng truyền thông số của Mindshare Việt Nam mở đầu câu chuyện về mình, không tự mãn, cũng không một chút bi kịch hóa. Vừa sinh con được 2 tháng, hàng ngày chị Tạ Thu Hương vẫn xử lý công việc khi team cần hỗ trợ, vẫn chăm con nhỏ và tự hào vì “vắt được sữa mẹ tích trữ cho bé”.
Đóng dự án mới an tâm lâm bồn
Giành giải nhì hạng mục “Engagement Planner của năm” do Campaign Asia-Pacific vừa công bố tại Singapore, chị Tạ Thu Hương vỡ òa trong hạnh phúc dù không thể trực tiếp tham dự lễ trao giải. Niềm vui đó nhân gấp bội khi đơn vị chị làm việc – Mindshare Việt Nam cũng được trao giải Bạc hạng mục “Agency của năm”. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, Mindshare Việt Nam giành giải ở hạng mục này.
Năm qua, agency chị Hương làm việc đã thắng đậm ở châu Á Thái Bình Dương với 8 giải Vàng, 4 giải Bạc và 4 giải Đồng và 11 giải giành cho cá nhân, trong đó có chị. Trước đó, hàng loạt chiến dịch truyền thông chị tham gia thực hiện cho Unilever đều thắng lớn với giải Vàng, giải Bạc cấp độ toàn cầu và khu vực ở “đấu trường” Smarties do MMA – Mobile Marketing Association (Hiệp hội Mobile Marketing thế giới) tổ chức.
Chỉ những người ăn, ngủ cùng các dự án đó mới cảm nhận rõ “trái ngọt” mà chị Hương nhận được ý nghĩa nhường nào. Cùng chung tay thực hiện đồng thời hàng chục chiến dịch truyền thông lúc đang bầu to em bé thứ 2, chị Hương chưa từng cảm thấy mệt mỏi vì làm việc quá nhiều và quá khuya. “Xong dự án tôi mới yên tâm đi đẻ. Không phải cộng sự không hỗ trợ, ở Mindshare, đồng nghiệp giúp tôi rất nhiều nhưng tôi vẫn thường xuyên làm việc đến 1, 2 giờ sáng vì mình thực sự thích và say”, chị kể.
Hai năm qua, chị Tạ Thu Hương đã góp phần quan trọng mang lại hàng loạt giải thưởng lớn cho những chiến dịch truyền thông của nhãn hàng quốc tế Unilever tại Việt Nam, từ “Selfie và Vẻ đẹp đích thực” – Dove, “Clear – My Kool Việt Nam”… đến “Tự tin hát nốt cao” – Close up, “Từ điển ngôn ngữ tóc” – Sunsilk… Bí quyết của chị đơn giản là “Mình là người Việt, mình hiểu tâm lý Việt, văn hóa Việt nên biết cách kết hợp công nghệ và thấu hiểu để truyền thông trúng, lợi thế ở đó thôi, chứ các cộng sự nước ngoài đều rất giỏi”.
Chạm ngõ truyền thông số từ nhảy việc
Chị Hương không được đào tạo về truyền thông, không có lợi thế tiếng Anh ngay từ những ngày đầu đi làm. Với xuất phát điểm đó, ít người nghĩ chị có thể làm được, thậm chí làm tốt và mang lại thành công cho những chiến dịch truyền thông số của một trong những nhãn hàng quốc tế lớn nhất thị trường Việt Nam.
Chị kể, chị học ở Hà Nội nhưng giờ làm việc tại TP HCM. Nhà chị cũng không có điều kiện để đi du học. Từ năm đại học thứ 2, chị bắt đầu làm thêm từ những việc như chào khách ký hợp đồng mua báo dài hạn để hưởng hoa hồng, nhân viên khảo sát thị trường để lấy tiền đóng học. Sang đến năm cuối sinh viên, chị làm nhân viên văn phòng cho một công ty của Đan Mạch. Đó cũng là lần đầu tiên chị nhận ra tiếng Anh quan trọng nhường nào.
“Nhiều người nghĩ làm với nhãn hàng quốc tế phải từng du học, nói tiếng Anh như gió, điều kiện của tôi không được vậy, chỉ có nỗ lực và luôn cố làm tốt hết sức từng công việc mình đảm trách. Còn nhớ khoảng 9-10 năm về trước, lĩnh vực dịch vụ giá trị gia tăng mới bắt đầu nở rộ ở Việt Nam với những đầu số 8xxx, 1900, nhắn tin bình chọn… Tôi đầu quân cho một công ty về lĩnh vực này và bắt đầu làm quen với truyền thông số. Không biết chút gì về truyền thông, công nghệ, tôi tự học và tự đi xin kết nối với các nhà mạng. Nhưng may mắn là nguồn tư liệu Internet rất mở và thực sự tôi thích, cứ học – làm, làm – học mà không biết mệt”, chị kể.
Sau quãng thời gian tập sự đó, chị chuyển sang một công ty có hợp tác với Yahoo cho dịch vụ Yahoo SMS Messenger. Từ đây, thách thức về ngôn ngữ toàn cầu thực sự ập tới. “Lần đầu gặp CEO trong thang máy, tôi… đứng hình, chỉ biết cười, không nói được một câu dù rất muốn chào hỏi, tự thấy thật xấu hổ vì được học tiếng Anh từ năm lớp 6”, chị nhớ lại. CEO đó đã trở thành người thầy tiếng Anh của chị với 15 phút đầu ngày mỗi sáng và một tách café “thù lao”.
“Đó thực sự là ngôi trường rèn nghề của tôi, với một bản đề xuất bị gạch chéo từ góc trên cùng bên phải tới góc dưới cùng bên trái, với bản kế hoạch làm đi làm lại tới lần thứ 18 mới được duyệt, nhưng tôi chưa bao giờ nản chí. Để rồi sau 4 năm rưỡi, từ vị trí nhân viên, tôi trở thành trưởng chi nhánh khu vực TP HCM”, chị Hương tâm sự.
Không dừng lại ở đó, sau khi cảm thấy “đủ” với mảng tiếp thị trên di động, chị tò mò và nhảy qua lĩnh vực sáng tạo truyền thông số tại Edge Marketing với vị trí Quản lý khách hàng cao cấp. Tại đây, những chiến dịch hợp tác truyền thông số của nhãn hàng Mead Johnson tại Việt Nam bắt đầu ra đời. Các chương trình này đã giúp chị đạt được điểm số hài lòng của khách hàng 98/100 trong đánh giá chất lượng dịch vụ.
Cứ như vậy, 10 năm với 5 lần nhảy việc, chị Hương dần mở ra thế giới rộng lớn của truyền thông số, từ cách làm việc với nhãn hàng, cách marketing, lên ý tưởng sáng tạo đến truyền thông đa phương tiện và kết nối cộng đồng… “Có những bước nhảy mọi người coi là tụt về vị trí nhưng tôi lại xem là thăng hạng, vì mình được học và trải nghiệm những điều mới”, Giám đốc truyền thông số Mindshare Việt Nam tâm niệm.
“Tôi là người may mắn và tin vào luật nhân quả”
“Ai dám đương đầu thử thách và chấp nhận khó khăn, người đó chắc chắc được nhận trái ngọt quả thơm. Và hãy cứ cho đi, vì ít nhất điều đó đã khiến cuộc sống hiện tại của chính mình được vui vẻ, ý nghĩa hơn”.
May mắn là từ được chị nhắc khá nhiều lần trong suốt cuộc trò chuyện. Chị bảo, kết quả công việc thành công như vậy nhưng chị chưa bao giờ vỗ ngực dám nhận mình giỏi – “Tôi chỉ là người may mắn và có hơn người khác may chăng là ở sự nỗ lực không mệt mỏi”.
Ở tất cả những nơi từng làm việc, chị đều được học các mảng mới và được thiết lập nhóm để trải nghiệm chính những điều đó. Chị may bởi cộng sự của chị đều là những người chuyên nghiệp và hỗ trợ hết mình cho nhau. “Một mình mình, không thể làm nên điều gì cả. Ở Mindshare Việt Nam, bộ phận tôi phụ trách từ 3 người đã phát triển thành 13 người sau 3 năm và có thể đảm nhận được hơn 30 dự án cùng lúc. Thực sự, họ là những đồng nghiệp tuyệt vời” – chị nói.
Unilever cũng được chị gọi là “ngôi sao may mắn” trong chặng đường đã đi. Bởi chị dệt giải vàng, giải bạc cho những chiến dịch truyền thông của nhãn hàng quốc tế đó, hay cũng chính Unilever đã chắp cánh để chị được phát triển và sống với hết đam mê của mình.
Làm ở Mindshare, chị đến với khách hàng Unilever cũng rất tình cờ. Chị nhớ khi đó họ cần một người phụ trách mảng truyền thông số cho nhãn hàng này, đã tuyển rất nhiều mà không được vì không ai đáp ứng trọn tiêu chí của cả Mindshare và Unilever. Sau 4 vòng phỏng vấn, gặp cả giám đốc truyền thông của Unilever, chị trúng tuyển.
“Không có dự án nào tháng sau chạy mà tháng này chúng tôi mới lên kế hoạch, tất cả đều phải chuẩn bị trước cả năm, thật kỹ càng và chi tiết. Unilever đòi hỏi rất cao, với bất kể đề xuất nào, câu hỏi đầu tiên của họ luôn là ‘Có cái gì mới?’ và yêu cầu luôn là ‘mới nhất, hay nhất, tốt nhất’. Với thách thức đó, chúng tôi phải đến gặp nhiều đối tác nước ngoài như Facebook, Google và đặc biệt là các đối tác nội địa như Zalo, Adtima, Admicro… để hỏi mọi người sắp có cái gì mới, sắp có dự án gì hay, xin bản beta của những giao diện, chiến lược mới để hợp tác cùng họ, chứ hoàn toàn không chỉ xây dựng trên những nền tảng có sẵn của thị trường” – Giám đốc truyên thông số của Mindshare Việt Nam chia sẻ.
Thành đạt trong công việc với tuổi đời khá trẻ song chị Hương không phải không có những phút yếu lòng, nhất là thời điểm sau khi sinh em bé thứ nhất và mỗi lần con bệnh. Từng có giai đoạn quá căng thẳng, chị xin nghỉ làm một tháng để trở thành người phụ nữ của gia đình. Nhưng chồng chị đã động viên chị quay lại với đam mê bởi điều đó tốt hơn cho chính bản thân chị.
“Không phải lúc nào mình cũng có thể mạnh mẽ, hãy chia sẻ những lúc chùng vai để được gia đình hỗ trợ. Tôi may mắn có bố mẹ, chồng và mẹ chồng giúp sức rất nhiều”, chị nói.