5 Bài học lãnh đạo của CEO Netflix

0
663

Để tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành kênh truyền hình online đầu tiên phủ sóng toàn cầu, Neflix cho biết trong năm 2016 này sẽ mở rộng dịch vụ truyền hình đến 130 quốc gia.

Quyết định táo bạo này được CEO Reed Hastings công bố tại CES 2016 hồi đầu tháng 1 vừa rồi. Reed Hastings vốn là thế: táo bạo, và thành công!

Với tài sản 1 tỷ USD, Reed Hastings đã được “gọi tên” trong danh sách tỷ phú thế giới 2015 của Forbes. Nhưng với công chúng, Reed Hastings không chỉ là một doanh nhân, ông còn thường xuyên xuất hiện trong vai trò là một nhà từ thiện giáo dục.

Hiện thực hóa ý nguyện chia sẻ và định hướng tầm nhìn của mình cho thế hệ trẻ, trong một lần phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Trường kinh doanh Stanford, Reed Hastings đã nói về 5 bài học mà ông có được từ kinh nghiệm làm lãnh đạo trên cương vị CEO 18 năm ở Netflix. Đó là:

1. Phản ứng nhanh

Khi Neflix được thành lập vào năm 1997, muốn xem một bộ phim ở nhà người Mỹ có thói quen đến một cửa hàng video gần nhất, thuê một đĩa DVD hoặc băng VHS và sau đó cố gắng để trả lại đúng thời hạn.

Hastings kể, ý tưởng thành lập Netflix nảy ra khi ông gặp rắc rối về thời hạn trả đĩa. Ông nhận ra rằng những chiếc đĩa nhựa có đủ dung lượng cho một số lượng lớn các dữ liệu và đủ nhẹ để ý tưởng cho thuê chúng qua thư tín trở nên khả thi.

Lúc đó, Blockbuster với hệ thống 9.000 cửa hàng và 60.000 nhân viên được xem là chuỗi cửa hàng cho thuê video lớn nhất lại phản ứng chậm trước sự phát triển của thị trường. Blockbuster đã không xem Netflix là một mối đe dọa thật sự cho đến năm 2004.

“Blockbuster có quy mô lớn hơn Netflix tới 15 lần và nếu họ “để ý” tới chúng tôi sớm hơn hai năm, có lẽ họ đã giành chiến thắng”, Hastings cho biết.

2. Xây dựng văn hóa “tự do đi đôi với trách nhiệm”

Một trong những bí quyết lãnh đạo mà Hastings rất hay nhắc đến là “đưa ra quyết định càng ít càng tốt”.

Quyết định sản xuất bộ phim nổi tiếng Hosue of Cards là một trong những dự án lớn, nhưng cuộc họp để thông qua dự án chỉ kéo dài 30 phút. Với nền móng và những chi tiết định hình cho bộ phim đã được các nhân viên xây dựng và thiết kế sẵn, việc ra quyết định của Hastings trở nên dễ dàng hơn.

“Điều này tạo ra một niềm tin rằng nếu tôi muốn tạo sự khác biệt, tôi có thể làm được điều đó”, ông nói, “Tự do là một phần của văn hóa tại Netflix. Cái còn lại là trách nhiệm”.

Chính sự tự do và trách nhiệm của nhân viên luôn đi đôi với nhau đã tạo ra một nền văn hóa hiệu suất cao ở Netflix.

Hastings cho biết, ở Netflix, “Hoàn thành tốt nghĩa vụ luôn nhận được những sự đối đãi hào phóng. Điều này áp dụng với mọi người”.

3. Nhiều hơn sẽ “lớn” hơn

Hastings khuyên các CEO trẻ tuổi nên ghi nhớ trang 86 cuốn sách Beyond Entrepreneurship của tác giả James Collins, “Bạn phải chiến đấu chống lại ý tưởng rằng khi bạn có nhiều người hơn, văn hóa công ty ngày càng tệ hơn”.

Tại Netflix, Hastings nhận ra rằng công ty trở nên tốt hơn đáng kể khi có nhiều bộ óc suy nghĩ chung một vấn đề.

“Nếu bạn có 1.000 người thực sự suy nghĩ chu đáo về cách làm thế nào để cải thiện, bạn sẽ phát triển nhiều hơn khi bạn chỉ có 100 người”, Hastings nói.

4. Không nhất thiết phải có thiên tài

Một số công ty hoạt động theo nguyên tắc đặt việc phát triển sản phẩm tốt nhất lên hàng đầu. Đó là khi toàn thể mô típ của công ty vận hành theo một CEO tài giỏi, một con người của sản phẩm, tựa như cựu CEO Apple Steve Jobs.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào một cá nhân có thể là một yếu tố bất lợi cho công ty. Theo Hastings, bạn sẽ xây dựng được một công ty trường tồn nếu biết nuôi dưỡng nhiều tài năng.

“Netflix tập trung vào việc đem lại sự thoải mái và tự do cho mỗi nhân viên trong việc đóng góp ý kiến. Họ có thể đưa ra những điều sai lầm, tất nhiên, nhưng bạn cũng sẽ nhận được rất nhiều ý tưởng tuyệt vời”, ông chia sẻ.

5. Khuyến khích sự thay đổi, dù có thể mắc sai lầm

Netflix đã thực hiện một sự thay đổi căn bản trong mô hình kinh doanh của mình trong năm 2009, khi tách kinh doanh đặt hàng qua điện tín ra khỏi mảng kinh doanh trực tuyến và tính phí riêng. Việc này được dự kiến sẽ mang lại tỷ lệ tăng trưởng 60% cho công ty.

Tuy nhiên, người tiêu dùng và thị trường chứng khoán ghét kế hoạch này, điều đó khiến công ty đi giật lùi. “Chúng tôi bị ám ảnh về những gì đã xảy ra với Kodak và AOL, khi cả hai công ty cố gắng bám trụ ngành kinh doanh cốt lõi và bỏ qua những cơ hội lớn. Chúng tôi cho rằng, Netflix cần thay đổi nhiều hơn và điều đó đồng nghĩa với việc gia tăng những sai lầm”, Hastings nói.

Khi nhìn lại, Hastings cũng thấy khoảng thời gian thay đổi đó thật khủng khiếp, mặc dù vậy ông vẫn tin rằng thay đổi là điều cần nghĩ đến.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here