Nội Dung Chính
Người nổi tiếng, báo chí có thêm công cụ hỗ trợ công việc và ai cũng có thể live để thông báo những sự kiện quan trọng của mình trên mạng xã hội.
Ngày 1/4, Facebook của Mỹ Tâm đăng dòng thông báo “quyết định 8h30 tối nay online live-sì-triêm với các bạn”. Ngay lập tức, hàng ngàn người hâm mộ lên tiếng hưởng ứng, dù chuẩn bị sẵn tinh thần “ăn Cá tháng Tư”. Đúng giờ hẹn, nữ ca sỹ xuất hiện trên Facebook thông qua tính năng live video và bắt đầu trả lời từng câu hỏi. Video của Mỹ Tâm thu hút hơn 400.000 lượt theo dõi và hơn 30.000 lượt bình luận.
Tương tự, nhiều nghệ sỹ, blogger và người nổi tiếng tại Việt Nam trong thời gian gần đây thường xuyên phát live video để tương tác với công chúng. Người ta dễ bắt gặp Khởi My hay Noo Phước Thịnh “lên sóng” trước giờ diễn, thu hút hàng chục ngàn người theo dõi cùng lúc tại một thời điểm và tổng lượt xem tới hàng trăm nghìn.
Nếu mang ra so sánh, lượng người theo dõi live video của Mỹ Tâm hay Khởi My, cao gấp 5 lần số ghế ngồi trên một sân vận động bóng đá. Đương nhiên, không một liveshow hay live-concert nào ngoài đời thực có thể sánh bằng nếu chỉ so số lượt xem.
Gần công chúng hơn
Hẹn trước ngày “lên sóng”, nghĩ ra một kịch bản giao lưu nho nhỏ và đúng giờ xuất hiện trên Facebook, cách tiếp cận người hâm mộ này giúp người nổi tiếng không cần tổ chức những buổi họp mặt cần nhiều thời gian và sự chuẩn bị trước.
Chia sẻ với chúng tôi, Mỹ Tâm cho biết công cụ mới của Facbook khá thú vị. “Việc sử dụng live video cho khả năng kết nối với khán giả khá cao. Bên cạnh đó mình có thể giải toả những thắc mắc của fan và để khán giả thấy được tính cách và quan điểm của mình”. Bên cạnh đó “Hoạ mi tóc nâu” cũng cho rằng người làm video trực tiếp cũng cần nói chuyện thu hút và có khả năng ứng biến để trả lời.
“Live video thay đổi cách mình tương tác với người hâm mộ. Nếu như trước đó mình chỉ chụp lại, viết lại, thì nay mình có thể nói và quay trực tiếp”, Nhạc sỹ Dương Khắc Linh chia sẻ. Anh cho rằng công cụ này tốt, nhưng không nên quá lạm dụng, chỉ nên dùng khi cần thông báo điều gì đó đặc biệt, đủ thu hút người xem nếu không sẽ gây nhàm chán.
Ai cũng có thể đưa tin
Không riêng gì người nổi tiếng, hầu hết người dùng tại Việt Nam được Facebook cam kết cung cấp tính năng phát video trực tiếp. Nhiều người bắt đầu với việc tường thuật lại những sự kiện quan trọng của cuộc đời, chẳng hạn như khoảnh khắc một sinh viên lên nhận tấm bằng cử nhân, hay giây phút ông bố trẻ chào đón đứa con đầu lòng tại bệnh viện.
Nói về việc live video sẽ thay đổi thói quen của người dùng tại Việt Nam, ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch công ty truyền thông NBN Media, cho rằng thay đổi lớn nhất là ai cũng có thể đưa tin trực tiếp, trực quan và kịp thời. Việc live video trên Facebook là một bước nâng cấp của việc chụp ảnh, quay phim bằng smartphone trước đây. “Ai cũng có thể chụp và quay video ngay tại hiện trường, nơi đang xảy ra những sự kiện quan trọng, hoặc lạ lùng,.. mà các phóng viên phải mất một thời gian để phát hiện và chạy đến”, ông Ngọc chia sẻ.
Theo chuyên gia này, “phát sống” chẳng qua là một hình thức truyền thông tin ở cấp độ cao hơn. Và việc Facebook cung cấp cho tất cả người dùng là một điều tuyệt vời. Ông Ngọc dự đoán live video của Facebook sẽ phổ biến nhanh hơn và mạnh hơn so với tính năng live stream của YouTube bởi nó đơn giản, không yêu cầu điều kiện về lượng subcriber và chất lượng đường truyền.
Khi Facebook đưa ra tính năng live video cho số đông người dùng, và Twitter bắt đầu phát sóng trực tiếp những sự kiện thể thao lớn, nhiều ý kiến e ngại rằng báo chí và truyền hình sẽ bị ảnh hưởng và đón nhận nhiều thách thức. Những con số nghiên cứu cũng nói lên rằng người dùng đang có xu hướng dành thời gian nhiều hơn cho mạng xã hội và video trực tuyến. Công cụ live video trên Facebook và mạng xã hội nói chung giúp Internet có thêm hàng trăm, hàng ngàn “đài truyền hình” cá nhân.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của công cụ này chưa đủ và không thể cạnh tranh với truyền thông đại chúng. Không có chuyện Facebook hay YouTube, Twitter có thể khiến người dân bỏ xem TV hay ngừng đọc báo mỗi ngày.
Live video sẽ khó ảnh hưởng trực tiếp đến truyền hình tại Việt Nam, nhưng sẽ tác động không nhỏ đến YouTube, trong bối cảnh YouTube Connect vẫn đang được triển khai chậm chạp.
“Thông tin là thứ dữ liệu đã được qua xử lý bởi mỗi con người tham gia vào hoạt động truyền thông. Thế nhưng cao hơn nữa là nhu cầu thông tin tri thức, cái thứ thông tin được chăm sóc, đảm bảo,.. được làm giàu nội dung và được sắp xếp theo những trật tự… nhất định và tương lai sẽ còn xuất hiện vào đúng ngữ cảnh, thời điểm. Đây là việc của những cơ quan báo chí uy tín, mà hiếm ‘đài’ cá nhân Facebook nào có thể thay thế, cạnh tranh”, nhà báo Nguyễn Đăng Bền của Đài Truyền hình Việt Nam, chia sẻ trên trang cá nhân.
Cùng quan điểm với nhà báo của VTV, ông Nguyễn Anh Minh, một người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông điện tử tại TP HCM, cũng cho rằng live video sẽ khó ảnh hưởng trực tiếp đến truyền hình tại Việt Nam, nhưng sẽ tác động không nhỏ đến YouTube, trong bối cảnh YouTube Connect vẫn đang được triển khai chậm chạp, và chỉ những nhà làm nội dung chuyên nghiệp như nghệ sỹ, nhóm hài, vlogger khai thác kênh này.
“YouTube cho video chất lượng hơn, bảo vệ bản quyền cho người làm nội dung tốt hơn và trả tiền cho họ. Tuy nhiên, Facebook lại sở hữu lượng người dùng cực lớn và cũng có sức sáng tạo cao. Do đó, nền tảng video của Facebook có rất nhiều tiềm năng chưa thể dự đoán hết”, ông Minh nhận định.
Theo chuyên gia này, các nhà làm nội dung ở Việt Nam, chẳng hạn như nghệ sỹ, người nổi tiếng, blogger, báo chí,… vẫn sẽ tìm đến YouTube như một kênh chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng và quyền lợi, song song với việc dùng Facebook live video để mở rộng thêm lượng khán giả, độc giả. Tính năng phát trực tiếp của Facebook sẽ phổ biến nhanh hơn nhờ dễ sử dụng, nhưng chất lượng video và khả năng kiểm soát bản quyền có thể vẫn là điểm hấp dẫn của YouTube.