Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong đó đưa ra quy định, sẽ gắn mào Taxi E cho phương tiện taxi tính tiền qua phần mềm điện tử.
Đại diện Hiệp hội Taxi và các doanh nghiệp taxi đều bức xúc khi cho rằng, Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi vẫn đưa ra các điều kiện rất ngặt nghèo với doanh nghiệp taxi truyền thống trong khi việc gắn mào Taxi E cho loại hình taxi như Grab và Uber chưa được làm rõ thế nào là Taxi E và mập mờ nên có thể gây rối loạn thị trường và khó tạo nên một sân chơi công bằng cho doanh nghiệp.
Theo Điều 6 và Điều 18 của Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô hiện được Bộ Giao thông Vận tải giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì soạn thảo, xe taxi sẽ bao gồm cả loại taxi truyền thống tính tiền theo đồng hồ và taxi tính tiền thông qua ứng dụng phần mềm điện tử.
Với loại hình taxi này, Dự thảo Nghị định đưa ra sẽ gắn mào Taxi E cố định trên nóc xe. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định, xe taxi tính tiền thông qua ứng dụng phần mềm điện tử kết nối với thiết bị điện tử của hành khách phải cung cấp cho hành khách hóa đơn điện tử, trong đó có các thông tin về chuyến đi gồm tên đơn vị, biển kiểm soát xe, điểm đầu, điểm kết thúc; hành trình, cự ly di chuyển; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi, số tiền hành khách phải trả.
Với taxi truyền thống vẫn giữ nguyên mào Taxi và có sơn, logo biểu trưng của doanh nghiệp, Đỗ Quốc Bình Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội phân tích, Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi vẫn đưa ra các điều kiện rất ngặt nghèo với doanh nghiệp taxi truyền thống.
Cụ thể như, doanh nghiệp phải có trụ sở kinh doanh rõ ràng, có giấy phép kinh doanh, có bộ phận theo dõi, giám sát; người phụ trách doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện, lái xe phải taxi được tập huấn, có chứng chỉ hành nghề.
Hơn nữa, taxi truyền thống bị ràng buộc rất nhiều quy định như xe chỉ được hoạt động 8 năm, phải gắn thiết bị giám sát hành trình để theo dõi, quản lý; đồng hồ tính tiền phải in được hóa đơn, được kẹp chì và kiểm tra của cơ quan chức năng…
“Vậy loại hình taxi mà tính tiền qua ứng dụng phần mềm điện tử thì ai kiểm soát, ai kiểm định,” ông Đỗ Quốc Bình đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, theo ông Bình, sau gần 20 năm hình thành và phát triển nhưng đến nay Hà Nội mới có khoảng 18.000 xe taxi vì bị khống chế bởi quy hoạch của thành phố. Bởi vậy, việc gắn mào Taxi E cho loại hình taxi như Grab và Uber sẽ khiến số lượng taxi của Hà Nội tăng vọt, mất kiểm soát.
“Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải cho thí điểm Grab nhưng hiện doanh nghiệp làm không đúng như đề án nhưng lại không bị tuýt còi, thậm chí còn phát triển rầm rộ. Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 quy định rất mập mờ đối vời loại hình xe được gắn mào Taxi E. Như vậy có nghĩa là muốn hợp pháp hóa Grab và Uber đang hoạt động ngoài vòng quản lý hiện nay?,” vị Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội gay gắt nói.
Là doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống, ông Phạm Duy Kính, đại diện hãng taxi Vic cho biết, trong khi taxi truyền thống đang bị ràng buộc bởi nhiều quy định của luật pháp thì xe Grab, Uber lại bỏ qua nhiều quy định như: Không có phù hiệu, niên hạn của phương tiện, thiết bị giám sát hành trình, đồng hồ tính cước, máy in hóa đơn, bảng giá nên giá cước được tự do điều chỉnh theo mong muốn của hãng.
Loại hình kinh doanh vận tải này được tự do phát triển số lượng xe, tận dụng xe tư nhân để hoạt động kinh doanh gây rối loạn thị trường. Việc xe Uber, Grab hoạt động nằm ngoài sự điều chỉnh của Nghị định 86 đang đẩy các doanh nghiệp taxi truyền thống vào tình thế cạnh tranh bất bình đẳng,” ông Kính bộc bạch.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Taxi Thành Công bày tỏ quan điểm, là những doanh nghiệp taxi làm ăn bài bản, đầu tư cho thương hiệu của hãng và phải chịu rất nhiều ràng buộc, quy định từ Bộ Giao thông Vận tải đến Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là khống chế về số lượng xe. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép thí điểm ứng dụng phần mềm điện tử trong hoạt động xe khách hợp đồng với Grab, loại xe còn gọi là Grabcar nhưng về thực chất hoạt động là xe taxi.
“Dự thảo Nghị định 86 của Bộ Giao thông Vận tải dường như lại muốn hợp pháp hóa cho Grabtaxi và Ubertaxi, như vậy là không công bằng. Tại sao đang thí điểm đã đưa vào luật, phải chăng xong thí điểm chưa cần đánh giá là hợp pháp hóa luôn?” ông Nguyễn Anh Quân đặt vấn đề.
Liên quan đến Dự thảo Nghị định 86 đang được sửa đối này, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, phải làm rõ thế nào là Taxi E và khi đã là taxi thì phải chịu các quy định như taxi truyền thống mới đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, không gây ra phản ứng dư luận?
Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Uber và Grab thống kê số lượng tài xế tham gia mạng lưới nhưng đến nay vẫn chưa cung cấp. Bộ Sẽ yêu cầu Thanh tra giao thông phối hợp với thanh tra các địa phương kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm trong hoạt động thí điểm của Grab sẽ xử lý nghiêm, thậm chí cho dừng hoạt động.