Trong bối cảnh ngành toàn thông tin xấu như đóng cửa, phá sản, thương vụ giữa VNG và Tiki như một điểm sáng, cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng rất nhiều vào thị trường luôn được đánh giá là tiềm năng cao này.
Giữa năm 2014, VNG bất ngờ bán sàn thương mại điện tử do chính mình xây dựng là 123mua cho đối thủ thời điểm đó là Sendo của FPT. Dù không có nhân viên nào của VNG chuyển sang FPT, nhưng VNG đã bàn giao lại hệ thống và công nghệ cho phía FPT. Một số nguồn tin cho thấy, 123mua thậm chí về tay Sendo với giá “rẻ như cho”, chỉ 5,5 tỉ đồng.
Thỏa thuận bán này giống như lời tuyên bố của VNG thoái lui hoàn toàn khỏi thương mại điện tử và không hẹn ngày trở lại.
Mặc dù vậy, chỉ chưa đầy 2 năm sau, VNG lại bất ngờ với một thương vụ bom tấn: Bỏ 383 tỉ đồng để mua 38% cổ phần của Tiki.vn, một sàn thương mại điện tử thành danh nhờ bán sách trực tuyến. Trái với quy mô, thương vụ diễn ra âm thầm và chỉ được ghi nhận trong báo cáo tài chính mới đây của VNG.
383 tỉ đồng đầu tư vào một startup là con số rất lớn so với mặt bằng chung của thị trường khởi nghiệp Việt Nam. Nó cho thấy tham vọng trong lần tái xuất này của VNG. Chỉ có điều, lần này VNG không tự mình làm nữa, mà xuất hiện dưới vai trò nhà đầu tư. Sau thất bại với 123mua, có lẽ VNG không muốn tốn thời gian để xây dựng hệ thống mới mà thay vào đó, đầu tư cho một startup đang phát triển tốt để mang lại kết quả nhanh chóng hơn.
Bản thân Tiki là một trong số những mô hình thương mại điện tử hiếm hoi thu được những thành công cụ thể. Xuất phát điểm tập trung vào bán sách online, Tiki đã định hình bản thân khá rõ trong tâm trí người tiêu dùng. Việc chọn thị trường hẹp là sách và tập trung vào đối tượng khách hàng chính là nữ đã giúp Tiki gặt hái được nhiều thành công. Đây là điều mà các trang thương mại điện tử xây dựng tập trung vào đối tượng khách hàng rộng như A đây rồi chưa thể làm được.
Những thông tin trên báo cáo tái chính không cho thấy 383 tỉ đồng của VNG là đầu tư vào Tiki hay là mua nhượng cổ phần từ các nhà đầu tư trước đó. Hiện tại, có khá nhiều nhà đầu tư đang nắm cổ phần tại Tiki như Seedcom hay CyberAgent.
Điểm khá thú vị là ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập của Tiki từ chối đưa ra bất kỳ thông tin gì về khoản đầu tư này.
Tuy nhiên, cứ tạm giả sử đó là một khoản đầu tư mới, và Tiki thực sự nhận được tiền của VNG, thì đây có phải là một thương vụ hấp dẫn?
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam luôn cho thấy sự khắc nghiệt, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, những trang thương mại điện tử tại Việt Nam đã lần lượt ra đi.
Rất khó để nói về điều này. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam luôn cho thấy sự khắc nghiệt. Không cần nhìn đi đâu xa, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, những trang thương mại điện tử tại Việt Nam đã lần lượt ra đi. Đó không phải là do sự thay đổi đột ngột của môi trường kinh doanh hay tác động chính sách, mà đơn giản là kết quả sau thời gian dài chịu đựng thua lỗ kéo dài.
Người đứng đầu Beyeu.com, một trang thương mại điện tử ngách chuyên đồ mẹ và bé cho rằng làm thương mại điện tử cần rất nhiều tiền, và ai không muốn “đốt tiền” thì đừng nên nhảy vào. Mặc dù vậy, một chuyên gia lâu năm trong ngành thương mại điện tử ở Việt Nam cho rằng, tiền không hẳn là tất cả.
“Vấn đề quan trọng ở Việt Nam đó là mặt hàng. Vì không có lực lượng doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nên các trang thương mại điện tử của chúng ta chỉ đơn thuần là nhập hàng của Trung Quốc, Mỹ về bán, khiến không thể cạnh tranh về giá thành với các cửa hàng bán lẻ thông thường, và lợi nhuận biên cũng rất mỏng manh”, vị này cho biết.
Nó khiến cả những ông lớn như A đây rồi hay Lazada gặp vô vàn khó khăn. Mới đây, Lazada đã phải bán mình cho Alibaba còn A đây rồi, sau khi tung ra bản beta từ tận tháng 8 năm ngoái, vẫn chưa hẹn ngày ra mắt chính thức.
Tiki có thể sẽ vướng phải những khó khăn tương tự. Trong thời gian qua, trang thương mại điện tử này đã dần mở rộng các lĩnh vực mua bán của mình, sang nhiều loại mặt hàng khác ngoài sách và không chỉ còn tập trung vào đối tượng nữ giới nữa.
“Với áp lực từ dòng tiền đầu tư vào, việc mở rộng sẽ càng được làm mạnh trong thời gian tới. Nếu không tính toán cẩn thận, Tiki có thể rơi vào con đường mà những trang thương mại điện tử lớn khác đang gặp phải”, vị chuyên gia nhận định.
Đến lúc đó, Tiki sẽ phải đối đầu với những A đây rồi hay Lazada trên thị trường. Dù thị trường này chưa có một ông lớn thực sự, nhưng việc so kè trực tiếp với những đối thủ lớn như A đây rồi hay Lazada chắc chắn sẽ không dễ dàng.
Đấy là chưa kể, Lazada sau khi về tay Alibaba hiện vẫn đang là một ẩn số. Nếu Alibaba muốn đầu tư mạnh Lazada Việt Nam, các DN thương mại điện tử trên thị trường sẽ phải đối mặt với một doanh nghiệp vừa nhiều tiền, vừa có lượng hàng hóa cực kỳ phong phú (hàng Trung Quốc do Alibaba mang sang), tất nhiên, giá cả cũng sẽ rất cạnh tranh.
Tạm gác những khó khăn sang một bên, dù sao thì, khoản đầu tư 383 tỉ đồng vào Tiki của VNG cũng có thể xem như một tín hiệu vui cho ngành thương mại điện tử nước nhà.
Trong bối cảnh ngành toàn thông tin xấu như đóng cửa, phá sản, thương vụ giữa VNG và Tiki như một điểm sáng, cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng rất nhiều vào thị trường luôn được đánh giá là tiềm năng cao này.