Xây dựng thương hiệu nâng tầm địa phương

0
1954

Xây dựng được thương hiệu quốc gia lớn mạnh sẽ giúp doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam vươn ra thế giới.

Đó là nội dung chính của diễn đàn “Thương hiệu quốc gia với sản phẩm địa phương” do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Nằm trong khuôn khổ chương trình “Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2016”, diễn đàn là nơi trao đổi và thảo luận, đối thoại thẳng thắn về các vấn đề liên quan đến phát triển thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, ngành hàng, thương hiệu địa phương và thương hiệu quốc gia. Chương trình góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền trong tổng thể thương hiệu quốc gia Việt Nam trong thời gian tới. Chương trình có sự đồng hành của các thương hiệu uy tín: VietinBank, Phân bón Phú Mỹ, PVGAS, Đạm Cà Mau…

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, một trong những yếu tố để hội nhập thành công, tranh thủ cơ hội hợp tác, vượt qua thách thức của sự cạnh tranh gay gắt là phải xây dựng và phát triển sức cạnh tranh tổng thể của quốc gia, trong đó có thương hiệu của các vùng miền có tiềm năng, thế mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu của địa phương gắn với thương hiệu quốc gia còn nhiều bất cập. Đặc biệt, nhiều địa phương không quan tâm và dành nguồn lực cao cho công tác này.

Về vấn đề này, tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh đến từ Đại học Thương mại đã lấy ví dụ về thương hiệu quốc gia với việc xây dựng thương hiệu các điểm đến du lịch. Theo đó, phát triển thương hiệu quốc gia qua điểm đến du lịch là hướng đi khác biệt hóa nhanh và dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa chú trọng đúng mức đến câu chuyện này. Điều đó dẫn đến thông tin điểm đến du lịch của nhiều địa phương nghèo nàn, sản phẩm du lịch ít và đơn điệu, đặc trưng vùng miền chưa rõ…

“Việc gắn kết các điểm đến du lịch với phát triển thương hiệu quốc gia sẽ giúp gia tăng mức độ biết đến thương hiệu và tạo cảm nhận nhanh, đầy đủ về đất nước và con người một quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh nhấn mạnh.

Việt Nam có lợi thế lớn về nông nghiệp và thực tế đã trở thành quốc gia xuất khẩu một số nông sản hàng đầu thế giới. Bên cạnh gạo, hồ tiêu, điều, vài năm trở lại đây, Việt Nam xuất khẩu thành công vải, xoài, chôm chôm… vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản… Đây sẽ là tiền đề cho quá trình tạo dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt tiến bước.

Hưng Yên – miền đất của nhãn lồng cũng đang thực hiện hàng loạt giải pháp để bảo vệ và phát triển thương hiệu này. Trong đó, tỉnh đã xây dựng chiến lược, kế hoạch quảng bá thương hiệu một cách mạnh mẽ, cụ thể hơn. Theo ông Nguyễn Quang Minh – Phó chủ tịch UBND Hưng Yên, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý “nhãn lồng Hưng Yên”…

Năm nay, Bắc Giang thành công lớn với vải thiều khi vừa được mùa, vừa được giá và tiếp tục có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Đó là nỗ lực lớn của chính quyền địa phương tỉnh Bắc Giang trong việc xây dựng thương hiệu vải thiều. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện giá trị quả vải Bắc Giang đã cao hơn nhiều so với trước khi chưa có thương hiệu.

Cam Cao Phong của Hòa Bình đã nổi tiếng khắp cả nước. Tuy nhiên, những năm trước đây, diện tích trồng cam liên tục giảm vì đầu ra bấp bênh. Mặc dù chất lượng tốt, vị ngọt ngon song do chưa có thương hiệu nên mặt hàng này có giá trị thấp.

Để khắc phục tình trạng này, ông Bùi Văn Thắng – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình cho hay, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Cao Phong tổ chức quy hoạch lại vùng cam và xây dựng thương hiệu cho cam. Theo đó, chỉ trồng ở những vùng có điều kiện thuận lợi, không trồng ồ ạt; đồng thời hướng dẫn người dân trồng theo mô hình cam sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Đến năm 2014, cam Cao Phong đã được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận “Thương hiệu chỉ dẫn địa lý”. Chỉ 2 năm sau, sản phẩm cam Cao Phong đã khẳng định được giá trị thương hiệu và ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Nhờ vậy, diện tích, sản lượng và giá bán tăng 2-3 lần so với trước đây.

Có thể thấy, giá trị nông sản Việt đã được nâng cao hơn nhiều khi có thương hiệu. Bởi vậy, xây dựng được thương hiệu chính là “mạ vàng” cho nông sản.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here