Thế giới Di động vs Vingroup: Sắp có một cuộc đua trong kinh doanh siêu thị?

0
947

Đặt 16 cửa hàng và 20 tỷ đồng doanh thu của Bách Hóa Xanh cạnh Vinmart lúc này thực sự là một sự so sánh quá khập khiễng. Nhưng đó là khi chuỗi siêu thị của Thế giới di động mới ở trong giai đoạn thí điểm…

Đột ngột mở thêm ngành kinh doanh thực phẩm tươi sống, CTCP Đầu tư Thế giới di động đã một thời gian khiến dư luận ầm ĩ. Trả lời thắc mắc, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT của Thế giới di động cho hay, Công ty này mở Bách hóa Xanh bởi đây là thị trường quá lớn và tiềm năng, trong khi hiện tại các bà nội trợ (trong đó có vợ của ông) vẫn đang quá vất vả khi đi chợ.

Trong tương lai, Bách Hóa Xanh sẽ chiếm 40 – 60% doanh thu của Thế giới di động

Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư tại Tp. Hồ Chí Minh mới đây, ông Tài cho biết, Bách Hóa Xanh mới bắt đầu chạy thử nghiệm từ tháng 11 năm ngoái nhưng doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đã gia tăng từ hơn 100 triệu đồng vào tháng 2/2016 lên tới 400 triệu/tháng. Đặc biệt sau khi tái triển khai các mặt hàng tươi như rau và trái cây, doanh số trung bình mỗi cửa hàng đã tăng mạnh đạt 696 triệu đồng trong tháng 5.

Chính vì thế, việc triển khai chính thức chuỗi cửa hàng này vào năm 2017 là gần như chắc chắn do doanh thu thực tế đã vượt mức mục tiêu mà ban lãnh đạo công ty đưa ra, tức 400 – 500 triệu đồng/tháng.

Ông Tài cũng cho hay, công ty hiện có 16 cửa hàng kinh doanh siêu thị với thương hiệu Bách hóa Xanh, đạt 20 tỷ đồng doanh thu trong 7 tháng đầu năm 2016. Như vậy, cho đến hiện tại, mảng siêu thị mới chiếm chưa đến 0,1% doanh thu của công ty.

Tuy nhiên, trong tương lai, ông Tài mạnh dạn tuyên bố: Tỷ trọng doanh thu từ mảng này sẽ chiếm từ 40 – 60%.

Từ lâu nay, với lĩnh vực kinh doanh chính là bán lẻ thiết bị điện tử, điện máy, sự tăng trưởng “thần kỳ” qua các năm của Thế giới di động đều đến từ mảng kinh doanh này.

Nếu tuyên bố mảng thực phẩm sẽ chiếm đến một nửa doanh thu, phải chăng Thế giới di động đã xác định thị trường điện thoại di động, điện máy sẽ không phải là động lực tăng trưởng chính trong lâu dài cho doanh nghiệp?

Thực tế đã chỉ ra, thị trường này đang có nhiều đối thủ mới xuất hiện, “cướp” mất bí kíp kinh doanh của Thế giới di động và doanh nghiệp này cũng đang phải tìm các hướng đi mới trước xu thế tiêu dùng mới.

Nhu cầu điện thoại cũng không thể tăng trưởng lâu dài sau khi đã tăng liên tục 30-40%/năm trong những năm vừa qua.

Một cuộc đua khốc liệt với Vingroup?

Tạm gác lại câu hỏi “Bách Hóa Xanh có phải là động lực tăng trưởng mới của MWG hay không”, trước tuyên bố của ông Nguyễn Đức Tài, người ta sẽ nhớ lại tuyên bố mới đây của một trong những Tập đoàn lớn nhất Việt Nam – Vingroup. Vingroup dự kiến tăng tỷ trọng doanh thu mảng bán lẻ trên doanh thu toàn tập đoàn từ mức 20% hiện nay lên 50% trong vài năm tới.

Nói đến Vingroup, chỉ riêng trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị, Tập đoàn này đã thể hiện lợi thế tài chính của mình ở việc mở rộng quy mô hệ thống với tốc độ nhanh nhất Việt Nam. Giống như cách Thế giới Di động ồ ạt mở rộng hệ thống cửa hàng Thegioididong và Điện máy Xanh, Vingroup cũng đang phát triển hệ thống VinMart, VinMart+ với tốc độ phi mã, len cả vào những ngõ nhỏ tại các đô thị lớn.

Tính đến tháng 2/2016, toàn hệ thống bán lẻ tiêu dùng của Vingroup đã đạt đến 550 cơ sở, bao gồm 50 Vinmart và 500 Vinmart+, dự kiến nâng con số này lên 1.000 cửa hàng vào cuối năm nay.

So với các đại gia bán lẻ hiện tại, quy mô mỗi cửa hàng Vinmart+ có phần tương đồng với Bách Hóa xanh hơn cả.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ mảng bán lẻ của Vingroup đạt hơn 4.400 tỷ đồng. Đặt 16 cửa hàng và 20 tỷ đồng doanh thu của Bách Hóa Xanh cạnh Vinmart lúc này thực sự là một sự so sánh quá khập khiễng, chưa kể đến các cửa hàng tiện lợi của nước ngoài như FamilyMart, Ministop, 7-Eleven và Lawson… đã có hàng trăm địa điểm. Nhưng đó là khi chuỗi siêu thị của Thế giới di động mới ở trong giai đoạn thí điểm, đến năm 2017, khi việc triển khai chuỗi chính thức được thực hiện, chắc chắn sẽ có một cuộc đua khốc liệt nổ ra.

Với mức doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 là gần 20.000 tỷ đồng, có thể giả định MWG sẽ đạt đến 40.000 tỷ đồng doanh thu cho cả năm. Và giả sử MWG không thể tăng trưởng trong các năm sau nữa, thì con số doanh thu mục tiêu như tuyên bố của chuỗi Bách Hóa Xanh cũng phải vươn đến 20.000 tỷ đồng.

Còn tại VinGroup, doanh thu 2015 đã là 34.000 tỷ đồng, một nửa của con số này lên tới 17.000 tỷ đồng, tức mục tiêu của chuỗi bán lẻ ít ra cũng phải được như thế.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ mảng bán lẻ của Vingroup đạt hơn 4.400 tỷ đồng.

Để đạt tới những con số này, công sức bỏ ra không thể nào ít.

Nếu như VinGroup hy vọng có thể vận dụng kinh nghiệm, những hiểu biết ở mảng kinh doanh bất động sản để phát triển mảng bán lẻ thì Thế giới di động cho rằng có thể vận dụng kinh nghiệm từ bán lẻ thiết bị điện tử vào bán lẻ thực phẩm. Chìa khóa của họ là “Giá bán bằng thiên hạ, đồ ăn sẽ tươi không thua chợ truyền thống.”

Và nếu như trong mọi lĩnh vực mà Vingroup đặt chân vào, họ đều đặt mục tiêu trở thành người dẫn đầu thì Thế giới di động cũng tuyên bố: “Chúng tôi muốn trở thành nhà bán lẻ hùng mạnh nhất ở Việt Nam”, mà hiện tại, Bách Hóa Xanh là ưu tiên số 1.

Trong khi Bách Hóa Xanh chuẩn bị tăng tốc với dự báo sẽ tăng trưởng không thua kém gì các cửa hàng Thế giới di động trong quá khứ, thì Vinmart cũng vẫn chạy rất nhanh. Cùng với họ là hàng chục tên tuổi từ nước ngoài. Là một vận động viên xuất phát sau, sự tăng tốc của Thế giới di động tại lĩnh vực kinh doanh siêu thị là điều rất được thị trường chờ đợi trong những năm tới.

5/5 - (6418 bình chọn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here