Nội Dung Chính
Nokia chuẩn bị quay lại thị trường smartphone, sự thực đằng sau tin đồn này là gì?
Khoảng hơn 2 năm trước, Microsoft mua lại mảng phần cứng và dịch vụ của Nokia với tham vọng trở thành đối thủ tầm cỡ trên thị trường di động và bảo đảm Windows 10 Mobile có tương lai chắc chắn. Kể từ đó, công ty thay đổi chiến lược kinh doanh, ngừng sử dụng thương hiệu Nokia cho các sản phẩm mới, dừng phát triển các thiết bị đại chúng và thông báo giảm số smartphone cung cấp.
Tháng 5/2016, Microsoft ký thỏa thuận bán mảng điện thoại phổ thông cho FIH Mobile, một công ty con thuộc tập đoàn Hồng Hải/ Foxconn. Trong một diễn biến không liên quan, HMD Global, doanh nghiệp tư nhân, lại giành được giấy phép độc quyền để sản xuất điện thoại và tablet mang nhãn hiệu Nokia trong 10 năm tới. Microsoft sẽ nhận được tổng cộng 350 triệu USD từ hai công ty này. Giao dịch cho phép Foxconn và HMD chế tạo cũng như bán điện thoại phổ thông, smartphone và tablet mang tên Nokia.
Theo điều khoản hợp đồng, Foxconn sẽ sở hữu một nhà máy sản xuất đặt tại Hà Nội, được dùng để sản xuất điện thoại phổ thông Nokia nhưng tương lai của nhà máy chưa rõ ràng. Foxconn sẽ có trong tay hợp đồng khách hàng, thỏa thuận cung ứng, bán và phân phối các tài sản từng thuộc về Microsoft. HMD có nhãn hiệu, tài sản sở hữu trí tuệ và phần mềm mà Nokia bán lại cho Microsoft. Hơn nữa, sau khi thương vụ kết thúc vào nửa sau năm 2016, khoảng 4.500 nhân viên sẽ được điều chuyển hoặc có cơ hội gia nhập Foxconn hoặc HMD.
Dù mảng điện thoại phổ thông dường như không quá quan trọng, việc mua lại các hợp đồng và cơ sở sản xuất của Nokia là món hời với Foxconn. Trong nhiều năm, Foxconn luôn cố giảm sự phụ thuộc vào Apple như nguồn thu chính. Gần đây, tập đoàn mua lại Sharp và ký kết với HMD có thể giúp cải thiện doanh thu và lợi nhuận.
Microsoft sẽ tiếp tục phát triển Windows 10 Mobile và hỗ trợ các thiết bị Lumia cũng như smartphone Windows của các hãng khác như Acer, Alcatel và HP. Tuy vậy, việc bán đi mảng điện thoại phổ thông là minh chứng cho thấy gã khổng lồ phần mềm không có kế hoạch nào để giải quyết thị trường thiết bị giá rẻ trong tương lai. Như đã tuyên bố năm 2014, Microsoft không theo đuổi thị phần mà tập trung vào lợi nhuận. Dường như công ty sẽ áp dụng chiến lược Surface và Surface Book cho smartphone: đó là phát triển các sản phẩm đầu bảng và phụ thuộc vào đối tác đối với các model bình dân.
Liên minh tam giác
FIH Mobile, HMD Global và Nokia Technologies hôm 18/5 ký kết một số thỏa thuận cho phép cả ba cùng hợp tác phát triển, sản xuất và phân phối smartphone, tablet mang nhãn hiệu Nokia. Điều thú vị là các thỏa thuận được thương lượng theo cách mà cả ba chỉ có thể mang sản phẩm ra thị trường nếu hợp tác chặt chẽ với nhau. Các điểm chính cần lưu ý là:
- HMD là công ty duy nhất trên thế giới được phép sử dụng thương hiệu Nokia cho di động và tablet sau năm 2016.
- Nokia Technologies sẽ có một ghế trong ban giám đốc 5 người của HMD, nó sẽ đưa ra các yêu cầu thương hiệu bắt buộc và các quy định liên quan đến tất cả sản phẩm mang nhãn hiệu Nokia. Ngoài ra, công ty còn có quyền kiểm soát nhất định về chất lượng, thiết kế và tính năng.
- HMD có được nhãn hiệu, bằng sáng chế cần thiết về di động sau khi trả phí bản quyền cho Nokia.
- HMD sẽ đầu tư 500 trieuj USD trong 3 năm tới để hỗ trợ tiếp thị thiết bị Nokia.
- HMD và Nokia được tiếp cận năng lực sản xuất, chuỗi cung ứng và kỹ thuật của Foxconn cũng như các công nghệ di động, linh kiện độc quyền được sản xuất bởi công ty.
- HMD có quyền kiểm soát toàn bộ việc bán hàng, tiếp thị và phân phối điện thoại, tablet mang nhãn hiệu Nokia.
- Foxconn là nhà sản xuất độc quyền thiết bị mang nhãn hiệu Nokia.
Theo các thỏa thuận hiện hành, HMD sẽ xử lý việc phát triển thiết bị chạy Android dưới sự giám sát của Nokia. Đây là điều khá quan trọng vì Nokia biết làm thế nào để sản xuất và bổ sung tính năng cho sản phẩm. Hơn nữa, Nokia đang giữ những bằng sáng chế di động cần thiết khi thế giới đang tiến lên 5G. Ngoài ra, Nokia vừa được kiểm soát thiết bị, vừa có phí bản quyền mà lại không phải chịu bất kỳ rủi ro nào.
Nokia và HMD không phải nghiên cứu và phát triển các thứ cơ bản về sản xuất như thiết kế và ang-ten mà chỉ cần tập trung vào những thứ quan trọng cho thế hệ điện thoại, tablet trong tương lai.
HMD Global là ai?
Nói về HMD Global, có thể độc giả tò mò sẽ muốn biết HMD Global thực chất là ai? Từ những gì tìm kiếm trên Internet, đây là một công ty tư nhân chuyên chi hàng chục triệu USD để mua các thương hiệu điện thoại phổ thông và bằng sáng chế từ Microsoft và đang lên kế hoạch đầu tư nửa tỷ USD khác cho thiết bị Nokia trong 3 năm tới.
HMD Global có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan, không xa trụ sở Nokia tại Espoo. CEO HMD là Arto Nummela, một cựu binh Nokia, người làm việc ở đây 20 năm từ năm 1994 đến 2014 và nay giám sát phát triển smartphone, lộ trình sản phẩm, quyết định chiến lược. Chủ tịch HMD là Florian Seiche, một cựu binh khác của ngành di động, người từng đầu quân cho Orange, HTC và Nokia. Hiện tại, cả hai nhân vật cốt cán của HMD Global đang làm tại bộ phận điện thoại phổ thông của Microsoft. Hai người cùng chia sẻ văn hóa “Nokia cũ”, họ biết các tiêu chuẩn mà người dùng cuối và nhà mạng muốn và họ biết cách sản xuất thiết bị. Tuy nhiên, vẫn còn cái tên thứ ba không thể bỏ qua.
Tên miền hmdglobal.com được đăng ký ngày 11/4/2016 bởi Jean-Francois Baril. Ông Baril là cựu Phó Chủ tịch cấp cao của Nokia và làm ở đây từ năm 1999 đến 2012. Một chi tiết thú vị trong tiểu sử của ông là trước khi làm tại Nokia, ông từng là Giám đốc nguồn tại Compaq dưới sự lãnh đạo của Tim Cook, CEO Apple đương nhiệm. Với nền tảng như vậy, ông Baril rõ ràng có thể thu hút các nhà đầu tư đến dự án của mình. Theo Reuters, HMD Global thuộc sở hữu của Smart Connect LP, một quỹ tư nhân do ông Baril điều hành. Ngoài ra, ông còn quản lý cả Ginko Ventures và Connecting Partners SA và là thành viên ban quản trị Vertu.
Điện thoại phổ thông mở lối cho smartphone Nokia
Một số tài sản điện thoại phổ thông của Microsoft, trong đó có các cơ sở sản xuất và hợp đồng cung ứng, không phải có giá trị lớn với Foxconn, nhà thầu sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới. Song, các tài sản như mạng lưới bán hàng và kênh phân phối lại không thể xem nhẹ. Chúng là thứ mà Foxconn hiện chưa có và sẽ là yếu tố đưa thiết bị Nokia quay lại thị trường, đặc biệt tại châu Á, châu Phi và châu Âu, nơi thương hiệu Nokia vẫn rất mạnh.
Do điện thoại phổ thông không còn được ưa chuộng tại Bắc Mỹ và Tây Âu, mạng lưới bán hàng và phân phối tại những khu vực này bị Microsoft xem nhẹ. Trong viễn cảnh xấu nhất, Foxconn và/hoặc HMD có lẽ cần phát triển đội ngũ mới và các mối quan hệ mới tại vài nước để bắt đầu lại từ đầu.
Dù sao đi nữa, phần lớn thiết bị mang nhãn hiệu Nokia mà HMD/Foxconn sẽ cung cấp trong nửa sau năm 2016 đều là điện thoại phổ thông giá rẻ. Do đó, kênh bán hàng và phân phối của Foxconn một cách tự nhiên sẽ bán chúng cho khách hàng, chủ yếu là nhà mạng và nhà phân phối tại các nước đang phát triển.
Dù Microsoft đã bán hàng chục triệu điện thoại phổ thông và dường như có lãi, các nhà phân tích ngành từ Gartner và IDC dự báo các thiết bị như vậy sẽ trở nên hiếm có trong vài năm nữa, ngay cả tại các thị trường mới nổi do smartphone ngày một rẻ hơn. Song, do lớp người dùng Nokia hiện tại rất trung thành với nhãn hiệu này, HMD và Foxconn có thể tận dụng điều đó và mang đến các smartphone hấp dẫn, bình dân, dễ sử dụng. Vì vậy, “Nokia mới” sẽ tiếp tục bán điện thoại phổ thông trong một thời gian và sau đó giới thiệu các model smartphone giá phải chăng.
Do lớp người dùng Nokia hiện tại rất trung thành với nhãn hiệu này, HMD và Foxconn có thể tận dụng điều đó và mang đến các smartphone hấp dẫn, bình dân, dễ sử dụng.
Kỳ vọng gì ở “Nokia mới”?
Hiện tại, chưa có công ty nào lên tiếng về kế hoạch tương lai của họ song dựa trên những gì đã biết, chúng ta có thể đưa ra vài suy đoán. Hơn 1 năm nay, đội ngũ quản lý Nokia đã nhắc đến khả năng quay lại thị trường smartphone với một đối tác sản xuất, có thể thông qua cấp phép sử dụng nhãn hiệu và công nghệ. Năm 2014, công ty thậm chí còn tung ra Z Launcher cho thiết bị Android. Cần có thời gian để xem liệu HMD/Foxconn có thể mang thứ gì đó ra thị trường vào cuối năm nay hay không. CEO HMD từng nhấn mạnh công ty sẽ hành động nhanh chóng nhưng không vội vàng.
Dòng điện thoại và tablet Nokia mới sẽ chỉ dùng hệ điều hành Google Android, đây không phải điều bất ngờ. Có thể Nokia sẽ giới thiệu các chương trình độc quyền cho thiết bị, song từ góc độ phần cứng, làn sóng thiết bị Nokia Android đầu tiên có khả năng sử dụng nền tảng do bên thứ ba phát triển. Một số bản quyền sáng chế truyền thống của Nokia vẫn ở lại Microsoft như công nghệ camera PureView, công nghệ màn hình ClearBack và một số tài sản quan trọng khác. Đó là lý do vì sao HMD và Foxconn phải phát triển công nghệ mới cho hình ảnh và màn hình độ nét cao vì cả hai tính năng này tối quan trọng cho thiết bị hiện đại, đặc biệt trong phân khúc tầm trung đầy tính cạnh tranh. Do Foxconn chưa thể sản xuất thứ gì đáng kể so với chip SoC giá rẻ của MediaTek, phần mềm sẽ đóng vai trò cấp thiết trong thiết bị Nokia mới. Tin mừng là Nokia có thể kiểm soát một số lĩnh vực thiết kế, hiệu suất và tính năng nên chúng ta có thể chờ đợi các công nghệ độc quyền. Hơn nữa, “quả ngọt” thực sự từ sự tham gia của Nokia trong dự án sẽ nổi lên cùng với công nghệ 5G vào năm 2020-2022. Nokia đóng góp lớn cho chuẩn kết nối này và sẽ giúp các đối tác tận dụng điều đó.
Khi tablet Nokia N1 ra mắt, nhiều người khen ngợi về chất lượng hoàn thiện, hiệu suất và thiết kế đẹp. Cái họ thấy thiếu vắng là tính nawg đỉnh cao có thể khác biệt hóa N1 với các tablet Android khác cùng thời điểm. N1 rẻ và là độc quyền cho thị trường Trung Quốc nhưng khuyết điểm đó là thiếu vắng bàn tay của Nokia. Với smartphone, Nokia tung ra các tính năng như PureView nhưng sắp tới, họ phải phát minh ra thứ gì đó khác. Dù người dùng quen thuộc với cái tên Nokia, nếu smartphone mang nhãn hiệu đó không có gì đột phá, HMD/Foxconn sẽ phải cạnh tranh bằng giá để đối phó với các đối thủ khác nhằm giành thị phần.
Có nhiều công nghệ mà HMD, Foxconn và Nokia có thể mang đến cho smartphone và tablet tương lai. Nokia trong lịch sử luôn là một công ty có tính sáng tạo cao, song câu hỏi lớn là phân khúc thị trường nào họ muốn giải quyết và họ có thể đầu tư được bao nhiêu. Một phần cho sự phổ biến của thương hiệu Nokia là dải sản phẩm phong phú, bao gồm một số dòng thiết bị khác nhau phục vụ cho những phân khúc khách hàng khác nhau (trẻ/năng động, doanh nghiệp, thời trang, xa xỉ…). Cách tiếp cận tương tự có thể không nhiều ý nghĩa trong hiện tại nhưng họ có thể pha trộn nhiều tính năng như chống nước, chip mạnh, thiết kế phong cách. Trong khi một số người hi vọng “Nokia mới” sẽ tạo ra sản phẩm ngang ngửa iPhone hay Galaxy, họ thực ra cần cung cấp các sản phẩm hấp dẫn để cạnh tranh với những hãng như HTC, Xiaomi, Huawei và thu hút những ai vẫn đang dùng điện thoại phổ thông.
Sau khi Nokia và Microsoft thất bại trong việc phổ biến đện thoại Windows Phone, quyết định dùng Google Android cho thiết bị mới là tín hiệu khả quan với nhiều khách hàng trung thành nhưng phần nào hạn chế sự khác biệt. Từ nhiều góc nhìn, có thể thấy vẫn còn một chặng đường rất dài để những cựu binh Nokia vực dậy được thương hiệu và dòng sản phẩm Nokia. Thách thức rõ nhất là hiện có quá nhiều nhà sản xuất thiết bị Android. Dù Nokia vẫn có sức mạnh thương hiệu, HMD/Foxconn lại có ít thời gian để chứng tỏ “Nokia mới” còn có chỗ đứng trên thị trường. Hơn nữa, rất khó để bán thiết bị Nokia với giá đắt như một thập kỷ trước.
Dù thông tin về kế hoạch còn hạn chế, một điều chăc chắn là Nokia đang nỗ lực không ngừng để thay đổi Google Android trong nhiều năm còn Foxconn lại là người đứng đầu về năng lực sản xuất đại trà cũng như cung ứng linh kiện, nguyên vật liệu. Ngoài ra, Nokia có thể cung cấp cho HMD, Foxconn thông tin về 5G.
Kết lại, việc được nhìn thấy thương hiệu Nokia quay lại là điều đáng để chờ đợi. Song, còn phải xem các thiết bị mới có chất lượng tốt đến đâu, sớm nhất là vào quý I/2017.