Zuellig và DKSH: Ai sẽ làm bá chủ ngành phân phối dược phẩm?

0
1943

Bước vào bất kỳ một bệnh viện hay nhà thuốc nào ở Đông Nam Á, và hầu hết các loại thuốc mà bạn thấy là được phân phối bởi một công ty có nguồn gốc từ Thụy Sĩ xa xôi.

Từ nhiều năm nay, 2 công ty Thụy Sĩ là DKSH Holdings và Zuellig Pharma đã cùng nhau phân chia các thị trường dược phẩm tại châu Á. Với đội ngũ nhân viên lên tới hàng ngàn nhân viên, tổng doanh thu của 2 công ty này hiện là 15 tỷ USD.

Giờ đây, DKSH và Zuellig là những nhân tố cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến giành thị phần sắp tới giữa các đại gia sản xuất dược phẩm như Roche (Thụy Sĩ) và Sanofi (Pháp). Với tình trạng cạnh tranh gay gắt ở Mỹ và sụt giảm tăng trưởng ở Trung Quốc, ngành dược phẩm thế giới đang muốn tiến vào các thị trường mới như Myanmar hay vùng nông thôn Thái Lan, những nơi có nhu cầu gia tăng mạnh nhưng lại yếu kém về mặt cơ sở hạ tầng. Với tổng cộng 600 triệu người tiêu dùng, Đông Nam Á là nơi lý tưởng để mở rộng và tìm kiếm cơ hội mới.

Để giành được thị phần ở một khu vực có nhiều khác biệt và phức tạp về mặt thiên nhiên lẫn chính trị như Đông Nam Á, các công ty dược phẩm phải nhờ tới những nhà phân phối nhiều kinh nghiệm như DKSH và Zuellig. Nhiều đối tác không chỉ giao cho 2 công ty này khâu phân phối, mà còn cả khâu marketing và bán hàng.

CEO John Davison của Zuellig cho biết: “Họ nhờ cậy vào chúng tôi vì chúng tôi giúp họ bớt đau đầu”. Là một công ty cổ phần nội bộ, Zuellig đang dự kiến đạt mức tăng trưởng doanh thu 2 chữ số trong năm nay, nhờ vào danh sách khách hàng khá đáng nể: GlaxoSmithKline, Novartis, Pfizer,… Trong năm ngoái, Zuellig đạt doanh thu 10 tỷ USD, và hiện có 10.000 nhân viên hoạt động tại 12 nước châu Á. Mặc dù được sáng lập tại Thụy Sĩ, nhưng ngày nay trụ sở chính của hãng lại là ở Singapore.

Trong khi đó, mảng phân phối dược phẩm vừa mang về cho tập đoàn dịch vụ DKSH tới 5,1 tỷ USD trong năm ngoái, chiếm khoảng 1/2 tổng doanh thu của công ty niêm yết này. Hầu hết trong số 9.600 nhân viên của bộ phận này đang làm việc tại châu Á, dưới sự điều hành của trưởng bộ phận Andrew Frye. Được thành lập cách đây 150 năm để giúp các công ty châu Á có thể vận hành hoạt động ở châu Á mà không cần phải gửi nhân viên sang, DKSH là một cái tên được nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng như Nivea tìm đến khi muốn mở rộng thị trường ở châu lục đông dân nhất thế giới.

Với mức thu nhập người dân tăng trưởng mạnh mẽ, chi tiêu cho y tế tại Đông Nam Á cũng theo đó gia tăng. Theo báo cáo tháng 11/2015 từ Viện thông tin y tế IMS, chi tiêu y tế tính theo đầu người sẽ tăng 20% tại Thái Lan và Philippines, và tăng đến 50% ở Việt Nam và Indonesia. Để tận dụng cơ hội này, DKSH và Zuellig đanh giành giật nhau từng bệnh viện, phòng khám và nhà thuốc tại những nơi tưởng chừng là không ai lui tới. Davison nhận định: “Tôi nghĩ tăng trưởng không phải là vấn đề, mà là ở chỗ làm sao tận dụng sự tăng trưởng đó. Đôi lúc người ta có kỳ vọng không thực tế về tiềm năng của các thị trường mới nổi”.

Một trong những khó khăn cho việc phân phối dược phẩm ở Đông Nam Á chính là khí hậu nhiệt đới của vùng này. Rất nhiều loại dược phẩm ngày nay chứa các hoạt chất giá trị cao nhưng có thời hạn sử dụng ngắn, và đòi hỏi bảo quản rất kỹ. Vì vậy, theo ông Davison thì việc kiểm soát nhiệt độ bảo quản là tối quan trọng. Để giải quyết vấn đề này, Zuellig đã phát triển hệ thống eZCooler cho phép kéo dài thời gian bảo quản các sản phẩm nhạy cảm từ 2 ngày lên tới 5 ngày, nhờ công nghệ cách nhiệt chân không và các vật liệu khác. Giữa lòng Bangkok nóng nực, các nhân viên của Zuellig vẫn phải mặc áo lạnh trượt tuyết mỗi khi bước vào nhà kho của hãng. Theo Davison cho biết, hơn 90% các loại vaccine cần được bảo quản trong khoảng nhiệt độ 2-5 độ C.

Trong khi đó, Frye cho biết tham vọng của DKSH là muốn trở thành một dạng Amazon của ngành dược phẩm tại châu Á: bao thầu đủ các dịch vụ từ đăng ký, marketing, phân phối và bán thuốc. Ông cho biết: “Vấn đề của 50 năm tới sẽ là việc ngành dược phẩm thế giới chinh phục các thị trường châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi như thế nào. Đó là điều mà chúng tôi đang chuẩn bị trước”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here