Bia Việt và nỗi lo mất thương hiệu

0
917

Nội Dung Chính

Việc thoái vốn tại 2 DN bia lớn thứ nhất và thứ ba tại Việt Nam là Tổng công ty CP Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty CP Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã được Chính phủ “quyết”. Tuy nhiên, sau khi thoái vốn liệu các thương hiệu này có “biến mất” giống như các vụ mua bán, sáp nhập trong ngành bán lẻ?

Không thể trì hoãn

Mới đây, Chính phủ chính thức phát đi thông điệp mạnh mẽ về việc thoái vốn tại 2 DN là Sabeco và Habeco. Trong một cuộc họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, để đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo có lợi nhất cho Nhà nước, các doanh nghiệp phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi thoái vốn Nhà nước.

Về vấn đề này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, hiện nay 2 DN này chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, đây là trách nhiệm của 2 DN đã không thực hiện đúng tinh thần của luật định. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng việc niêm yết của 2 DN này phải làm ngay để tạo minh bạch về tài chính và có sự giao dịch trên sàn, lấy giá giao dịch đó để dẫn chiếu, nghiên cứu thêm. Như vậy, thông điệp đã rõ ràng, dù muốn hay không thì 2 DN này không thể “trây ì” việc niêm yết, dù đã cổ phần hóa từ 8 năm trước, được nữa.

Thực tế hiện có rất nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực bia của nước ngoài muốn “nhảy vào” nắm giữ cổ phần của Sabeco và Habeco. Nhiều thông tin cho thấy cổ phần tại 2 hãng bia Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của những đại gia như Thai Beverage và Singha Group của Thái Lan, Kirin Holdings và Asahi Group Holdings của Nhật Bản, Heineken và Anheuser-Busch InBev của Hà Lan. Đầu tháng 9, nhà đầu tư chiến lược của Sabeco là Carlsberg đã bán nhà máy tại Bà Rịa- Vũng Tàu để thay đổi chiến lược, tập trung với thị trường phía Bắc khi muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco từ 17% lên mức 30%.

Được ưu ái nhắm đến là bởi thực tế hiện nay thị trường bia của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam hiện tăng trưởng ở mức cao, từ 35-40%, dự đoán năm 2016 lượng tiêu thụ sẽ là 4,04 tỷ lít bia, mức cao nhất trong khu vực.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thông tin thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco đang được thị trường đón nhận rất tích cực. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán kỳ vọng đây là bước đột phá quan trọng, giúp kích thích, phát triển thị trường chứng khoán của Việt Nam. Bên cạnh đó, đây còn là bước đi khai thông bế tắc trong quá trình cổ phần hóa mà chúng ta đã tiến hành trong thời gian qua, nhất là liên quan tới các DN lớn.

Tổng công ty CP Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa chính thức có công văn gửi lên Bộ Công Thương đề xuất chấp thuận việc Sabeco thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong thời gian tới. Theo công văn này, căn cứ theo các quy định hiện hành thì Sabeco đã đủ điều kiện và cần thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán. Trên cơ sở xem xét các tiêu chuẩn niêm yết đối với DN, quy mô, uy tín và mức độ thanh khoản và sự quan tâm của giới đầu tư giữa 2 sở giao dịch chứng khoán, Sabeco đã lựa chọn Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) để niêm yết.

Không lo!

Giới chuyên gia nhìn nhận, việc niêm yết rồi tiến hành thoái vốn không chỉ đem lại lợi ích cho Nhà nước mà còn đảm bảo lợi ích nhà đầu tư cũng như lợi ích của DN sau khi đã cổ phần hóa. Tuy nhiên, có một vấn đề đang được dư luận quan tâm là thương hiệu bia Việt liệu sẽ còn hay mất khi DN nước ngoài “nhảy vào”? Hiện, Sabeco và Habeco đang là 2 DN bia lớn nhất và lớn thứ ba thị trường bia ở Việt Nam.

Mang câu hỏi này để giới chuyên gia phân tích, bình luận, câu trả lời mà phóng viên nhận được đều tập trung vào nội dung “không có ảnh hưởng gì”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bình luận, Sabeco và Habeco vẫn giữ thương hiệu. Cũng giống như Alibaba, ông chủ của thương hiệu này là người Trung Quốc chỉ chiếm 9,8% cổ phần nhưng vẫn mang tên của DN Trung Quốc. “Tôi không hiểu sao lại có suy nghĩ cổ đông nước ngoài đến thay thương hiệu của mình. Mấu chốt vấn đề là tùy thuộc vào cách quản trị của mình”, ông Doanh nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nếu quản lý tốt thì không có vấn đề gì, không lo bị thâu tóm. Vấn đề chính là các DN trong nước phải tiến lên, chứ không thể lụi bại như hiện nay. Ông Hồ nhấn mạnh: “DN phải “gồng” lên bằng mọi cách chứ không phải bằng cách ngăn chặn DN nước ngoài vào. Hội nhập rồi, chúng ta không thể cấm. Vả lại DN trong nước phải cạnh tranh, nếu cứ một mình một chợ dễ dẫn đến độc quyền, độc đoán, ỷ lại vào Nhà nước”.

Cũng cho rằng thương hiệu không phải là vấn đề đáng lo ngại, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty tư vấn Thương hiệu Mibrand- Đại diện của Brand Finance tại Việt Nam nhìn nhận: “Tôi không nghĩ các nhà đầu tư chiến lược sẽ thay đổi thương hiệu Việt. Một trong những thứ quan trọng họ nhắm đến khi mua DN là thương hiệu, đó mới là vốn quý để họ đầu tư. Nhà đầu tư thông minh là họ mua thương hiệu chứ không phải mua lại máy móc, nhà xưởng”.

Việc mua lại cổ phần với 2 thương hiệu này, theo ông Mạnh, không giống với các thương vụ mua bán, sáp nhập trong ngành bán lẻ. Một số thương hiệu bán lẻ bán cổ phần cho nước ngoài việc mất thương hiệu hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi lẽ, cái mà DN nước ngoài mua là quyền phân phối, quyền quyết định phân phối chứ không phải thương hiệu. Lúc ấy, vấn đề đó không chỉ ảnh hưởng đến một thương hiệu mà là cả hàng nghìn thương hiệu.

Tuy nhiên, để lường trước, đề phòng những rủi ro về việc mất thương hiệu, ông Mạnh khuyến cáo, cần ràng buộc trong hợp đồng mua bán và thỏa thuận M&A. Theo đó, trong thỏa thuận về mua bán cần có cam kết tiếp tục duy trì thương hiệu cũ vĩnh viễn hay lâu dài, nhà đầu tư cam kết duy trì, phát triển thương hiệu thì mới bán. Nếu không cam kết, họ có thể đưa thương hiệu của họ vào và tiêu diệt thương hiệu của Việt Nam.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here