Nội Dung Chính
Google vừa châm ngòi cuộc chiến tiếp theo trong làng smartphone, khi thay đổi chiến lược di động với sự ra mắt của bộ đôi sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với iPhone.
Những thiết bị này được sản xuất hoàn toàn bởi Google, từ khâu lên ý tưởng đến kiểm định. Họ có mọi thứ để cạnh tranh: trợ lý ảo, camera khủng, hệ điều hành Nougat 7.1 mới nhất.
Động thái này còn cho thấy họ sẵn sàng liều lĩnh với những đối tác lâu năm như Samsung hay LG, vốn đang đeo đuổi và thành công với các smartphone Android.
Rick Osterloh – Trưởng bộ phận phần cứng Google – thao thao bất tuyệt về những kế hoạch sắp tới với đối tác nhà mạng, nhà cung ứng linh kiện, nhà phân phối…
Họ cũng có không ít kinh nghiệm với 6 năm cùng Nexus, nhưng đó chỉ là những thử nghiệm. Họ đang nhìn thấy con đường của Apple: một hệ sinh thái thống nhất, cho phép tạo ra dịch vụ tốt hơn mọi đối thủ.
Họ đã giới thiệu tất cả trong sự kiện tối 4/10: thiết bị Home speakers, bộ kính thực tế ảo, hệ thống Wi-Fi và thiết bị phát video mới sẽ ra mắt vào thứ ba tuần sau.
Đây là bước đi lớn và đầy liều lĩnh, cả về tài chính lẫn hoạt động. Nhưng Google cần thiết bị của riêng mình để hỗ trợ các dịch vụ web, cũng như nền tảng tương lai của VR, AR.
“Điều khác biệt của Pixel là chúng tôi đi với nó từ đầu”, Dave Burke đến từ bộ phận kỹ thuật Android phát biểu. Để so sánh, Google chỉ tiếp quản một chiếc Nexus khi các đối tác đã hoàn thành nó 90%.
Theo vết chân Apple
Osterloh đã lập ra một bộ phận phần cứng mới, xóa bỏ toàn bộ dự án không nằm trong tương lai Google. Các kỹ sư, nhà thiết kế của Google Glass, ChromeCast và Pixel đã về dưới một mái nhà.
Động thái này cho thấy nỗ lực của Google trong việc “quy về một mối” mọi dự án của họ, mà kết quả sẽ là chuỗi cung ứng tương tự Apple.
Google chưa tiết lộ kinh phí cho con đường này, nhưng “hàng trăm triệu USD đang đứng xếp hàng mỗi ngày”, Jason Bremner – một lãnh đạo mảng sản phẩm phần cứng của Google tiết lộ.
Càng về sau, Google sẽ cố gắng tự sản xuất những linh kiện bên trong của Pixel. Một ngày nào đó, họ muốn tự sản xuất những con chip do chính mình thiết kế. Điều này chưa từng nằm trong tính toán với Nexus.
Hiện tại, bộ phận phần cứng đã được tiếp cận sớm với những thành tựu của trí tuệ máy móc (machine learning) và các tiến bộ của bộ phận phát triển trợ lý ảo.
Tuy vậy, họ vẫn phải tạo ra bức tường lửa giữa bộ phận phần cứng và mảng Android, để giữ kín thông tin của các nhà sản xuất khác hợp tác với Android.
Hiroshi Lockheimer, lãnh đạo bộ phận Android cho biết họ sẽ xem nhóm phần cứng như các khách hàng bình thường.
“Samsung, LG, Huawei đều là những đối tác quan trọng”, ông nói. “Samsung tiết lộ với chúng tôi rất nhiều thông tin mật về sản phẩm, kế hoạch. Chúng tôi không nói điều đó với LG, và ngược lại. Mọi người được đối xử như nhau, kể cả đội của Rick”.
Buổi diễn của Osterloh
Google khoe khoang nhiều về camera có thể chụp nhanh hơn chớp mắt, tốc độ ứng dụng ngang với laptop và lượng pin vượt trội như là những nỗ lực tốt nhất từ Nexus.
Osterloh cũng tự hào với những tính năng khác như camera khởi động bằng cách lắc điện thoại, cảm biến vân tay tích hợp trackpad…
Pixel cũng được cấu thành từ những thành phần tối tân nhất hiện tại, như chip Snapdragon, và được lắp ráp bởi HTC tại Đài Loan. Thêm vào đó, nó có nhiều phần “thửa riêng”, như công nghệ không dây phát triển từ thế hệ thứ nhất trên Nexus. Chipset tối ưu bởi Google cho phép chụp ảnh, phản hồi màn hình nhanh hơn bất kỳ thiết bị Android nào, theo Burke.
Trợ lý Assistant cũng được phát triển độc lập với Android, và có khả năng “học hỏi” từ những hành động của người dùng.
Google so sánh sự hợp tác giữa họ và HTC với mối hợp tác giữa Apple cùng Foxconn. Đằng sau của Pixel là dòng chữ “Made by Google” (Sản xuất bởi Google), tương tự “Designed by Apple in California” (Thiết kế bởi Apple ở California) trên iPhone.
Osterloh tuyên bố Google sẽ không bao giờ nói Pixel được đồng sáng chế bởi ai khác.
“Pixel là của chúng tôi”, ông tự hào tuyên bố.