Khởi nghiệp công nghệ: Start mà chưa “up”

0
585

Phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam đã hình thành ở tầm quốc gia với dòng vốn hàng ngàn tỉ đồng, tuy nhiên những startup quy mô lớn vẫn chưa xuất hiện.

Chưa bao giờ trào lưu khởi nghiệp trong ngành công nghệ (tech startup) ở Việt Nam lại sôi động như hiện nay. Nhiều trí thức Việt thành công ở nước ngoài cũng về nước đóng góp cho phong trào khởi nghiệp trong nước như: Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Công ty Emotiv (ứng dụng đọc não người), Vũ Duy Thức, đồng sáng lập Công ty Kantago được Google mua lại vào năm 2011… Nhưng trên thực tế, Việt Nam vẫn đang đi chậm hơn so với các nước trong khu vực dù có rất nhiều lợi thế.

Có thể thấy, sau hơn 10 năm kể từ khi làn sóng khởi nghiệp công nghệ hình thành ở Việt Nam, cho đến nay, số lượng các doanh nghiệp thành công cũng chỉ là những mặt quen thuộc của một thập niên trước. Sự xuất hiện của “kỳ lân” (thuật ngữ chỉ các công ty công nghệ được định giá từ 1 tỉ USD trở lên) ở Việt Nam vẫn còn hiếm hoi. Lý do nằm ở đâu và liệu rào cản có được tháo gỡ?

Khoảng trống sau FPT và VNG

VNG, tiền thân là Công ty VinaGame, là một trong những cái tên được nhắc đến khi nói đến thế hệ khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam. VNG ban đầu chuyên phân phối game trực tuyến ở thị trường trong nước (2004), sau đó dốc sức phát triển các sản phẩm vệ tinh trên internet như mạng xã hội ZingMe, mạng tin tức ZingNews, trang nghe nhạc ZingMp3, mạng xã hội trên di động Zalo. Một yếu tố khác khiến VNG được nhắc đến chính là một trong số các công ty khởi nghiệp công nghệ chưa lên sàn có lợi nhuận cán mức 1.000 tỉ đồng (năm 2012). VNG vẫn được đánh giá là công ty tiềm năng vì chiến lược xây dựng hệ sinh thái trên internet được nhiều công ty trên thế giới đi trước áp dụng và thành công như Garena hay Alibaba.

Nếu như VNG là gương mặt nổi trội trong nhóm doanh nghiệp chưa lên sàn thì FPT là đại diện cho ngôi sao sáng trên sàn chứng khoán. Năm 2006, FPT niêm yết cổ phiếu và thu hút được giới đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó đến nay, doanh thu của Công ty luôn đạt trên 20.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế cũng giữ trên mức 2.000 tỉ đồng. Nguồn thu của FPT đến từ 2 mảng là tin học và viễn thông, bên cạnh giáo dục và đầu tư. Tuy nhiên, một mình FPT không thể giúp ngành công nghệ thông tin Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn khi giá trị vốn hóa của Công ty chỉ chiếm 2% trên thị trường chứng khoán nội địa.

VNG hay FPT nỗ lực khởi nghiệp trong thời kỳ đầu kinh tế mở cửa ở Việt Nam, ít đối thủ tham gia, tận dụng được cơ hội của cơn sốt internet. Nhưng nhìn chung, rất nhiều công ty khởi nghiệp hiện vẫn đang “trôi” theo giấc mơ làm giàu và nhận ra môi trường khởi nghiệp vô cùng khắc nghiệt.

Theo Tập đoàn Tư vấn Frost & Sullivan, sau khi tăng mạnh trong năm 2015, doanh thu ngành công nghệ thông tin của Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 55 tỉ USD, tăng hơn 35%, trong năm 2016. Hiện Việt Nam có 40 quỹ đầu tư có vốn trên dưới 50 triệu USD. Thị trường cấp vốn ngoài những cái tên như IDG Ventures, thời gian gần đây đã xuất hiện thêm CyberAgent Ventures (Nhật), Dream Incubator Việt Nam (Nhật), 500 Startups (Mỹ), Alpha Vision (Singapore)… Trong bối cảnh thuận lợi đó, chưa có nhiều công ty khởi nghiệp đủ lớn về quy mô và công nghệ là một nghịch lý.

Trước hết, phải nhìn vào thực trạng các nhà đầu tư đang hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam. Bởi vì, nhà đầu tư rất quan trọng trong sự thành công của các công ty khởi nghiệp. Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện CyberAgent Việt Nam và Thái Lan, hiện có 6 xu hướng khởi nghiệp đang được chú ý và theo đuổi trên thế giới gồm: fintech (nhóm các công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực tài chính), internet of things (nhóm các công ty tích hợp đa sản phẩm vào công nghệ), giáo dục trực tuyến, chăm sóc sức khỏe trực tuyến, Big Data (đại dữ liệu) và trí tuệ nhận tạo. Các nhà đầu tư cũng quan tâm đến yếu tố phát triển trên nền tảng di động của các xu hướng này.

Theo nhận định của các chuyên gia, chính nhóm đầu tư cá nhân mới là động lực thúc đẩy thị trường khởi nghiệp công nghệ Việt Nam tiến nhanh và xa hơn. “Dù vậy, nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam hiện không đủ sức khuấy động đầu tư vào mảng khởi nghiệp công nghệ”, ông Nguyễn Mạnh Dũng nhận định.

Bên cạnh đó, trả lời báo chí, ông Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Emotiv, nhà sáng lập SeeSpace, cho biết, hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam còn rất manh nha, chưa hỗ trợ được gì cho lực lượng khởi nghiệp. Số lượng nhà đầu tư ở Việt Nam hiện rất ít, chủ yếu nằm trong giai đoạn “gieo mầm” và góp một chút vốn ban đầu, chưa thấy những cam kết mang tính dài hạn. Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức trong nước gần như không có. Hệ quả là dù có nhiều lợi thế về nguồn lực, thị trường đông dân, độ phủ internet ngày càng cao nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia phát triển chậm nhất khu vực.

Mặt khác, dù Việt Nam có lượng người sử dụng internet đông, giới trẻ chiếm ưu thế, nhưng sức chi tiêu của nhóm này thấp. Điều này dẫn đến các website có nhiều lượng truy cập như nghe nhạc, tin tức hay mạng xã hội đều không khai thác được giá trị tương ứng với lượng người sử dụng. Chưa kể, tâm lý sử dụng miễn phí nhiều dịch vụ internet vẫn còn ăn sâu. Nếu xây dựng doanh nghiệp với chiến lược doanh thu từ quảng cáo trực tuyến, cũng chỉ đạt một giới hạn nào đó, do bị cạnh tranh khốc liệt bởi Facebook hay Google.

Điều quan trọng hơn cả là so với 10 năm trước, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Quy trình nhận vốn vẫn phải mất từ 4-8 tháng để hoàn tất, trong khi một doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển sản phẩm rất cần vốn nhanh và gấp. “Rót vốn đã khó, giải ngân cũng chẳng khá hơn. Muốn thị trường sôi động, Chính phủ cần đưa ra các chính sách đầu tư thông thoáng hơn”, ông Dũng nói.

Ông Phan Minh Tâm, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Công ty 24h, còn trăn trở, so với 10 năm trước, các điều kiện hỗ trợ khởi nghiệp như hạ tầng, đường truyền, lượng người sử dụng internet đều tốt hơn nhưng hành lang luật pháp chưa thông thoáng. Theo Tập đoàn IDG Đông Nam Á, tại Việt Nam, trên 60% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại. Để giảm tỉ lệ thất bại này, Chính phủ cần phải điều hành kinh tế vĩ mô tốt hơn, song song đó là đẩy mạnh giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trí tuệ Việt Nam. “Nhưng đây lại là vấn đề lớn cần thời gian”, ông Tâm nói.

Theo ông Đỗ Hoài Nam, không nên hỗ trợ tiền mà hãy tạo ra những chính sách đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, không ưu ái doanh nghiệp nào dù là nhà nước. Bởi vì, khi Chính phủ đầu tư tiền cho các nhóm khởi nghiệp sẽ tạo ra một sự mất công bằng, giống việc ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước trước đây.

Quỹ đầu tư 500 Startups bắt đầu có những khoản đầu tư tại Việt Nam và đây là 1 trong 3 quỹ mạo hiểm lớn nhất thế giới. Hiện 500 Startups đang quản lý tổng số vốn trị giá 267 triệu USD, đã đầu tư vào 686 startup và thoái vốn thành công ở 67 startup. Sự xuất hiện của quỹ đầu tư mạo hiểm này tại Việt Nam được chú ý vì 500 Startups quyết định lập riêng một quỹ nhỏ trị giá 10 triệu USD để đầu tư vào các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, ứng dụng tin nhắn và đặt vé trực tuyến. Mặt khác, số liệu của CB Insights cho thấy các startup chỉ gọi vốn được 27,2 tỉ USD trên toàn cầu trong quý IV/2015, giảm 11,4 tỉ USD so với quý trước đó. Hay dòng vốn cho các startup công nghệ đang thu hẹp lại. Điều đó có nghĩa là dòng vốn cho các startup không dồi dào nữa, mà chọn lọc hơn.

“Thị trường là bộ lọc chuẩn nhất cho xã hội. Những doanh nghiệp khởi nghiệp nào mang lại giá trị thực sự cho xã hội sẽ luôn được thị trường đầu tư trọng vọng. Đừng giết môi trường khởi nghiệp bằng tiền”, ông Nam chia sẻ trên trang Facebook cá nhân. Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Startup Vietnam Foundation (SVF) được thành lập cũng trên quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp bằng kiến thức và quản trị, chứ không phải bằng tiền. Ông Phạm Duy Hiếu, CEO của SVF, cho rằng: “Cái thiếu lớn nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam chắc chắn không phải là tiền”. Có thể thấy, ba cột trụ quan trọng nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững là doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital) và tổ chức thúc đẩy kinh doanh (business accelerator).

Phá bĩnh thông minh

Năm nay, có một số startup công nghệ được chú ý như: kênh truyền hình cá nhân Umbala, cẩm nang video How.vn, cung cấp kiến thức nông nghiệp MimosaTek, dịch vụ tài chính LoanVi… Có thể thấy các startup Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới. Tuy nhiên, những khoản đầu tư này khó tạo nên đột biến để hình thành các doanh nghiệp tỉ đô.
Về vấn đề này, có một khái niệm mà rất nhiều người hay nói tới là thuật ngữ “disruption” (phá bĩnh). Từ này bị giới công nghệ lẫn truyền thông lạm dụng nhiều tới mức cứ bất kỳ công nghệ hay mô hình kinh doanh có chút đột phá nào cũng được xem là phá bĩnh.

Bắt nguồn từ công trình nghiên cứu của Giáo sư Clayton Christensen tại Trường Kinh doanh Harvard, khái niệm “disruption” nói về hiện tượng các startup ít tài nguyên nhưng lại có thể “tuyên chiến” được các công ty truyền thống có sẵn nguồn lực rất dồi dào. Theo kết quả nghiên cứu dựa trên dữ liệu thực của chuyên gia đầu tư Thomas Thurston, lý thuyết “disruption” dự đoán đúng tới 66% công ty khởi nghiệp nào sẽ thành công, và 88% công ty nào sẽ thất bại.

Theo đó, có 2 dạng phá bĩnh. Đầu tiên là mở ra thị trường mới (new-market disruption), trong đó doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ nhắm tới những khách hàng bị bỏ qua bởi những công ty truyền thống (do chi phí phục vụ các khách hàng này là quá cao). Dạng phá bĩnh thứ hai là nhắm tới phân khúc giá rẻ (low-end disruption), phục vụ những khách hàng bị bỏ qua vì không đem lại nhiều lợi nhuận.

Một kinh nghiệm cần ghi nhớ với các công ty khởi nghiệp là không phải cứ có sản phẩm tốt hơn là sẽ phá bĩnh được, và không phải nếu muốn phá bĩnh thì cần có sản phẩm tốt hơn. Thực ra, lịch sử cho thấy, hầu hết các công nghệ và mô hình kinh doanh phá bĩnh đều có sản phẩm ban đầu thua kém hơn về mặt chất lượng hay dịch vụ so với các sản phẩm đang có và thậm chí còn có thể có giá đắt hơn. Điều đó khiến cho phần lớn khách hàng không quan tâm đến những sản phẩm này và các công ty truyền thống không nghĩ rằng đây là mối đe dọa đáng lo. Tuy nhiên, các sản phẩm phá bĩnh sẽ đáp ứng tốt hơn một số nhu cầu cụ thể và tìm được thị trường ngách nhất định, để từ đó tạo chỗ đứng và tấn công vào thị trường phổ thông.

Bài học của “kỳ lân”

Các doanh nghiệp có thể chọn lựa cách phá bĩnh khi bước vào sân chơi khởi nghiệp. Nhưng đó không chỉ là lý thuyết, trên thực tiễn, các công ty khởi nghiệp láng giềng đã có nhiều hướng đi khác nhau để tạo nên những thành công vượt bậc.

Ở châu Á, nhiều trường hợp công ty khởi nghiệp đi sau nhưng hiện có giá trị lớn hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp Việt Nam, như Garena (Singapore) hay Naver (Hàn Quốc) và nhóm này vươn rất nhanh ra tầm Đông Nam Á. Thành lập năm 2009, Garena đang là một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Đông Nam Á với mức định giá khoảng 4 tỉ USD. Từ năm 2011 đến 2015, doanh thu của Garena tăng đến 13 lần, đạt 200 triệu USD. Tổng số vốn mà công ty này đã huy động được là 500 triệu USD.

Quỹ đạo phát triển của Garena có nhiều nét tương đồng với VNG. Cũng được Tencent của Trung Quốc đầu tư, Garena khởi đầu là một nhà phát hành trò chơi trực tuyến cho khu vực Đông Nam Á. Theo công bố gần đây, ứng dụng chủ lực Garena+ có khoảng 45 triệu người sử dụng. Dựa trên nguồn thu dồi dào từ game, Garena nhanh chóng mở rộng hoạt động ra các lĩnh vực khác. Ứng dụng thanh toán di động AirPay có lưu lượng giao dịch hằng năm đạt 510 triệu USD. Ứng dụng mua sắm Shopee đạt tổng giá trị giao dịch hàng hóa là 1,5 tỉ USD chỉ sau 15 tháng hoạt động. Ngoài ra, Garena còn bỏ ra hàng triệu USD để thâu tóm cổ phần trong dịch vụ mua giùm đồ siêu thị RedMart (Singapore), trang thông tin nhà hàng Foody (Việt Nam) và chợ dịch vụ làm đẹp Vanitee (Singapore).

Trong khi đó, Naver của Hàn Quốc là một mô hình có thể so sánh với Google hay Baidu. Do một nhóm cựu nhân viên Samsung thành lập vào năm 1999, dịch vụ tìm kiếm Naver có xuất phát điểm rất thấp so với các đối thủ lớn nhất thời bấy giờ là Yahoo! hay Daum.

Nhờ chủ động sáng tạo đưa ra các tính năng mới như tìm kiếm hình ảnh và video (đi trước Google tới 5 năm) và cho phép cộng đồng người dùng tự hỏi đáp lẫn nhau (tương tự như Yahoo! Answers hay Quora ngày nay), Naver đã bứt phá đầy ngoạn mục. Hiện tại, Naver đang chiếm khoảng 70% thị trường dịch vụ tìm kiếm tại Hàn Quốc, bỏ xa 2 đối thủ Daum và Google. Trong năm 2015, doanh thu của Naver là 2,92 tỉ USD, lợi nhuận ròng đạt 465 triệu USD. Hiện tại, Naver cũng đang nằm trong tốp 10 tập đoàn có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Hàn Quốc, với trị giá 25,5 tỉ USD.

Ngoài át chủ bài là dịch vụ tìm kiếm tại Hàn Quốc, Naver cũng có một hệ sinh thái mạnh. Tương tự như nhiều ông lớn công nghệ châu Á khác, một nguồn thu lớn của Naver cũng đến từ kinh doanh game online: dịch vụ Hangame của hãng hiện đang giữ vị trí số 1 Hàn Quốc với hơn 20 triệu người sử dụng. Hay ứng dụng thanh toán di động Naver Pay vừa đạt con số 11 triệu người dùng chỉ sau 1 năm hoạt động, với tổng lưu lượng giao dịch đã xử lý là 2,3 tỉ USD. Chợ online Naver Shopping Window cũng đang có tổng giá trị giao dịch hơn 40 triệu USD/ tháng…

Không dừng lại ở Hàn Quốc, Naver còn tấn công sang Nhật và Thái Lan với ứng dụng chat LINE rất nổi tiếng. Năm ngoái, LINE đạt doanh thu hơn 1 tỉ USD và sau đợt phát hành cổ phiếu công chúng lần đầu (IPO) mới đây ở Nhật, giá trị vốn hóa của công ty con này đã lên tới hơn 10 tỉ USD. Nói đến đây, các công ty khởi nghiệp Việt Nam hoàn toàn có niềm tin để theo đuổi tham vọng chinh phục những vùng đất mới, nhưng niềm tin này phải có cơ sở thực tiễn, chứ không phải là câu chuyện “chạy theo những trào lưu ảo vọng”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here