Năm 2016, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) có kế hoạch đạt tổng doanh thu 4.325 tỉ đồng tăng 1,71% so với năm 2015; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 264 tỉ đồng.
Đặt ra mục tiêu khiêm tốn, hãng xe dẫn đầu tại thị trường taxi TP.HCM Vinasun có lẽ đã bắt đầu cảm nhận được sức nóng cạnh tranh khắc nghiệt. Thực tế, mặc dù doanh thu 9 tháng đầu năm 2016 là 3.441 tỉ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Công ty lại giảm 7,9% (303 tỉ đồng).
Thậm chí, nếu không tính khoản mục lợi nhuận khác (chủ yếu là thanh lý xe cũ) tăng mạnh 15% thì nguy cơ suy giảm lợi nhuận còn cao hơn nữa. Bởi vì, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chủ chốt trong 9 tháng chỉ đạt 182 tỉ đồng, kém xa so với con số 222 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước.
Kết quả này cho thấy dù nhu cầu đi lại của người dân, khách du lịch tăng mạnh nhưng Vinasun đang gặp phải những thách thức từ các đối thủ mới, nhất là những hãng xe có ưu thế về công nghệ như Grab hay Uber. Để giữ chân được tài xế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, Vinasun không còn cách nào khác phải tăng mức chiết khấu và thu nhập cho tài xế. Do đó, quỹ lương của Công ty có dấu hiệu tăng nóng. Trong 9 tháng đầu năm, tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Vinasun tăng đột biến 14,5% lên tới 260 tỉ đồng. Tốc độ gia tăng của chi phí cao hơn doanh thu khiến lợi nhuận giảm cũng là điều dễ hiểu.
“Cạnh tranh giữa Vinasun với Uber, Grab sẽ gây áp lực lên lợi nhuận của Hãng. Vinasun sẽ phải cắt giảm biên lợi nhuận để duy trì lực lượng tài xế và thị phần”, Công ty Chứng khoán Bản Việt đánh giá.
Có một sự khác biệt trong kỳ này là việc Vinasun ghi nhận doanh thu từ mảng bất động sản 14 tỉ đồng, con số mà năm trước không có. Nếu loại trừ khoản mục doanh thu bất thường từ mảng bất động sản và cung cấp các dịch vụ khác, mảng cốt lõi taxi của Công ty chỉ tăng trưởng khiêm tốn 5% trong 9 tháng đầu năm.
Thực tế, Chủ tịch Vinasun Đặng Phước Thành đã chuẩn bị từ lâu để đối phó với các thách thức mới. Bên cạnh việc mở rộng quy mô đội xe lên 6.000 chiếc, Vinasun cũng mang đến giải pháp ứng dụng smartphone gọi xe Vinasun App. Nhưng điểm yếu của công nghệ này là chỉ ứng dụng giới hạn trong nội bộ của Vinasun, khiến cho quy mô kinh tế không bằng Grab hay Uber.
Mới đây, Công ty cũng đã nhanh chóng cho ra mắt dịch vụ chở khách V.CAR, sử dụng 2 dòng xe cao cấp là Camry và Fortuner với giá cước tương đương taxi truyền thống. V.CAR sẽ hoạt động thí điểm ở 8 tỉnh khu vực phía Nam với 200 chiếc và dự kiến sẽ tăng lên 500-700 chiếc. Có thể thấy, với kế hoạch này, Vinasun chấp nhận cuộc chơi với Uber, Grab và nỗ lực tung ra những phương thức kinh doanh khác nhau để giữ thị phần.
Vinasun sẽ phải cắt giảm biên lợi nhuận để duy trì lực lượng tài xế và thị phần.
Tiềm năng của ngành vận tải tại Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục lạc quan, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và chi tiêu của người dân tăng mạnh. Theo Hãng Tư vấn Boston Consulting Group (BCG), Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và giàu có cao nhất tại Đông Nam Á với quy mô lên đến 33 triệu người vào năm 2020 so với con số 12 triệu người năm 2012. Theo đánh giá của Uber, với dân số trẻ chiếm trên 50% tổng dân số, Việt Nam được xem là thị trường năng động và sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng công nghệ.
Mới đây, Grab đã huy động được 750 triệu USD, nâng tổng số vốn góp được từ các nhà đầu tư lên đến hơn 1 tỉ USD. Ngoài Việt Nam, Grab còn hoạt động tại 5 quốc gia khác ở Đông Nam Á với tham vọng sẽ dẫn đầu trong các năm tới tại thị trường hơn 600 triệu dân của khu vực này. Việc Grab hay Uber liên tiếp nhận được các khoản rót vốn lớn từ nhà đầu tư sẽ giúp đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, hạ giá để nhanh chóng chiếm thị phần của các hãng taxi truyền thống.
Hiện kết quả cạnh tranh giữa các hãng taxi truyền thống với đối thủ mới ở Việt Nam vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Nhưng ở nước ngoài, kết quả đã khá rõ ràng. Điển hình như tại Mỹ, theo Business Insider, sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ gọi xe trực tuyến như Uber hay Lyft khiến cho nhiều hãng taxi tại New York đang trải qua một thời kỳ tồi tệ.
Trên trang mua bán trực tuyến Nycitycab.com, giá bán một thẻ hành nghề taxi tại New York hiện được rao bán chỉ ở mức 250.000USD, giảm hơn 5 lần so với thời điểm năm 2014 (1,3 triệu USD). Kèm theo đó là thị phần của các hãng taxi truyền thống đã giảm mạnh từ mức 84% năm 2015 xuống còn 65% vào tháng 4.2016. Nếu xu thế này tiếp tục, việc toàn bộ thị trường taxi rơi vào tay của Uber hay Lyft chỉ trong 1-2 năm tới là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Viễn cảnh này có thể lặp lại tại Việt Nam. Ngoài ra, sự xuất hiện của phương tiện giao thông công cộng hiện đại trong tương lai như các tuyến đường sắt đô thị (Metro), xe buýt nhanh sẽ góp phần làm thay đổi cấu trúc ngành vận tải đường bộ và chiếc bánh của các hãng taxi truyền thống cũng sẽ bị nhỏ đi ít nhiều. Với hạn chế về hạ tầng giao thông cùng tình trạng kẹt xe đang ngày càng tăng đến mức khủng khiếp ở những thành phố lớn tại Việt Nam, sẽ khó khăn hơn để chính quyền các thành phố lớn chấp thuận các hãng taxi truyền thống mở rộng quy mô đội xe.
Dù khó khăn nhưng không phải các hãng xe taxi truyền thống đã hết cách. Thực tế, trong cuộc chiến khốc liệt hiện nay, các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh vẫn có những thế mạnh riêng mà nếu biết khai khác triệt để. Bởi lẽ, mô hình kinh doanh của Uber hay Grab là dựa trên sự sẻ chia nguồn lực toàn xã hội (sharing economy). Mô hình này tuy có thể huy động được một lượng lớn ô tô của người dân tham gia, nhưng sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý, đồng bộ chất lượng phục vụ để giành được niềm tin từ khách hàng. Đây lại là điểm mạnh của các hãng taxi truyền thống.
Tính trung thành đối với cùng một dịch vụ của người tiêu dùng Việt Nam cũng là chìa khóa hữu hiệu để các hãng xe giữ được vị thế cạnh tranh. Theo khảo sát của Hãng nghiên cứu W&S vào năm 2015, có đến 70% người dùng taxi tại Việt Nam cho rằng họ sẽ trung thành với các dịch vụ đang sử dụng, trong đó 2 hãng Mai Linh và Vinasun nhận được sự trung thành cao nhất, lần lượt lên đến 86,2% và 83,5%.
Bên cạnh đó, công nghệ tuy mới nhưng vẫn có thể học hỏi. Được biết, ngoài ứng dụng công nghệ gọi xe trực tuyến đã có, trong thời gian tới Vinasun dự kiến sẽ phối hợp với các ngân hàng để phát hành loại thẻ thanh toán đa dạng cho khách hàng, đi cùng với chiến lược giảm giá mạnh tay để thu hút khách hàng. Vinasun có quá nhiều việc phải làm để giữ vị thế hiện tại, nhưng rõ ràng hãng xe này không có lựa chọn an nhàn hơn.