Facebook, Google mới hiểu thói quen người dùng Việt?

0
716

Câu hỏi đặt ra sau 10-15 năm triển khai mạnh mẽ hạ tầng viễn thông, các nhà mạng đã hiểu biết gì về người dùng của mình, liệu có biết được gu, thói quen, sở thích của mỗi người? Và rộng hơn, tại Việt Nam, VNG, VC Corp, FPT…, doanh nghiệp nào là người hiểu rõ điều này nhất?

Đặt câu hỏi trên tại Ngày Internet Việt Nam (Internet Day 2016), sáng 21/12, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng đồng thời đưa ra câu trả lời: “chính Google và Facebook mới hiểu điều này hơn ai hết”.

Theo ông Hưng, trong gần một thập kỷ qua, ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu ngành công nghệ thông tin.

Trong giai đoạn 2008-2014, doanh thu ngành công nghiệp nội dung số tăng từ 480 triệu USD lên 1,4 tỷ USD, với mức tăng xấp xỉ 20%/năm. Ngành công nghiệp nội dung số đang thu hút hơn 4.500 doanh nghiệp tham gia sản xuất và tạo việc làm cho hơn 70.000 lao động. Việt Nam đã xây dựng một ngành công nghiệp nội dung số phong phú, đa dạng trong đó có sả phẩm về giáo dục trực tuyến, giải trí trực tuyến, nội dung cho thiết bị di động…

Việt Nam đã có công ty lọt vào top 5 doanh nghiệp nội dung số lớn nhất Đông Nam Á, đủ sức cạnh tranh và thâm nhập vào các thị trường trong khu vực.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, nội dung số vẫn chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong cơ cấu thu nhập toàn ngành công nghệ thông tin, số lượng công ty tuy nhiều nhưng đa phần là các công ty quy mô nhỏ và vừa, các sản phẩm đủ khả năng chiếm lĩnh thị trường vẫn còn khiêm tốn.

Ông Hưng cũng cho rằng, các doanh nghiệp viễn thông cần thay đổi quan điểm phát triển dịc vụ của mình trong bối cảnh các dịch vụ truyền thống đã được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT đưa về mức giá 0 đồng, các dịch vụ giá trị gia tăng (VAS) truyền thống đang trong đà suy giảm, và vấn đề đặt ra là nhà mạng làm gì để chuẩn bị sẵn sàng cho kỷ nguyên số này.

Vị Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, điều cấp bách với các nhà mạng hiện nay là phải thay đổi tư duy, đẩy mạnh tốc độ phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng, tập trung tạo dựng các hệ sinh thái trên nền tảng hạ tầng qua đó cho phép các doanh nghiệp nội dung số khác tự do sáng tạo. Theo đó, thay vì cạnh tranh với chính các doanh nghiệp nội dung số nhỏ lẻ, hãy xây dựng một thị trường cạnh tranh lớn trên nền tảng của mình, điều này sẽ mang đến cơ hội phát triển bền vững, sẵn sàng bước chân vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp nội dung số đứng đầu thị trường hiện nay, là những người đi tiên phong và đạt được những thành công nhất định, sẽ hiểu rõ nhất thị trường nội dung số Việt Nam đang đứng ở đâu, thiếu cái gì. Thị trường Việt Nam vẫn còn khá nhỏ bé so với khu vực, chưa nói đến thế giới, vì vậy, doanh nghiệp không nên tự hài lòng với chính mình mà không ngừng đổi mới, không ngừng sáng tạo.

Dự kiến, quy mô quảng cáo trực tuyến sẽ tăng từ 390 triệu USD (2016) lên 950 triệu USD (năm 2020); tương tự là trò chơi trực tuyến là từ 320 lên 640 triệu USD, thương mại điện tử từ 900 triệu USD lên 5 tỷ USD vào năm 2020…

Trong bài tham luận tại Internet Day 2016, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty VNG – một trong những doanh nghiệp nội dung số lớn nhất hiện nay – cho rằng, thị trường mobile Internet Việt Nam hiện vô cùng lớn tuy nhiên mức độ thâm nhập của thị trường vẫn khá thấp. Theo ông Minh, cơ hội thị trường mobile Internet sẽ bằng từ 40-100 lần thị trường PC Internet.

Dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 60 triệu người dùng điện thoại smartphone, trong khi, đa phần người dùng smartphone tại Việt Nam lại rất trẻ, chủ yếu từ 18-34 tuổi và độ tuổi này có mức độ thâm nhập Internet là 88% và smartphone là 70%; số lượng điện thoại thông minh và thuê bao 3G tăng mạnh theo từng năm; hạ tầng Internet và hạ tầng di động băng rộng khắp.

Tổng giám đốc VNG cho rằng, chính với nền tảng trên thì ngành công nghiệp dịch vụ nội dung số, đặc biệt là trên mobile, thời gian tới sẽ có cơ hội bùng nổ. Trong đó, dự kiến, quy mô quảng cáo trực tuyến sẽ tăng từ 390 triệu USD (2016) lên 950 triệu USD (năm 2020); tương tự là trò chơi trực tuyến là từ 320 lên 640 triệu USD, thương mại điện tử từ 900 triệu USD lên 5 tỷ USD vào năm 2020…

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here