Nội Dung Chính
Là một nền tảng chia sẻ về thiết kế, DesignBold đang hướng đến sứ mệnh: làm cho giao tiếp giữa mọi người trở nên đẹp hơn thông qua truyền thông thị giác (visual communitcation).
Xuất hiện trên thị trường chưa đến 2 tháng, con số 50.000 lượt truy cập/ngày của DesignBold tạo ấn tượng mạnh mẽ trong cộng đồng start-up Việt Nam. Nhưng thực ra, DesignBold được kế thừa kinh nghiệm hơn 10 năm khởi nghiệp của người sáng lập Đinh Viết Hùng với một start-up khác – Joomlart. Đó là một nền tảng thiết kế giao diện web mẫu và các giải pháp vận hành CMS (hệ thống quản trị nội dung) của Joom Solutions.
Nếu không có đối thủ, hãy coi chừng!
Theo Đinh Viết Hùng, ý tưởng xây dựng DesignBold được khơi nguồn từ Google doc và Micrsoft Office. Microsoft Office là một bộ công cụ về văn phòng số 1 trên thế giới, tuy nhiên, nhu cầu về tài liệu của người sử dụng có xu hướng giảm dần, trong khi nhu cầu hợp tác tăng lên. Đó là lý do mà Google doc đã rất thành công, dù tính năng chỉ bằng 10% so với Microsoft.
Tương tự, Photoshop là phần mềm đồ họa lâu đời, uy tín và đồ sộ nhất trên thế giới, nhưng điểm hạn chế của phần mềm này là mỗi bộ công cụ chỉ giải quyết nhu cầu thiết kế sáng tạo cho một cá nhân tại một thời điểm duy nhất. DesignBold được tạo ra với mong muốn có được 10 – 30% tính năng của Photoshop, nhưng được chuyển sang nền tảng có tính tương tác cao hơn là website và nền tảng đám mây. Theo đó, DesignBold xây dựng một kho template và hình ảnh để sử dụng thường xuyên, khách hàng có thể sở hữu với việc đăng ký mua gói 19 USD/tháng. Theo thông tin từ DesignBold, hiện trong kho của họ có khoảng 5.000 mẫu (template) thuộc đủ chủng loại để sử dụng.
Thiết kế là công việc điển hình của nền công nghiệp chia sẻ, nhưng chúng ta đang không chia sẻ.
Đinh Viết Hùng cho biết, ý tưởng này đã được anh ấp ủ từ cách đây 3 năm, nhưng đây mới là thời điểm chín muồi để DesignBold ra mắt thị trường: tốc độ Internet đã được cải thiện và nhu cầu về thiết kế ngày càng trở nên phổ biến hơn. Đinh Viết Hùng không gặp phải một cái “bẫy” mà nhiều start-up vẫn vướng phải, đó là quá nôn nóng với việc đưa ý tưởng ra thị trường mà quên mất tính thời điểm.
Theo Đinh Viết Hùng, với một start-up, khi đã có ý tưởng tốt thì việc làm trước hay làm sau không phải là yếu tố quan trọng nhất, trừ khi thị trường quá nhỏ. “Mà thị trường cho sản phẩm của tôi quá lớn, nên chỉ cần chiếm được vài phần trăm thôi là đã thành công rồi”, Đinh Viết Hùng nói.
Khi DesignBold ra đời, trên thế giới đã có một số website về thiết kế như Canva, PicMonkey, Infogram, Stencils, tuy nhiên, mỗi website này đi vào một ngách thị trường khác nhau, không có ứng dụng nào có được độ phủ rộng như DesignBold. Theo người sáng lập của DesignBold, việc có đối thủ trên thị trường cần được coi là một điều tích cực, thậm chí “nếu bạn làm một sản phẩm mà sau một thời gian không có đối thủ cạnh tranh thì hãy coi chừng, bởi đó là tín hiệu nguy hiểm”, sáng lập viên này nhấn mạnh.
Lý do mà Đinh Viết Hùng đưa ra là để đưa một sản phẩm mới ra thị trường, chi phí lớn nhất là chi phí xây dựng nhận thức nếu thị trường có cạnh tranh, tức là sẽ có nhiều người cùng chia sẻ, tham gia vào việc xây dựng nhận thức, vì vậy, sẽ đỡ tốn kém hơn. Bên cạnh đó, nếu chỉ làm một mình thì điều đó có nghĩa là cuộc chơi không đủ hấp dẫn. Còn nếu có nhiều người cùng tham gia, tức là một xu hướng đã được xác lập và độ phù hợp về mặt thị trường của sản phẩm là rất cao.
Trong bối cảnh thị trường đang có khoảng 5 người chơi chính, DesignBold với tham vọng phát triển trên quy mô toàn cầu cũng đang xây dựng cho mình những sự khác biệt rõ rệt để ngày càng mở rộng thị phần. Một trong những vũ khí được cho là lợi hại sắp tới của DesignBold chính là khả năng cá nhân hóa, đưa ra các giải pháp sâu hơn đến với từng khách hàng. Theo đó, với sức mạnh của big data, bộ nhớ của DesignBold có khả năng ghi nhớ những hệ thống dữ liệu liên quan đến phong cách thiết kế như màu sắc, font chữ, đường nét… của người dùng để từ đó có thể đưa ra những gợi ý thiết kế cho doanh nghiệp, cá nhân trong những lần tiếp cận sau của người dùng.
Bên cạnh đó, DesignBold cũng đang mở rộng chuỗi giá trị với việc kết nối với các doanh nghiệp in để đưa đến sản phẩm cuối cùng cho thị trường là một sản phẩm thiết kế bằng bản cứng. Theo kế hoạch, khoảng quý I năm 2017, mảng in ấn của DesignBold sẽ được đi vào triển khai, hiện thực hóa sứ mệnh mà DesignBold lựa chọn: giúp con người giao tiếp với nhau một cách “đẹp” hơn thông qua visual communication; giải quyết nhu cầu truyền thông online (các ấn phẩm thiết kế sử dụng cho digital marketing) và offline.
Đây là một trong những bước đi khôn ngoan của DesignBold hướng tới việc giải quyết tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Bởi lẽ, theo phân tích của Đinh Viết Hùng, nhu cầu in trên toàn cầu, cả đối với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân đều đang rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội và thế giới ảo, con người lại đang có xu hướng quay trở về với những điều “thật” hơn.
Một điểm nhấn khác mà DesignBold đang nỗ lực xây dựng để tạo sự khác biệt hóa chính là tính địa phương hóa về phong cách thiết kế cũng như ngôn ngữ sử dụng. Là một doanh nghiệp của Việt Nam, phát triển ra thị trường toàn cầu, DesignBold có thể giải quyết được bài toán địa phương hóa thông qua cách thức vận hành. Đại diện của start-up này nhấn mạnh, “DesignBold không tạo ra một công cụ, chúng tôi tạo ra một hệ sinh thái, một sân chơi để tất cả mọi người cùng tham gia, bởi với tôi, thiết kế là công việc điển hình của nền công nghiệp chia sẻ, nhưng chúng ta đang không chia sẻ”.
Với việc đưa thiết kế vào môi trường chia sẻ, DesignBold đang giúp cho những người làm thiết kế có thêm động lực sáng tạo, tìm kiếm thêm nhiều giá trị, trong khi đó, doanh nghiệp chỉ phải trả một mức phí rất nhỏ, nhưng có thể sở hữu được rất nhiều lựa chọn thiết kế đa dạng. Chạm được đến đúng vấn đề của thị trường, đó là lý do mà DesignBold có được sức tăng trưởng ấn tượng chỉ trong một thời gian đầu ra mắt. Với đà phát triển như hiện tại, mức doanh thu 50.000 USD/ngày từ DesignBold mà CEO Đinh Viết Hùng đặt ra không phải là tham vọng quá xa vời, đặc biệt khi các tiện ích khác của DesignBold tiếp tục được hoàn thiện.
Nếu bạn làm một sản phẩm mà sau một thời gian không có đối thủ cạnh tranh thì hãy coi chừng, bởi đó là tín hiệu nguy hiểm.
Đam mê kiến tạo
Hiện nay, sản phẩm của DesignBold khá đa dạng và đáp ứng cơ bản nhu cầu của nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, tiếp thị như: như backdrop, standee, banner, bìa sách, tạp chí, ấn phẩm giới thiệu sản phẩm, thiệp mời, danh thiếp, lý lịch, graphic… đến cả những bìa và mẩu quảng cáo trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, Pinterest. Trong bối cảnh thương mại điện tử, kinh doanh trên mạng xã hội nở rộ, các công ty với mô hình nhỏ gọn, các hộ kinh doanh cá thể phát triển bùng nổ trong thời gian gần đây mà đặc thù của những doanh nghiệp này là túi tiền eo hẹp, không có chi phí để thuê thiết kế, nhưng xu hướng cạnh tranh trên thị trường đòi hỏi họ vẫn phải đầu tư vào hình ảnh, DesignBold đang có rất nhiều đất để phát triển. Đó là chưa kể đến nhóm khách hàng cá nhân với nhu cầu chuyển tải cảm xúc, thông điệp bằng hình ảnh đang hiện hữu hàng ngày, hàng giờ.
Trong bối cảnh thị trường bùng nổ về nhu cầu thiết kế, không quá ngạc nhiên trước kết quả mà DesignBold thu được chỉ sau 2 tháng chạy chính thức: 50.000 người dùng và 50.000 lượt truy cập/ngày. Công ty cung cấp một số lượng template giới hạn cho những người dùng thử. Để tiếp cận toàn bộ kho template và hình ảnh để sử dụng thường xuyên, người sử dụng có thể đăng ký mua gói 19 USD/tháng.
Trong một lần chia sẻ gần đây, Đinh Viết Hùng cho biết, có hai yếu tố rất căn bản quyết định sự thành công của một start-up chính là sản phẩm và đội nhóm. Trong đó, sản phẩm của một start-up để thành công, cần có một hàm lượng công nghệ cao, cùng với đó là sự khác biệt và điều quan trọng là phải có cơ hội tăng trưởng đột phá. Các tiêu chí này đang thể hiện rất rõ trong chính DesignBold. Trải nghiệm nhiều năm trong môi trường start-up với JoomlArt đã giúp cho CEO Đinh Viết Hùng có được tầm nhìn và khả năng đánh giá cơ hội phát triển, để từ một ý tưởng có thể trở thành một start-up phát triển thực sự đột phá. Đinh Viết Hùng cho biết, trên thực tế, có không ít start-up của Việt Nam gặp thất bại khi khởi nghiệp bắt nguồn từ việc vì quá yêu ý tưởng của mình mà quên mất yếu tố quan trọng là hiểu sâu sắc về vấn đề họ đang giải quyết cũng như cách để đưa sản phẩm vào thị trường.
Quay trở lại câu chuyện của mình, Đinh Viết Hùng cho biết, thời điểm khởi nghiệp của anh cách đây hơn 10 năm, lúc đó anh không gặp phải cái bẫy này, bởi lẽ, thành công của start-up đầu tiên – cung cấp giải pháp giúp doanh nghiệp làm website, không bắt nguồn từ ý tưởng quá khác biệt, mà xuất phát từ sự tập trung, “khi mình giải quyết một nhu cầu hiển nhiên của một tập khách hàng nào đó, và tập trung hết sức để làm thật tốt, thành công sẽ đến”.
Với bài toán về xây dựng đội nhóm, Đinh Viết Hùng cho biết, với một start-up như DesignBold hay bất cứ start-up nào khác, yếu tố quan trọng nhất là thái độ chứ không phải kỹ năng. Bởi lẽ, trong môi trường thông tin ngày càng rộng mở như ngày nay, các bạn trẻ có rất nhiều công cụ để hỗ trợ. Thái độ tốt sẽ giúp các bạn trẻ học hỏi và trưởng thành để đáp ứng được yêu cầu công việc.
Cũng theo Đinh Viết Hùng, để dẫn dắt một start-up về công nghệ thành công, người sáng lập và điều hành không cần phải quá giỏi về công nghệ, nhưng bắt buộc phải nắm được xu thế. Để làm được điều này, kinh nghiệm của Đinh Viết Hùng không gì khác là liên tục trau dồi kiến thức, đọc, học các tạp chí về công nghệ cũng như các blog công nghệ.
Đinh Viết Hùng chia sẻ, một trong những động lực thôi thúc anh liên tục dấn thân trong thế giới start-up là niềm đam mê kiến tạo. “Đó là nguồn sống và mang lại niềm hạnh phúc cho tôi khi trải nghiệm việc nuôi dưỡng các start-up”. Đinh Viết Hùng nhấn mạnh khi nói về niềm đam mê kiến tạo này, tuy nhiên, theo anh, tư duy kiến tạo không chỉ cần thiết đối với cá nhân người sáng lập, mà đó cần là của cả đội nhóm khởi nghiệp.
Trong tháp maslow của khởi nghiệp, có thể tạm chia làm ba tầng: tầng tồn tại và nuôi sống được nhân viên, tầng tiếp theo là làm thế nào để tạo ra một sản phẩm có ích và tầng cuối cùng là tạo ra được một sản phẩm khiến mình tự hào. Tự nhận DesignBold vẫn đang ở tầng thấp nhất, tuy nhiên, vị CEO này tự tin khẳng định, cái đích họ hướng đến trong một thời gian không xa sẽ là tầng trên cùng. Khi đó, cả đội ngũ sẽ được trải nghiệm cảm giác tự hào khi nhìn thấy sản phẩm của mình hiện hữu và góp phần thay đổi cuộc sống.