Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hai thập niên được – mất

0
680

Trong những năm đầu thập niên 2000, thị trường bán lẻ Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới, nhưng càng về sau, thị trường càng bộc lộ những khiếm khuyết nhất định do không tiên liệu được sự thay đổi của quan hệ tiêu dùng.

Xu hướng tự do hóa thương mại và sự phát triển của công nghệ thông tin đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các nền kinh tế là phải “mở cửa” nhanh và rộng hơn. Một trong những hệ quả của việc mở cửa nhanh là các tập đoàn đa quốc gia chi phối mạng lưới bán lẻ toàn cầu. Vì vậy, sự điều tiết của Nhà nước trở nên cần thiết để đảm bảo lợi ích quốc gia trong quá trình hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã phân loại dịch vụ phân phối (trong đó có dịch vụ bán lẻ) là một trong 11 ngành dịch vụ chính. Sự phát triển của dịch vụ bán lẻ theo khuynh hướng hiện đại không những cung ứng đa dạng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà còn đưa ra các loại hình dịch vụ giúp cho khách hàng lựa chọn thuận tiện và chính xác hơn trong gói tiêu dùng. Qua đó, các nhà sản xuất, nhà cung cấp thu nhận được nhiều thông tin cần thiết từ thị trường để có sự đổi mới, cải tiến nhanh và phù hợp.

Khi không có sự nhận thức đúng về vai trò và chức năng của dịch vụ bán lẻ sẽ đưa đến sự sai lệch trong phân bổ nguồn lực cho nền kinh tế và gây nên thiệt hại cho nền kinh tế trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Chính vì vậy, Nhà nước phải có sự điều tiết chính sách và quản lý để bảo đảm nền kinh tế đi đúng định hướng, đặc biệt khi có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Trong năm 2010, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, đã tăng gấp 6 lần so với năm 2000.

Ở Việt Nam, những năm đầu đổi mới, chúng ta đã nhận ra sự quan trọng của lĩnh vực thương mại bán lẻ hàng hóa. Các nghị định 2/2003/NĐ-CP, quyết định số 27/2007/QĐ-TTg cùng với các văn bản chỉ đạo khác về phát triển hệ thống thương mại trong nước đã được Bộ Thương mại trước đây triển khai một cách nhanh chóng.

Trong những năm đầu thập niên 2000, thị trường bán lẻ Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới, với tỷ lệ bình quân 25%/năm và gia tăng rõ rệt khi Việt Nam gia nhập WTO.

Các năm 2007 – 2009, khi kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, tỷ lệ tăng của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn duy trì từ 18 – 25%. Những thương hiệu bán lẻ lớn đã sớm vào Việt Nam, như Cora (của Pháp, sau này là BigC), Parkson (của Malaysia), Metro (của Đức, sau thuộc Thái Lan), Melinh Plaza (của Bahamas).

Nhiều tổ chức trong nước cũng nhanh chóng tham gia thị trường, với hệ thống Sài Gòn Co.op (thuộc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM), Satra (thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn), Hapro (thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội), cùng với các thương hiệu tư nhân như Maximart, Citymart, Phú Thái.

Hệ thống bán lẻ Việt Nam đã từng bước đi theo hướng phát triển hiện đại, kết nối được các nhà sản xuất trong nước và các nhà nhập khẩu hàng hóa, dịch chuyển theo thị trường các vùng dân cư, tạo nên sự tiện lợi trong mua sắm, tiêu dùng.

Quy mô thị trường bán lẻ ngày càng lớn. Trong năm 2010, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, đã tăng gấp 6 lần so với năm 2000. Một phần cũng do thu nhập của người Việt đã tăng từ 2,5 triệu đồng lên hơn 17 triệu đồng/người năm 2010.

Mặc dù đã có những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam cũng bộc lộ những khiếm khuyết nhất định, do không tiên liệu được sự thay đổi của quan hệ tiêu dùng. Nhà nước và bản thân các doanh nghiệp cũng cố gắng tạo ra những kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại nhưng nhìn chung vẫn thiếu đồng bộ ở nhiều khâu và thậm chí là đã từng bước lạc hậu.

Singapore là quốc gia chỉ có hơn 3 triệu dân nhưng là trung tâm logistics toàn cầu, còn Việt Nam với lợi thế 3.200km bờ biển nhưng các cảng biển vẫn là hạ tầng cũ kỹ, công nghệ xếp dỡ, điều hành lạc hậu, năng suất không cao nên không phục vụ tốt nhất cho khâu lưu thông hàng hóa, trong đó có ngành dịch vụ bán lẻ.

Các phương thức kinh doanh hiện đại như chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, trung tâm mua sắm, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, kinh doanh online chỉ mới hình thành, thiếu tính chủ động trong việc tiếp cận công nghệ quản lý chuỗi hiện đại… Còn nhiều bất cập nữa trong liên kết chuỗi giá trị toàn cầu, chính sách ưu đãi thuế, đất đai, tín dụng; sự quản lý chồng chéo của các cơ quan và thiếu đầu mối chính để định hướng xây dựng và phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại.

Về phía doanh nghiệp, ngay cả nhiều “ông lớn” cũng bộc lộ những điểm yếu không thể sửa chữa. Parkson là một doanh nghiệp Malaysia sớm nhảy vào phân phối bán lẻ tại Việt Nam, đã có những thành công nhất định trong thời gian đầu. Tuy nhiên, họ đánh giá sai thị trường Việt Nam khi không tính được tốc độ tăng trưởng và thu nhập khả dụng của người tiêu dùng.

Họ chọn phân khúc hàng hóa trung bình để phục vụ mà không tính đến chuyện thị hiếu gia tăng nhanh chóng do Việt Nam hội nhập nhanh. Loại hàng trung bình không tính đến hàng từ thị trường cận biên Trung Quốc đổ vào Việt Nam và bán ở mọi nơi, nên người tiêu dùng cũng có thể mua sản phẩm như bày bán trong Parkson ở các chợ “nhà”. Mặc dù ra sức giảm bớt các siêu thị để chuyển nhượng mô hình kinh doanh nhưng cuối cùng kế hoạch của Parkson cũng thất bại.

Còn trường hợp của chuỗi bán lẻ G7 Mart của Trung Nguyên thì nằm ở bài toán tồn kho và mức chiết khấu trong giá. Họ không thực hiện tốt chuỗi cung ứng hàng hóa, từ đầu vào đến đầu ra và quy mô mua hàng không đủ lớn để hàng hóa không bị chẻ nhỏ đến các nhà cung ứng khác trong cam kết của chuỗi. Mặc dù có liên kết với doanh nghiệp Nhật nhưng Minitop của Trung Nguyên cũng như một cơn gió thoảng trên thị trường.

Ở chiều ngược lại, một số thương hiệu chứng minh được tính hiệu quả của triết lý kinh doanh “chậm mà chắc”, điển hình có thể kể đến là Takashimaya. Việt Nam đang ở mức thu nhập trung bình 15 – 33 triệu đồng/người cho đến 2020. Mức thu nhập này được người Nhật nghiên cứu rất kỹ và Takashimaya đã xuất hiện từ 2016 với hai siêu thị kiểu upper tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Sự xuất hiện của siêu thị ngay khu đất sang trọng bậc nhất Sài Gòn cũng phản ánh đối tượng khách hàng mà họ muốn chọn với các dịch vụ kèm theo. Cũng với cách nghiên cứu này, Diamond Plaza đã tồn tại gần 20 năm. Khác với Parkson – mở quá nhiều điểm bán trong khi chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu tiêu dùng, Takashimaya chỉ chọn một điểm lớn tại trung tâm thành phố để hoạt động thành công.

Theo dự báo, giai đoạn 2011 – 2020, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng 18%/năm, quy mô thị trường bán lẻ dự kiến sẽ gấp 5 lần so với 2010, tỷ trọng hệ thống bán lẻ qua kênh hiện đại sẽ tăng lên và chiếm khoảng 40%.

Đây là những số liệu mới nhưng thật ra trong những năm cuối thập niên 1990, các nhà kinh tế cũng dự báo chỉ số này vào năm 2015, song cho đến thời điểm này, kênh bán hàng truyền thống vẫn chiếm hơn 70% lượng hàng hóa giao dịch trên thị trường. Từ định hướng này và sự “ra đi” của các hệ thống siêu thị lớn trong thời gian qua, chúng ta cần định dạng tổng quát lại hệ thống phân phối bán lẻ bằng những khuôn khổ luật pháp riêng cho ngành này.

Với Việt Nam, cần thực hiện chính sách ưu tiên phát triển mạng lưới bán lẻ hàng hóa tại các địa phương có đủ điều kiện, hạn chế phát triển nóng tại các thành phố lớn dễ dẫn đến tình trạng bão hòa. Khi hệ thống bán lẻ tại các địa phương, thành phố nhỏ phát triển, sẽ hình thành nên sự phát triển bền vững của nền bán lẻ hiện đại của quốc gia.

Cả Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ khi gia nhập WTO đều có Điều luật Bán lẻ riêng biệt để điều chỉnh.

Khi hệ thống bán lẻ tại các địa phương, thành phố nhỏ phát triển, sẽ hình thành nên sự phát triển bền vững của nền bán lẻ hiện đại của quốc gia.

Hoa Kỳ là quốc gia phát triển bậc nhất về hệ thống dịch vụ bán lẻ. Hệ thống dịch vụ bán lẻ của họ kết hợp cả mô hình thương mại truyền thống và hiện đại. Hoa Kỳ luôn nỗ lực đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, các chính sách về giấy phép vận hành, đầu tư, vay vốn, tuyển dụng lao động để tạo điều kiện cho sự phát triển công bằng, nhanh chóng, đồng bộ. Chủ đề thương mại về dịch vụ bán lẻ được quy định trong Luật Liên bang và chịu sự điều chỉnh của nhiều đạo luật khác có liên quan.

Nhật Bản là nước tiêu thụ hàng hóa trong ba hạng đầu của thế giới, với đặc điểm nổi bật về hệ thống dịch vụ bán lẻ là với sự xuất hiện dày đặc các điểm bán tại tất cả các nơi nhưng với quy mô nhỏ. Năm 2004, Nhật Bản chỉnh sửa khuôn khổ luật cho phép các bên thứ ba bán hàng trực tiếp, nhà bán buôn bán cho nhà bán lẻ mà không cần thông qua trung gian, nhằm tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng hàng hóa ở đầu cuối (người tiêu dùng).

Trung Quốc gia nhập WTO sớm so với một số nước trong khu vực nên đã có các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng cạnh tranh trên thị trường thế giới, đồng thời hỗ trợ ổn định hệ thống bán lẻ trong nước bằng pháp lệnh về bán lẻ. Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích các siêu thị, doanh nghiệp nhỏ trong nước mua bán, sáp nhập, liên kết để hình thành nên các tập đoàn trong nước lớn đủ sức đối chọi với các siêu thị nước ngoài.

Tại Trung Quốc, do tập quán “buôn có bạn, bán có phường” nên đã hình thành từ lâu đời rất nhiều khu phố thương mại cổ. Chính phủ cũng cho sửa sang lại các khu phố thương mại truyền thống thành các siêu thị lớn nhiều chủ sở hữu và phát triển thêm hệ thống siêu thị ở các thành phố nhỏ và vùng nông thôn.

Trong những năm 1980, sau khi trở lại mạnh mẽ với thị trường thế giới, tận dụng các ưu thế của mình, hệ thống bán lẻ hiện đại của Thái Lan có tốc độ tăng trưởng rất nhanh so với thị trường truyền thống, hiện nay bán lẻ hiện đại chiếm 54% thị phần so với bán lẻ truyền thống. Sở dĩ thị trường này tăng trưởng nhanh do Thái Lan có rất nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế tham gia thị trường với các siêu thị và đại siêu thị trên khắp đất nước.

Thái Lan cũng đề ra các chính sách kiểm soát chặt chẽ ngay tại các điểm bán về giờ giấc, về khoảng cách địa lý và điều tiết sự hình thành các chuỗi liên kết. Các doanh nghiệp nước ngoài chỉ được mở các siêu thị riêng lẻ, không được hình thành chuỗi liên kết chi phối thị trường. Nhà nước cũng xây dựng các chính sách thương mại về dịch vụ bán lẻ một cách công bằng, trong đó có việc kiểm soát giá và các chương trình khuyến mãi để hạn chế cạnh tranh bằng giá.

Bên cạnh đó, để cổ súy cho việc phát triển bán lẻ hiện đại, Chính phủ Thái Lan cũng luôn hỗ trợ cho kênh bán lẻ truyền thống, giúp hình thành nên các liên minh siêu thị nhỏ.

Malaysia, Indonesia là hai thị trường mới nổi tại khu vực châu Á. Các quốc gia này đều quy định các ngưỡng góp vốn, quy mô siêu thị để tạo điều kiện phát triển kênh bán lẻ hiện đại chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài và duy trì, hỗ trợ cho các siêu thị nhỏ trong nước.

Cả Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc sau khi mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết gia nhập WTO thì có rất nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài tràn vào thị trường nội địa nên chính phủ đã xây dựng các luật lệ nhằm điều chỉnh, theo hướng vừa tạo điều kiện cho dịch vụ bán lẻ hiện đại phát triển, vừa giữ lại các mô hình truyền thống và các siêu thị nhỏ.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here