Mạng xã hội lấn sân báo chí

0
607

Facebook vừa qua đã công bố các dự án mới nhằm thiết lập những mối quan hệ vững mạnh hơn giữa mạng xã hội và ngành báo chí, cho phép tiến hành các cuộc hợp tác phát triển sản phẩm, những cách thức mới để các nhà xuất bản kiếm tiền, và cả hoạt động đào tạo.

Facebook đã công bố dự án báo chí của mình trong bối cảnh hoạt động phân phối tin tức của mạng xã hội lớn nhất thế giới này ngày càng bị giám sát kỹ càng, đặc biệt bị cho là đã thất bại trong việc xử lý sự lan truyền những thông tin sai lệch trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Bên cạnh đó, Facebook cũng đang chiếm phần lớn doanh thu quảng cáo trực tuyến trên toàn cầu (ngoài Google), trong khi các tòa soạn báo phải cắt giảm chi phí và nhân công do khó khăn.

Hợp tác để cùng phát triển

Fidji Simo, Giám đốc mảng sản phẩm của Facebook, cũng là người lãnh đạo dự án báo chí, nói rằng hãng đã chuẩn bị cho công việc này trong một thời gian dài. “Các đối tác truyền thông của chúng tôi muốn một lời cam kết sâu sắc hơn, không chỉ ở mức độ kinh doanh, mà còn ở mức độ sản phẩm và kỹ thuật”. Bà cũng chia sẻ rằng chương trình này được kết nối với các giá trị nội dung trang chủ mà Facebook đã thông báo hồi tháng 6-2016.

Simo cũng nhắc lại lời của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg rằng Facebook không phải là một công ty truyền thông truyền thống, cũng không phải là một công ty công nghệ truyền thống. “Chúng tôi tạo nên công nghệ giúp mọi người kết nối với nhau và nhận được thông tin. Điều đó có nghĩa là Facebook phải hợp tác tốt với ngành công nghiệp tin tức”.

Trước đây, nhóm quan hệ với các đối tác tin tức của Facebook thường xuyên thảo luận với các hãng tin lớn nhưng bây giờ phần việc này phải có thêm sự tham gia của nhóm kỹ sư công nghệ, nhằm hợp tác phát triển các sản phẩm – dù là thể hiện các dòng thông tin hay định dạng mẫu quảng cáo mới. Các hoạt động này sẽ diễn ra dưới hình thức cuộc hội nghị bàn tròn, các cuộc họp về lập trình hay chia sẻ thông tin trực tuyến.

Một ví dụ về những loại hình sản phẩm mới sẽ được đưa ra bao gồm cách trình bày các gói tin tức trên Facebook (một tính năng mà các tòa soạn yêu cầu), được gọi là những “bộ sưu tập”; những mẩu quảng cáo xuất hiện giữa các đoạn video và truyền hình trực tiếp; và một công cụ cho phép độc giả đăng ký theo dõi các ấn phẩm trực tiếp từ Facebook.

Với Facebook Live, các nhà xuất bản tin tức sẽ có khả năng chỉ định các nhà báo như những người đóng góp nội dung để họ có thể đưa tin trực tiếp thay mặt cho trang tin mà không cần các chi tiết đăng nhập cho tài khoản Facebook của nhà xuất bản.

Chủ biên Claire Wardle của First Draft News chia sẻ rằng dự án kể trên cho thấy sự công nhận của Facebook đối với các hãng thông tấn khi xem họ là một phần của hệ sinh thái tin tức. “Trước đây, các hãng tin rất khó tiếp cận được với nhóm chuyên gia, kỹ sư công nghệ, và những người làm kỹ thuật cũng không hiểu gì về việc kinh doanh tin tức”.

Điều bắt buộc với ngành công nghiệp tin tức là phải hợp tác để tạo ra thông tin truyền thông mang lại lợi nhuận, đáng tin cậy và có hiệu quả.

Giám đốc phụ trách mảng thông tin của tờ Washington Post, Shailesh Prakash, cũng đồng tình với quan điểm của Claire Wardle. Ông dẫn chứng ví dụ về Instant Articles – cho phép người sử dụng đọc báo đồng thời tương tác trên ứng dụng Facebook với tốc độ tải trang nhanh hơn 10 lần so với việc sử dụng trình duyệt web trên điện thoại – và cho rằng tính năng này sẽ hữu hiệu hơn rất nhiều nếu những người làm nội dung có thể tham gia ngay từ đầu trong quá trình phát triển ứng dụng.

Theo Prakash, những cuộc trao đổi qua điện thoại hằng tuần giữa Washington Post và Facebook sẽ được hỗ trợ thêm bởi các cuộc họp trực tiếp hằng tháng. Tuy nhiên, hiện chưa rõ có bao nhiêu hãng tin sẽ đạt đến mức độ tiếp cận này. Với chủ biên của hãng Vox Media là Melissa Bell, việc hợp tác sẽ có hiệu quả hơn không chỉ với Facebook mà còn với các nhà xuất bản tin tức khác mang lại nhiều giá trị cho cả hai bên.

”Trước đây, có rất nhiều câu hỏi mà tất cả mọi người đều tìm cách tự mình trả lời và điều đó đã làm giảm tốc độ truyền tải thông tin đi rất nhiều. Điều bắt buộc với ngành công nghiệp tin tức là chúng tôi phải hợp tác để tạo ra thông tin truyền thông mang lại lợi nhuận, đáng tin cậy và có hiệu quả”.

Liên quan đến việc xử lý sự lan truyền của thông tin sai lệch trên nền tảng của mình, Facebook đã nhắc lại mối quan hệ đối tác mới công bố gần đây với các bên thứ ba chịu trách nhiệm xác thực và các kế hoạch ngừng đặt các mẩu quảng cáo trên các trang web chuyên đưa tin tức giả.

Công ty cũng cam kết thúc đẩy kỹ năng tin tức của người sử dụng Facebook bằng nhiều biện pháp, bao gồm một loạt các quảng cáo dịch vụ công cộng.

Tham vọng bá chủ thế giới thông tin

Dự án báo chí của Facebook cũng sẽ mở rộng hoạt động đào tạo mà mạng xã hội này cung cấp cho ngành báo chí, từ các tòa soạn lớn tới các tờ báo địa phương quy mô nhỏ. Hãng cũng sẽ đưa ra các khóa học trực tuyến đa ngôn ngữ và giới thiệu một công cụ phân tích tên là CrowdTangle miễn phí cho các đối tác.

Cụ thể, Facebook sẽ giúp First Draft News thiết lập một cộng đồng những người xác minh ảo cho những tin tức truyền thông, các sự kiện mới nhất. Cả Wardle và Prakash đều cho biết họ mong Facebook sẽ cởi mở hơn với các dữ liệu của mình.

Với bà Wardle của First Draft News, điều quan trọng là các giải pháp công nghệ giúp các nhà nghiên cứu độc lập chất vấn các quyết định mà Facebook đang đưa ra. Ví dụ, một cuộc nghiên cứu tâm lý xã hội đã chỉ ra rằng có một “hiệu ứng boomerang” khi có người lật tẩy các câu chuyện trên Facebook thì lại khiến nhiều người dễ nhấn vào để đọc các bản tin đó hơn. Ngược lại, ông Prakash của Washington Post lại muốn có nhiều dữ liệu hơn về cách người sử dụng Facebook tương tác với các nội dung tin tức, ví dụ như một người sử dụng Instant Articles sẽ kéo thanh cuộn của họ trên giao diện trang xuống chừng nào để xem tin tức, hay sẽ dành bao nhiêu thời gian để xem video.

Ở góc nhìn của một nhà báo, bà Wardle vẫn còn một yêu cầu lớn nữa chưa được thực hiện, khi nói rằng bà thực sự mong Facebook sẽ thuê một tổng biên tập cho dự án báo chí này.

Trên thực tế, đằng sau cái bắt tay với các nhà xuất bản là tham vọng bá chủ Internet của mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Vào giữa năm 2015, Facebook giới thiệu đến người sử dụng Instant Articles. Mặc dù chỉ là thử nghiệm nhỏ ban đầu, nhưng cho tới hiện tại, tính năng này đã được phát triển rộng rãi tới các nhà xuất bản, bất cứ ai cũng có thể sử dụng. Về phía người sử dụng, họ có phản hồi rất tốt.

Instant Articles trở thành hình mẫu cho ngành công nghiệp, với việc Apple và Google nhanh chóng tham gia để cung cấp nội dung lưu trữ các giải pháp của riêng mình…

Khi có Instant Articles, các tòa soạn có sự lo lắng không nhỏ khi phải cân nhắc giữa hai vấn đề thực tế: một, phần đông độc giả đọc tin của các tờ báo này trên Facebook; hai là các tờ báo cho phép Facebook lưu trữ những bài viết trực tiếp trên máy chủ của mạng xã hội này. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà xuất bản phải từ bỏ một số quyền kiểm soát nhất định đối với tần suất đăng bài và nội dung quảng cáo đi kèm. Nhiều tòa soạn lo ngại rằng Facebook sẽ khiến họ phải phụ thuộc vào cách đưa tin này, sau đó yêu cầu tăng tỷ lệ ăn chia từ doanh thu quảng cáo.

Cho đến nay, Facebook đã có những hành động ngược lại như chấp thuận việc các tòa soạn yêu cầu tăng lượng quảng cáo trong mỗi bài viết. Vừa qua, mạng xã hội đã kích hoạt tính năng quảng cáo bằng video. Một tuần sau, cho phép các nhà xuất bản chia sẻ bài viết của các nhà tài trợ đi kèm…

Trong một thời gian ngắn, Instant Articles trở thành hình mẫu cho ngành công nghiệp, với việc Apple và Google nhanh chóng tham gia để cung cấp nội dung lưu trữ các giải pháp của riêng mình… Nhưng Facebook vẫn là kẻ chiếm ưu thế trong cuộc chơi – với sức mạnh ngày càng tăng trong việc phân phối tin tức đã làm dấy lên những vấn đề mới.

Trong một nỗ lực làm gia tăng tính chuyên nghiệp trong việc cung cấp thông tin, Facebook đang đặt mục tiêu đưa ra những công cụ mới nhằm chống lại các tin tức giả mạo (fake news), đầu tiên là ở Đức. Facebook dự kiến sẽ đưa ra quy trình đơn giản giúp người sử dụng đánh dấu tin tức nghi ngờ giả mạo và sẽ đăng lời cảnh báo sau khi được các tổ chức độc lập thẩm định, đồng thời cắt doanh thu quảng cáo đối với những trang tin tức giả mạo. Người sử dụng sau đó sẽ không thể tiếp cận những tin tức bị gắn mác giả mạo dù chúng có xuất hiện dưới hình thức quảng cáo có trả phí hay miễn phí.

Việc Facebook tuyên chiến với tin tức giả mạo có ý nghĩa khá lớn đối với Đức, đất nước có nền kinh tế và dân số lớn nhất châu Âu.

Facebook cho rằng các tổ chức kiểm định độc lập và minh bạch sẽ là công cụ hữu hiệu cho dự án báo chí của mình. Tổ chức báo chí phi lợi nhuận Correctiv sẽ là đối tác kiểm định sự thật đầu tiên của Facebook ở Đức và hiện mạng xã hội này vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm các đối tác tương tự

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here