Mạng xã hội tác động thế nào đến nền kinh tế?

0
870

Đối với các doanh nghiệp, mạng xã hội là kênh quảng cáo rất hiệu quả. Nhưng mặt trái của nó, mạng xã hội cũng là nơi bắt nguồn nhiều tin tức tiêu cực, là nơi mọi người bàn tán và chia sẻ tin tức xấu gây nên nhiều vụ khủng hoảng truyền thông cho thương hiệu.

Sức mạnh truyền thông của mạng xã hội

Đứng trên góc độ kinh tế, theo dữ liệu của Boomerang, 87% người dùng đã chọn mạng xã hội là nơi liên hệ hoặc phản ánh các vấn đề vì thông tin cá nhân không chịu trách nhiệm trước pháp lý và dễ dàng nhận được nhiều sự ủng hộ từ đám đông.

Tại buổi tọa đàm “Tác động của mạng xã hội đến nền kinh tế” diễn ra tại Hà Nội vào chiều 9/3, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo điện tử Vietnamplus, nhận định: “Mạng xã hội ngày nay đóng vai trò truyền thông lớn, đặc biệt là với báo chí. Trước đây báo chí đóng vai trò là kênh phát ngôn, nơi truyền tải những thông tin chính thống và duy nhất cho các doanh nghiệp, người dân. Nhưng nay thì không cần thế nữa, người dùng có thể đăng tin trên mạng xã hội, nhà quảng cáo cũng không cần tới báo chí nữa. Mạng xã hội mang lại nhiều thông tin đa chiều. Một dự thảo, dự án đang xem đề xuất thôi nhưng được đưa ra bàn thảo trên mạng xã hội, các cơ quan nhà nước có thể xem lại thay đổi hoặc dừng dự án đó”.

Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng hiện nay mạng xã hội có khả năng bị lợi dụng cao và ở đây cũng có nhiều điểm xấu, như những câu chuyện fake news (tin giả mạo) đôi khi được lan truyền nhanh hơn tin thật. Ông Minh đưa ra dẫn chứng về những tin giả mạo với những tác động lớn như trong câu chuyện đưa ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ. “Tin giả mạo đôi khi được nhiều người hơn là tin thật, nó khiến cho người sử dụng không biết đi đường nào mà đúng. Tuy nhiên cũng không nên quá lo lắng vì theo thống kê của Facebook thì những nội dung vô thưởng vô phạt chiếm tỷ lệ khoảng 80-85%, còn những tin có mục đích (thí dụ tin giả) thì chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ”, ông Minh nhấn mạnh.

Truyền tải thông tin nhanh chóng, kịp thời

Nhà văn Vũ Phương Thanh (Gào) có số lượng người theo dõi trên mạng xã hội rất lớn và được bình chọn đứng vào Top 4 những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội trong 2 lĩnh vực Lifestyle và Parenting của Giải thưởng quốc tế Influence Asia 2017. Tuy vậy, Phương Thanh cũng chia sẻ mục đích ban đầu đến với mạng xã hội là bởi trong đời sống thực cô không có nhiều bạn bè, do đó cô lên mạng và chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận của mình về đời sống, xã hội.

Ban đầu ít bạn bè theo dõi, Thanh có thể viết ra mọi thông tin mà không cần suy nghĩ, nhưng sau này số lượng người theo dõi lên tới cả triệu người thì Thanh cho rằng: “Mình cần ý thức hơn với những lời nói và khi viết gì cần phải suy nghĩ hơn. Bên cạnh đó, công việc kinh doanh của mình liên quan đến quảng cáo trên Facebook, Youtube, nên mạng xã hội vừa là nơi để chia sẻ đồng thời kết nối với khách hàng”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), ông Nguyễn Duy Hưng đến với mạng xã hội với lý do ban đầu là bảo vệ tên tuổi bởi tên ông bị nhiều người giả mạo. “Một người em bảo tôi có nhiều Facebook giả lấy tên mình, nên tôi nghĩ phải làm một cái thật để không giả”, ông Hưng nói.

Ông cũng nói thêm: “Ngành của tôi cần thông tin, quan điểm chính thống từ tôi. Tôi muốn trực tiếp nói ra. Không có kênh nào hợp lý hơn mạng xã hội để đưa quan điểm”. Bởi lẽ, đối với chứng khoán, tính kịp thời, chính xác của thông tin rất quan trọng. Do đó, dù rất bận rộn nhưng ông Hưng vẫn duy trì Facebook như kênh phát ngôn chính thống. Ông khẳng định tự mình viết các thông tin đó.

Mặt khác, chủ tịch SSI cũng chia sẻ ông thích sự tương tác trên mạng, đối với những lập luận tranh cãi được thì ông trả lời nếu có thời gian. “Tôi không cấm ai comment trên Facebook của mình. Nhưng có những người dùng Facebook có thói quen unfollow những người xung quanh. Lâu dần chúng ta toàn người giống chúng ta”, ông nói.

Báo chí chính thống và mạng xã hội

Việt Nam có hơn một nửa dân số sử dụng Internet, trong số đó 9/10 có sử dụng mạng xã hội. Thống kê gần nhất cho thấy, số tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam đã cán mốc trên 40 triệu tài khoản, và trung bình mỗi người dành hơn 2 tiếng đồng hồ để sử dụng mạng xã hội mỗi ngày.

Mạng xã hội không chỉ đơn thuần là nơi chia sẻ các thông tin cá nhân, làm quen, mà giờ đây mạng xã hội đã có tác động to lớn đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế. Các chia sẻ và tương tác trực tuyến trên mạng xã hội đã khiến người tiêu dùng tiếp cận được nhiều thông tin đa chiều hơn so với kênh báo chí và truyền hình truyền thống trước đây. Vì thế có ý kiến cho rằng mạng xã hội đang trở thành quyền lực thứ 5 sau báo chí.

Tuy nhiên, TBT báo điện tử Vietnamplus, ông Lê Quốc Minh cho rằng đó là quan điểm hết sức sai lầm. Báo chí ngoài thông tin còn có sự thẩm định thông tin, có tổ chức, hướng đến những điều tích cực còn mạng xã hội không có sự kiểm chứng, dễ dẫn đến sự náo loạn nhất định”. Ông Minh cũng cho rằng chúng ta không nên vì sợ mạng xã hội mà đứng xa hay né tránh nó:“Thay vào đó chúng ta phải tham gia vào mạng xã hội để chủ động về mặt thông tin. Nhưng có doanh nghiệp nghĩ rằng có mạng xã hội rồi thì không cần báo chí nữa thì cũng không đúng. Chúng ta vẫn cần duy trì các mối quan hệ với các phương tiên truyền thông nhưng cần có chừng mực hơn”.

Đồng tình với quan điểm trên, với tư cách là một doanh nhân, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng: “Vai trò của báo chí chính thống sẽ duy trì sự cân bằng các dư luận xã hội, tuy nhiên báo chí cần phải cập nhật hơn, kịp thời đưa ra quan điểm của mình với những vấn đề nóng, càng nhanh càng tốt”.

Mặc dù là chủ đề của buổi tọa đàm là “Tác động của mạng xã hội đến nền kinh tế”, tuy nhiên các diễn chính, những hot blogger, vẫn chưa đưa ra được những tranh luận thuyết phục. Những hệ quả tích cực và cả tiêu cực đối với nền kinh tế của mạng xã hội, hay làm thế nào để hạn chế và đối phó với việc lạm dụng tung tin giả với mục đích phá hoại, cũng chưa được làm rõ trong khuôn khổ buổi tọa đàm.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here